Đề xuất hỗ trợ tối đa 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo sức bật cho nông nghiệp đô thị TP.HCM

Uyên Nhi Thứ bảy, ngày 19/11/2022 07:27 AM (GMT+7)
Sở NNPTNT TP.HCM kiến nghị nhiều giải pháp, nhất là hỗ trợ về vốn vay ưu đãi để tiếp tục phát huy hết sức mạnh, giá trị của 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo sức bật cho nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.
Bình luận 0

Hiệu quả tích cực từ chính sách hỗ trợ chuyển dịch nông nghiệp đô thị

Rau, tôm, heo, bò sữa, hoa lan - cây kiểng và cá cảnh là 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại TP.HCM (đã được UBND TP xác định và định hướng phát triển tại Quyết định số 4545/QĐ-UBND ngày 15/10/2018). Đây cũng là nhóm sản phẩm nông nghiệp được TP.HCM xác định góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn.

Để hỗ trợ cho 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển, khuyến khích chuyển dịch nông nghiệp đô thị, Nghị quyết số 10/2017 và Nghị quyết số 06/2021 của HĐND TP.HCM đã có chính sách ưu đãi lãi vay từ 60%, 80% và 100% với các chủ thể sản xuất.

Đề xuất hỗ trợ tối đa 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo sức bật cho nông nghiệp đô thị TP.HCM - Ảnh 1.

HTX Phước An (huyện Bình Chánh) là mô hình đạt hiệu quả cao, chuyển dịch từ trồng lúa sang trồng rau theo mô hình nông nghiệp đô thị TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Theo thống kê của Sở NNPTNT TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND các quận huyện, thành phố đã phê duyệt phương án vay vốn có hỗ trợ lãi vay đối với nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP gồm tôm, heo, hoa lan cây kiểng, bò sữa, rau an toàn và cá cảnh với tổng cộng 623 lượt vay (chiếm tỷ lệ gần 78%).

Tổng vốn đầu tư cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gần 945 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ gần 70%), tổng vốn vay gần 550 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 72,49%). Bình quân vốn đầu tư trên mỗi phương án hơn 1,5 tỷ đồng, còn bình quân vốn vay trên mỗi phương án là 882 triệu đồng.

Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá kiểm tra thực tế cho thấy chính sách đã góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả từ trồng múa, trồng mía năng suất thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi khác cho giá trị kinh tế cao hơn.

Cụ thể, cá chép Koi đạt lợi nhuận trung bình 50% (doanh thu bình quân đạt 10-15 tỷ đồng/ha/năm); hoa lan mokara cho lợi nhuận trung bình 50% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm); tôm cho lợi nhuận khoảng 30% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 1,6-3 tỷ đồng/ha/vụ); hoa mai đạt lợi nhuận trung bình 50% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm).

Không chỉ vậy, đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập của người dân cũng cải thiện hơn nhiều khi tham gia vào chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. 

Hỗ trợ tối đa cho 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Đại diện Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá ngành nông nghiệp TP chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị thời gian qua đạt nhiều hiệu quả, đi đúng hướng giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của thành phố hiện nay.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phát triển sản xuất giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…

Đề xuất hỗ trợ tối đa 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo sức bật cho nông nghiệp đô thị TP.HCM - Ảnh 3.

Hoa lan thuộc 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM hiện nay. Ảnh: Hồng Phúc

Để tiếp tục phát huy giá trị của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, Sở NNPTNT TP.HCM cho rằng cần nâng mức hỗ trợ lãi suất vay vốn ưu đãi cho các chủ thể sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

Sở NNPTNT TP.HCM vừa có báo cáo gửi HĐND, UBND TP về việc tổng kết, đánh giá hiệu quả của Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND (ban hành ngày 7/12/2017) quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021.

Sở đề xuất bổ sung Điểm a, khoản 1, điều 6 Nghị quyết số 10/2017 của HĐND TP.HCM: "Đối tượng là thành viên HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX, doanh nghiệp có tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX liên quan đến 6 sản phẩm chủ lực (rau, hoa, cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh); chủ đầu tư phát triển sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận; chủ đầu tư chuyển đổi từ đất muối sang nuôi trồng thủy sản; chủ đầu tư chuyển đổi từ sản xuất lúa, mía, cao su hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả cao hơn (rau, hoa, bắp, cỏ chăn nuôi) được ngân sách TP hỗ trợ 100% lãi suất (lãi suất tính hỗ trợ vay nêu tại Khoản 2, Điều 4, Nghị quyết số 10/2017)".

Đề xuất hỗ trợ tối đa 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo sức bật cho nông nghiệp đô thị TP.HCM - Ảnh 4.

Sở NNPTNT TP.HCM kiến nghị nhiều giải pháp, nhất là hỗ trợ về vốn vay ưu đãi để tiếp tục phát huy hết sức mạnh, giá trị của 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Ảnh: T.Đ

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, đề xuất này phù hợp chủ trương, chính sách của Trung ương và TP.HCM về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và khuyến khích chuyển dịch nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.

Ngoài ra, kế hoạch số 1949 của UBND TP.HCM ban hành ngày 17/5/2019 về khuyến khích hộ nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh trong HTX trên địa bàn TP, đề ra mục tiêu giai đoạn 2019-2021: tỷ lệ nông dân là hội viên có trực tiếp sản xuất nông nghiệp tham gia HTX đạt khoảng 20%, đến năm 2023 là 50% (khoảng 33.746 hội viên nông dân). Tuy nhiên, hiện TP.HCM có 101 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 2.482 thành viên, chỉ chiếm 3,67% so với tổng số hội viên nông dân (67.493).

Vì vậy, để đạt được mục tiêu Trung ương giao và kế hoạch TP đã đề ra thì việc đề xuất tăng mức hỗ trợ từ 60%, 80% lên 100% lãi suất đối với các đối tượng thành viên HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX, doanh nghiệp có tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX sản xuất 6 sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận là rất cần thiết.

Đây sẽ là động lực quan trọng khuyến khích HTX phát triển, hội viên nông dân tham gia HTX, doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX sản xuất, đặc biệt tập trung phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm ngành nghề nông thôn thuộc Đề án Mỗi xã một sản phẩm.

Sở NNPTNT TP.HCM cũng đề xuất cần thiết bổ sung đối tượng sản xuất rau, chăn nuôi heo (con giống, thịt), nuôi tôm nước lợ vào điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 10/2017 được ngân sách TP hỗ trợ 80% lãi suất (lãi suất tính hỗ trợ lãi vay nêu tại Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 10/2017 ngày 7/12/2017).

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, đây là nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực cần hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 10/2017 chỉ mới đề cập các đối tượng được ngân sách TP hỗ trợ 80% lãi suất là hoa lan, cây kiểng (nhóm hoa - cây kiểng), cá cảnh và bò sữa. Nghị quyết số 10/2017 chưa đề cập đối tượng sản xuất rau, chăn nuôi heo, nuôi tôm nước lợ được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 80%.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem