TP.HCM: Đề xuất nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

An Hải Thứ bảy, ngày 19/08/2023 16:56 PM (GMT+7)
Do chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp bất cập, Sở NNPTNT TP.HCM đã kiến nghị Trung ương sửa đổi để phù hợp thực tế giúp công tác hỗ trợ dạy nghề mang lại hiệu quả tốt hơn.
Bình luận 0

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, năm 2022, TP đào tạo nghề cho lao động nông thôn (dưới 3 tháng) là 2.184 lao động. Tổng kết năm 2022, tổng số lao động được đào tạo ở TP là 3.323 người, đạt 152% so với kế hoạch; số lao động sau đào tạo có việc làm chiếm 85%.

Sở NNPTNT TP.HCM nhìn nhận, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong năm 2022 được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, các sở, ngành TP, các tổ chức chính trị xã hội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các ngành, đoàn thể tại cơ sở tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động người lao động, đoàn viên, hội viên tham gia học nghề, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng năng suất lao động.

TP.HCM: Đề xuất nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Năm 2023, TP.HCM đề xuất nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh: An Hải

Các cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền về các giải pháp tích cực, huy động các nguồn lực tham gia thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động thôn theo các chỉ tiêu của Đề án.

UBND các xã, phường, thị trấn có những biện pháp tích cực trong công tác đào tạo nghề, như giao chỉ tiêu cho từng ngành, đoàn thể, từng cán bộ, đảng viên để tuyên truyền, vận động người dân ra lớp; đồng thời, tham gia quản lý lớp, duy trì sĩ số học viên.

Bên cạnh những thuận lợi, Sở NNPTNT TP cũng thừa nhận công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn còn nhiều khó khăn, như kinh phí hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ so với mức học phí của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, gây khó khăn cho người học.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương. Việc dạy nghề lưu động mở tại các xã, thị trấn chất lượng chưa cao.

Cán bộ phụ trách công tác giáo dục nghề nghiệp, quản lý lao động ở xã, thị trấn còn kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi. Đối tượng hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đối tượng thường trú; đối tượng tạm trú sản xuất nông nghiệp có nhu cầu học nghề không được hỗ trợ.

TP.HCM: Đề xuất nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 3.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP.HCM còn nhiều khó khăn, như kinh phí hỗ trợ học nghề còn thấp so với thực tế. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

Trong năm 2023, Sở NNPTNT TP.HCM kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất nâng mức hỗ trợ đào tạo cho lao động, vì quyết định cũ được ban hành từ năm 2015, nên so với thời điểm hiện tại không còn phù hợp. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại còn thấp nên không thu hút được người học.

Về đối tượng hỗ trợ học nghề, Sở NNPTNT TP đề xuất tất cả các đối tượng không kể thường trú hay tạm trú, có sản xuất nông nghiệp tại địa phương, có đăng ký cư trú hợp pháp đều được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem