Kết thúc môn Văn nhẹ nhàng, thí sinh tự tin vào phòng thi môn Tiếng Anh

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 11/06/2022 14:26 PM (GMT+7)
Nhiều thí sinh đánh giá đề thi môn Văn vừa sức, nhẹ nhàng nên rất tự tin bước vào buổi thi thứ 2 với môn Tiếng Anh.
Bình luận 0

Chiều nay 11/4, hơn 93.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM tiếp tục bước vào môn thi thứ 2.

Nhẹ nhàng với đề Văn, tự tin thi tiếng Anh

Theo ghi nhận của Dân Việt, trước khi đến giờ thi môn Tiếng Anh, các em học sinh cùng nhau thảo luận về đề thi môn Ngữ văn trong buổi sáng.

Nhiều em hớn hở, tự tin vì bài thi môn Văn hoàn thành một cách nhẹ nhàng, bởi các em đánh giá đề không quá khó, rất vừa sức.

Kết thúc môn Văn "nhẹ nhàng", thí sinh tự tin vào phòng thi môn Tiếng Anh - Ảnh 1.

Thí sinh chia sẻ niềm vui với phụ huynh sau môn thi Văn. Ảnh: M.Q

Tại điểm thi THCS Bàn Cờ (quận 3), thí sinh Minh Tuấn đánh giá, em có thể đạt được 7 điểm trở lên với môn Văn. Dù hơi khác so với dự đoán ban đầu của Tuấn, nhưng vì đề không quá khó nên em vẫn hoàn thành rất tốt. Đặc biệt, trong đề Văn sáng nay, Tuấn thích nhất là câu hỏi ở phần thi nghị luận xã hội.

Tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, thí sinh Như Quỳnh (học sinh Trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh) nhận xét, cấu trúc đề thi năm nay ổn định như những năm trước. Tuy nhiên, Quỳnh cho rằng, đè có nhiều dữ liệu hơi lạ, nhưng nhìn chung vừa sức với học sinh.

"Về phần nghị luận xã hội, đề yêu cầu nói về sự trưởng thành, em thấy phù hợp với lứa tuổi của chúng em, từ đó sẽ đưa ra được nhiều ý kiến. Em viết một mạch 2 tờ giấy thi, rất thoải mái, không bị áp lực. Qua tham khảo bạn bè, em thấy hầu như đều hoàn thành tốt", Quỳnh nói.

Kết thúc môn Văn "nhẹ nhàng", thí sinh tự tin vào phòng thi môn Tiếng Anh - Ảnh 2.

Nhẹ nhàng vượt qua môn Ngữ văn, học sinh tự tin dự thi môn Tiếng Anh. Ảnh: M.Q

Tự nhận mình không giỏi môn Văn, thế nhưng thí sinh Kim Bảo (điểm thi Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh) cho biết, em hoàn thành khá tốt bài thi "áp lực" nhất của kỳ thi. Hoàn thành tốt môn Văn, Bảo tự tin hẳn.

“Thực sự đề thi rất vừa sức và thực tế nên em có thể viết được nhiều điều liên quan đến cuộc sống của chính chúng em trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua. Thời gian chẳng chờ đợi ai cả, và thời gian cũng chẳng phải là thước đo của sự trưởng thành. Mất nhiều thứ có thể tìm lại được, còn mất thời gian thì mãi mãi không bao giờ trở lại. Với suy nghĩ của những người trẻ, em tin rằng đề thi này sẽ giúp chúng em thể hiện được rất nhiều điều, và tất nhiên điểm số cũng không tệ", Bảo hào hứng.

Đề thi hay, vừa sức dù cấu trúc quen thuộc

Theo Thạc sĩ Phan Thế Hoài – giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay của TP.HCM có cấu trúc quen thuộc, giống những năm học trước. Do đó, học sinh sẽ không bị bất ngờ.

Đánh giá đề thi này, thầy Hoài cho biết đây là đề thi hay, vừa sức với lứa tuổi 15 nhưng vẫn có sự phân hóa cao. Cụ thể: Câu đọc hiểu (3 điểm) đề cho 2 văn bản đề cập đến bức thông điệp của thời gian, từ đó học sinh lần lượt trả lời các câu hỏi được thiết lập theo ma trận nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và cao. 

Ở câu hỏi này, học sinh có học lực trung bình dễ dàng lấy được 2,5 điểm, trong khi đó, học sinh khá giỏi có thể lấy được điểm tuyệt đối.

Kết thúc môn Văn "nhẹ nhàng", thí sinh tự tin vào phòng thi môn Tiếng Anh - Ảnh 4.

Hơn 650 thí sinh bỏ thi môn Ngữ Văn trong sáng nay 11/6. Ảnh: M.Q

Ở câu nghị luận xã hội (3 điểm), đề thi đặt vấn đề: “Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành”, ở góc nhìn tuổi trẻ, học sinh hãy trả lời câu hỏi trên.

"Đây là một đề mở, phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Với câu hỏi này, học sinh được tự do bày tỏ ý kiến, dĩ nhiên phải phù hợp với đạo đức, pháp luật và các chuẩn mực xã hội. Những học sinh khá giỏi, có khả năng về Văn học thì có nhiều ý tưởng hơn để thể hiện quan điểm của mình", thầy Hoài nói.

Ngoài ra, thầy Hoài cho biết thêm, các em có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần với ý kiến “chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành”. Theo dòng thời gian, con người sẽ trưởng thành về mặt thể xác, tâm hồn, nhưng chúng ta cần phải học tập, lao động và trải nghiệm thì mới trưởng thành đúng nghĩa. Từ đó, học sinh cũng có thể mở rộng vấn đề để bàn luận như: Phê phán tuổi trẻ để thời gian, công sức trôi qua một cách lãng phí, vô ích.

Kết thúc môn Văn "nhẹ nhàng", thí sinh tự tin vào phòng thi môn Tiếng Anh - Ảnh 5.

Nhiều giáo viên đánh giá, đề thi môn văn hay, thú vị nhưng vẫn vừa sức với học sinh. Ảnh: M.Q

Đối với câu nghị luận văn học (4 điểm), đề ra trong chương trình học kỳ 2. Đây là điều đã được thầy cô dự đoán và ôn kỹ cho học sinh. Ở phần này, có 2 câu hỏi cho học sinh lựa chọn nhưng đa phần các em sẽ chọn câu hỏi 1. Chỉ học sinh thực sự giỏi Ngữ văn, hay đọc sách... mới chọn câu hỏi số 2.

Trong đó, câu 1 yêu cầu học sinh cảm nhận về 2 khổ thơ trong bài “Sang thu” (Hữu Thỉnh). Học sinh sẽ không gặp khó khăn trong yêu cầu này, vì các em đã được luyện tập nhiều ở trên lớp, kể cả thi thử. Câu hỏi phụ mang tính chất phân loại, đó là từ đoạn thơ liên hệ với một tác phẩm khác để thấy được những biến chuyển của thiên nhiên, hoặc của con người theo bước đi của thời gian.

Ngoài ra, học sinh được phép chọn 1 trong 2 ý để trả lời: “Những biến chuyển của thiên nhiên hoặc con người theo bước đi của thời gian”. Trong đó, những biến chuyển của thiên nhiên có thể liên hệ với tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải), còn những biến chuyển của con người có thể liên hệ với nhân vật ông Hai trong tác phẩm “Làng” (Kim Lân).

Riêng câu hỏi 2 (Nghị luận văn học), đề thi yêu cầu học sinh phải có kỹ năng nghị luận từ sự trải nghiệm trong quá trình đọc, kết hợp với nội dung tin nhắn từ thời gian, sau đó xâu chuỗi vấn đề thì mới có thể làm bài được tốt.

Cô Kim Ngân, giáo viên dạy Văn Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết, cấu trúc đề thi môn Văn 10 năm nay có sự phân hóa rõ được học trò. Dựa vào các yêu cầu, nội dung của đề thi, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, thể hiện sự hiểu biết, tự đọc, tự học. Do vậy, nếu muốn đạt điểm cao môn thi này, bản thân các em học sinh không thể học vẹt, học tủ.

Theo đánh giá của cô Ngân, đề thi năm nay có tính mở, được đánh giá là một đề hay, khá thú vị. Cấu trúc đề thi quen thuộc nên chắc chắn học sinh không bất ngờ. Theo cô Ngân, khi ôn tập, giáo viên dạy Văn các trường cũng nắm rõ và hướng các em học Văn bằng phương pháp đẩy mạnh tư duy, thể hiện năng lực cá nhân của từng em nên đề thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem