Đề án tuyển sinh đại học năm 2022 của các trường ngành Kinh tế đình đám ở Hà Nội

Tào Nga Thứ bảy, ngày 19/03/2022 07:19 AM (GMT+7)
Các trường ngành Kinh tế đình đám ở Hà Nội có phương án tuyển sinh đại học năm 2022 thế nào?
Bình luận 0

Các trường ngành Kinh tế ở Hà Nội

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

PGS.TS Phạm Hồng Chương, hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chính thức ký quyết định phương án tuyển sinh dự kiến năm 2022. Theo đó, trường sẽ tuyển sinh tổng 6.100 chỉ tiêu. Trong đó phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT và xét tuyển kết hợp theo Đề án tuyển sinh của trường là 80-85%. Phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 10-15%.

Năm nay, trường sử dụng 7 hình thức xét tuyển kết hợp, tương ứng với 7 đối tượng xét tuyển. Các hình thức xét tuyển đều xét theo nguyên tắc xét từ điểm cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu dành cho từng hình thức, thành phần điểm của các yếu tố kết hợp đều được quy về thang điểm 30 và điểm xét tuyển đều bao gồm điểm ưu tiên (nếu có).

Chứng chỉ quốc tế mà thí sinh dùng để xét tuyển phải đang trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2022. Với phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT thì thí sinh phải đạt điểm sàn là 20 điểm (3 môn) tổ hợp bất kỳ trong số các tổ hợp mà trường dùng để xét tuyển. 

So sánh đề án tuyển sinh đại học năm 2022 của các trường ngành Kinh tế đình đám ở Hà Nội - Ảnh 1.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Tào Nga

7 phương thức xét tuyển đại học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là:

Phương thức 1: Thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT và ACT. Chỉ tiêu dự kiến là 1 - 3% tổng chỉ tiêu.

Phương thức 2: Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022. Chỉ tiêu dự kiến là 15 - 20% tổng chỉ tiêu.

Phương thức 3: Thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Chỉ tiêu dự kiến là 5% tổng chỉ tiêu.

Phương thức 4: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của các ĐH quốc gia. Chỉ tiêu dự kiến là 10 - 15% tổng chỉ tiêu.

Phương thức 5: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tiêu dự kiến là 15 - 20%.

Phương thức 6: Thí sinh là học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên hoặc hệ chuyên trường THPT trọng điểm quốc gia. Chỉ tiêu dự kiến 10 - 15% tổng chỉ tiêu.

Phương thức 7: Thí sinh đã tham gia vòng thi tuần Đường lên đỉnh Olympia, hoặc đạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành, hoặc giải khuyến khích quốc gia, xét kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tiêu dự kiến là 5% tổng chỉ tiêu.

Trường Đại học Ngoại thương

Năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Ngoại thương là 4.050 chỉ tiêu cho cả Trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc bao gồm: Cơ sở II- TP.HCM và Cơ sở Quảng Ninh.

Bên cạnh các chương trình đào tạo đã tuyển sinh năm 2021, trường ĐH Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh các chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm: Marketing số (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội) và Truyền thông Marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II – TP.HCM) thuộc ngành Marketing và chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội).

Trường ĐH Ngoại thương tiếp tục giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh như năm trước:

Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho 3 nhóm đối tượng: (1) Thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia (hoặc tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp điểm xét tuyển của trường); (2) thí sinh đạt giải (Nhất, Nhì, Ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/TP lớp 11 hoặc lớp 12; (3) thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.

Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, hoặc kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

Phương thức 3: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn và định hướng nghề nghiệp quốc tế.

Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức trong năm 2022, áp dụng cho một số chương trình tiêu chuẩn.

Phương thức 6: Xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT và nhà trường.

Trường Đại học Mở Hà Nội 

Năm 2022, Đại học Mở Hà Nội tuyển sinh 18 ngành với 3.600 sinh viên, tăng một ngành (Kiến trúc) và 200 chỉ tiêu so với năm ngoái. Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông Đại học Mở Hà Nội, cho biết việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, tương tự năm 2021 là nhằm đảm bảo tính ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Với các ngành Kiến trúc, Thiết kế công nghiệp có môn năng khiếu vẽ, trường tổ chức thi các môn Vẽ hình hoạ, Bố cục màu và chủ động sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Thí sinh cũng có thể dự thi môn năng khiếu vẽ ở các đại học khác và nộp phiếu điểm để tham gia xét tuyển.

Với phương thức mới là dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, trường chỉ áp dụng cho ngành Thương mại điện tử. Đây cũng là ngành duy nhất Đại học Mở Hà Nội không tổ chức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp hay học bạ.

3 phương thức xét tuyển Trường Đại học Mở gồm:

Phương thức 1: xét dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

 Phương thức 2: Xét học bạ THPT.

Phương thức 3: Kết quả bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Trong đó, trường dự kiến tuyển hơn 3.300 chỉ tiêu bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, Đại học Mở Hà Nội dành tối đa 5% để xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GDĐT.

Trường Đại học Thương mại

Năm 2022, Trường ĐH Thương mại tuyển sinh 4.150 chỉ tiêu với 5 phương thức gồm:

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT và quy định của trường. Chỉ tiêu xét tuyển dự kiến từ 1-2%.

Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp:

- Kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế (ACT, SAT) còn hiệu lực đến ngày xét tuyển với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, theo tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành (chuyên ngành) đăng ký xét tuyển, theo quy định của trường.

- Kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế (ACT, SAT) còn hiệu lực đến ngày xét tuyển với kết quả học tập bậc THPT, theo quy định của trường.

- Kết hợp giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi (bậc THPT) cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương hoặc giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, theo tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành (chuyên ngành) đăng ký xét tuyển, theo quy định của trường.

Chỉ tiêu phương thức xét tuyển kết hợp vào ĐH Thương mại dự kiến từ 40-45%.

Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (học bạ) đối với thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên toàn quốc hoặc học sinh các trường THPT trọng điểm quốc gia.

Chỉ tiêu phương thức xét tuyển học bạ vào ĐH Thương mại dự kiến từ 5-6%.

Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức năm 2022.

Chỉ tiêu phương thức xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Thương mại dự kiến từ 4-5%.

Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, theo từng tổ hợp bài thi/môn thi.

Chỉ tiêu xét tuyển ĐH Thương mại từ điểm thi tốt nghiệp 2022 dự kiến từ 45-50%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem