Đến Cheo Leo, tìm hương vị cà phê vợt hơn 80 năm giữa lòng Sài Gòn

Nguyên Thịnh Thứ sáu, ngày 25/03/2022 10:10 AM (GMT+7)
Nằm trong một con hẻm nhỏ ở khu Bàn Cờ nổi tiếng của quận 3, tại số 109/36 Nguyễn Thiện Thuật, Cheo Leo là quán cà phê vợt hơn 80 năm.
Bình luận 0

Khách ta, khách Tây, người già, người trẻ đến Cheo Leo để tìm về một không gian hoài niệm, một hương vị ký ức của Sài Gòn với sức sống âm thầm, bền bỉ đáng ngạc nhiên giữa nhịp sống hối hả của một thành phố năng động nhất nước.

Cheo Leo, cà phê vợt hơn 80 năm ở Sài Gòn

"Ngồi đi con, hai đứa ngồi đây", người phụ nữ tuổi gần 70, vóc dáng nhỏ nhắn, mau mắn chỉ tay vào chiếc đi-văng dài, đặt sát tường, mời chúng tôi ngồi.

Đó là cô Nguyễn Thị Sương, thường gọi là cô Ba, chủ quán Cheo Leo. Nét mặt cô thoạt nhìn có vẻ nghiêm nghị, nhưng ánh lên sự dịu dàng. Không phải lúc nào cũng tươi cười, nhưng với khách, cô luôn đón tiếp với thái độ niềm nở như thế.

Đến Cheo Leo, tìm hương vị cà phê vợt hơn 80 năm giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 1.

Không gian nhỏ nhưng ấm cúng tại quán cà phê vợt Cheo Leo. Ảnh: Nguyên Thịnh

Chúng tôi thỉnh thoảng cuối tuần mới ghé quán, chắc chắn không xếp vào hàng khách "ruột" đến mức ngày nào cũng ngồi uống cà phê như nhiều người ở đây, nhưng chừng đó cũng đủ để cô Ba nhớ mặt. Cheo Leo dường như trân quý từng vị khách tìm đến.

Trong quán chủ yếu là bàn ghế cao, sắp xếp ngay ngắn, đặt trong nhà và đặt trước sân, có cánh cửa sắt làm "ranh giới" nhưng đã được mở toang cho thông thoáng. Tất cả đều đã có khách yên vị. Bên kia quán, cách con hẻm nhỏ, là phần "mở rộng" của quán, có đặt thêm ít chỗ ngồi, nhưng chúng tôi lại muốn được ngồi trong gian nhà bên này, nên cô Ba dọn chỗ cho chúng tôi ngồi xuống đi-văng.

Hỏi khách uống gì, cô lại nhanh nhẹn vào bếp để phục vụ.

Trong lúc chờ cà phê, khách lơ đãng nhìn ngắm không gian quán nhuốm màu thời gian. Trên tường có treo mấy bài báo viết về quán, được lồng khung kính trang trọng, chừng như quán rất tự hào về danh tiếng của mình.

Cheo Leo xứng đáng với điều đó, vì địa chỉ này nằm trong số hiếm hoi những quán cà phê vợt còn tồn tại ở Sài Gòn với lịch sử lâu đời.

Đến Cheo Leo, tìm hương vị cà phê vợt hơn 80 năm giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 3.

Cô Ba Sương pha cà phê vợt bên trong gian bếp. Ảnh: Nguyên Thịnh

Năm 1938, ông Vĩnh Ngô, rời Huế vào Sài Gòn, lập nghiệp ở khu Bàn Cờ ngày nay, mà thuở xưa nhà cửa vẫn còn thưa thớt lắm. 

Tìm kế mưu sinh, cuối cùng ông quyết định mở quán cà phê trong căn nhà lợp lá, với cái tên nghe… ngồ ngộ là "Cà phê Cheo Leo". Tìm đến những tiệm nước khi ấy do người Hoa làm chủ để lân la, học hỏi cách pha cà phê sao cho hấp dẫn, dần dà, ông Vĩnh Ngô cũng nắm được bí quyết của nghề. 

Tiếng tăm của cà phê vợt Cheo Leo vang xa theo thời gian. Thời điểm cuối những năm 1960, đầu những năm 1970 là lúc cực thịnh của quán.

Khi ông Vĩnh Ngô qua đời, những người con gái của ông, nhờ sớm tiếp xúc với nghề, nên tiếp tục duy trì được hoạt động của Cheo Leo đến ngày hôm nay.

Cô Ba cùng người em gái và người cháu trai hiện là nhân lực chính ở quán.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách Tây đến Cheo Leo giảm hẳn so với trước, nhưng khung cảnh của quán không vì thế mà thưa vắng.

Tiếng nói cười râm ran trong không gian quán nhỏ. Làm nền là tiếng nhạc phát ra từ chiếc đầu máy và những thùng loa cũ. Bolero Sài Gòn. Trịnh ca. Cả giai điệu Âu-Mỹ. Còn chúng tôi, mỗi lần đến Cheo Leo, tình cờ nghe Ngọc Lan nỉ non hát Trả lại anh, lòng lại thấy xuyến xao…

Lò than, siêu đất, vợt vải cùng bí quyết canh lửa truyền nghề 

Ngồi tại chiếc đi-văng dài như vị trí chúng tôi đây vốn gần khu vực pha chế, nên rất dễ "nghe" được mùi khói bếp nhè nhẹ lan ra ấm cả không gian, có chút hơi nồng nhưng không quá khó chịu.

Ấy là lò than của Cheo Leo đang đỏ lửa. Mấy chục năm rồi, quán cà phê vợt này vẫn giữ nguyên lối pha cà phê vợt truyền đời như vậy. Cà phê xay mịn cho vào chiếc vợt vải, đổ nước sôi vào hãm trong những siêu đất kiểu dùng để sắc thuốc bắc. 

Đến Cheo Leo, tìm hương vị cà phê vợt hơn 80 năm giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 4.

Cái bếp lò tại Cheo Leo ngày nay chính do ông Vĩnh Ngô khi xưa tự tay xây lấy, nay cô Ba vẫn còn sử dụng tốt. Ảnh: Nguyên Thịnh

Cái bếp lò tại Cheo Leo ngày nay chính do ông Vĩnh Ngô khi xưa tự tay xây lấy, nay cô Ba vẫn còn sử dụng tốt. Cũng nhờ bếp lò ấy mà chủ quán canh được lửa - yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng cà phê pha ra. 

Lửa để "kho" cà phê không được lớn quá, vì cà phê sẽ bị khét, cho vị chua, màu thì quện đen, không được màu cánh gián đẹp mắt. Lửa mà yếu, cà phê không có mùi thơm hấp dẫn. Nhất định phải dùng lửa than, không thể dùng lửa gas.

Nước sôi pha cà phê cũng phải nấu kỹ, để nước "nóng già", pha mới chuẩn. 

Vì sao phải là cà phê (pha) vợt mà không phải pha máy hay pha phin? Việc pha vợt giúp cùng lúc có được lượng cà phê nhiều, đồng thời bả cà phê được "ninh" chậm sẽ ra hết hương vị, đảm bảo thơm ngon. 

Đến Cheo Leo, tìm hương vị cà phê vợt hơn 80 năm giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 5.

Cà phê sau khi được "kho", sẽ rót trực tiếp ra cho khách, nóng hổi, nghi ngút khói. Ảnh: Nguyên Thịnh

Ở Cheo Leo, nhiều khách "ghiền" ly cà phê sữa nóng thêm chút bơ Bretel thơm lừng. Thứ 7, chủ nhật cuối tuần, quán còn có thêm nước cốt dừa vào cà phê, giúp thức uống tăng thêm vị béo ngậy.

Cà phê đen, cà phê sữa hay bạc xỉu chắc chắn là những món khách phải thử qua. Nhưng ca cao Hershey hay chanh tươi pha cà phê ở quán cũng độc đáo, hấp dẫn không kém, khách có thể linh hoạt mà chọn đổi vị.

Các loại thức uống ở Cheo Leo chỉ trong khoảng 17.000-29.000 đồng, có ghi cụ thể trong menu, khách cứ tự nhiên tham khảo rồi gọi.

À, Cheo Leo đóng cửa vào ngày 1 và 15 hàng tháng. Chủ quán nói nghỉ như thế, là để phục hồi sức khỏe mà phục vụ khách tốt hơn. Một tính cách Sài Gòn dễ thương. Nếu lỡ đến đây đúng những ngày nghỉ, khách buồn… một chút thôi, và thông cảm cho quán, héng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem