Điều gì khiến người trẻ "gặt lúa non" muốn rút BHXH một lần?

Tuấn Kiệt (ghi) Chủ nhật, ngày 10/04/2022 06:10 AM (GMT+7)
Giai đoạn gần đây, số người lấy BHXH một lần gia tăng. Các chuyên gia cho biết, người lấy BHXH một lần đa số là người trẻ, có số năm đóng BHXH ít.
Bình luận 0

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) đã có phân tích về tình trạng gia tăng người lấy BHXH một lần trong thời gian qua. 

Ông Nam dẫn chứng, theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2014- 2020, cơ quan BHXH đã giải quyết chi trả cho gần 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần (bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người hưởng BHXH một lần, tương đương với số người tham gia tăng thêm mới hằng năm). Riêng năm 2021, theo thống kê đã có hơn 800.000 người hưởng BHXH một lần. 

So sánh với số người tham gia BHXH trong thời gian qua thì cứ 2 người mới tham gia BHXH lại có 1 người cũ ra khỏi hệ thống. Điều này rất đáng tiếc cho quyền lợi của người tham gia BHXH cũng như nỗ lực của cả hệ thống khi mất nhiều công vận động, đấu tranh để người lao động được hưởng quyền lợi lâu dài khi tham gia BHXH. 

Điều gì khiến người trẻ "gặt lúa non" muốn rút BHXH một lần? - Ảnh 1.

Giải quyết chế độ cho người lao động tại BHXH huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh BHXH Hà Nội

Đa số người trẻ lấy BHXH một lần 

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39 chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014-2018. 

Trong đó, tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi (chiếm 27,6%); nhóm tuổi từ 30 đến 34 tuổi đứng thứ hai chiếm 25,3%; tiếp theo là nhóm tuổi từ 35 đến 39 tuổi và nhóm tuổi từ 20 đến 24 tuổi lần lượt là 15,5% và 10,6%. 

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, người hưởng BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước, với 615.612 người trong tổng số trên 666.000 người đã hưởng BHXH một lần của năm 2018, chiếm 92,31%.

Xét từ khía cạnh giới, các nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi và từ 30 đến 34 tuổi là 2 nhóm tuổi có số người hưởng BHXH một lần cao nhất đối với cả nam giới và nữ giới tương ứng là 50,5% và 54,9%. 

Tuy nhiên, nếu như ở nam giới nhóm tuổi từ 30 đến 34 tuổi có số người hưởng BHXH một lần cao nhất với 25,9%; thì ở nữ giới nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi lại là nhóm có số người hưởng BHXH một lần cao nhất với 30%. 

Xu hướng này ở phụ nữ có thể được giải thích là do phụ nữ ở các nhóm tuổi này đang trong độ tuổi sinh đẻ phải nghỉ việc sinh con. Còn đối với nam giới, lý do được đưa ra là họ ở độ tuổi cần chu cấp cho gia đình nên khi mất việc thường nghĩ ngay đến đến nguồn tài chính từ chế độ BHXH một lần.

Người hưởng BHXH một lần thường có số năm đóng BHXH thấp

Trong giai đoạn 2014- 2018, có gần 50% số người đã hưởng BHXH một lần chỉ có dưới 3 năm đóng BHXH. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp do số người hưởng BHXH một lần tập trung chủ yếu ở nhóm người trẻ, thời gian làm việc ngắn.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số người có trên 10 năm đóng BHXH có xu hướng hưởng BHXH một lần ngày càng gia tăng đối với cả nam và nữ, và nam giới lại hưởng BHXH một lần nhiều hơn phụ nữ ở nhóm này.

Trong các năm 2014 và năm 2015, số người có trên 10 năm đóng BHXH chỉ chiếm 6% trong tổng số người hưởng BHXH một lần. Đến năm 2018, con số này đã là 9%. Trong năm 2014, nam giới có trên 10 năm đóng BHXH chỉ chiếm 6% trong tổng số người hưởng BHXH một lần là 7%, đến năm 2018 đã tăng lên 10%. 

Điều gì khiến người trẻ "gặt lúa non" muốn rút BHXH một lần? - Ảnh 3.

BHXH huyện và Bưu điện huyện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng. Ảnh BHXH Hà Nội

Còn đối với phụ nữ, số người có trên 10 năm đóng BHXH hưởng chế độ BHXH một lần chỉ là 5% đến 6% từ năm 2014 đến 2017, nhưng đến năm 2018 tăng lên 8%.

Nguyên nhân người lao động lấy BHXH một lần

Theo ông Nam chỉ rõ các nguyên nhân khiến người lao động (NLĐ) phải "gặt lúa non". 

Thứ nhất, nhu cầu tài chính ngắn hạn của NLĐ sau khi nghỉ việc. Hầu hết mọi người lấy BHXH một lần để chi trả nợ nần, chi tiêu sinh hoạt, cho con ăn học... Ngoài ra, do mất việc nên họ cũng khó khăn nên không có tiền để tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện nên đành nhận 1 lần. 

Thứ hai, khả năng tiếp cận thông tin chính thống còn hạn chế, các nguồn tin thất thiệt trên mạng xã hội nên không ít người lo lắng sẽ mất tiền khi tham gia BHXH, so sánh với việc gửi tiết kiệm... nên đã lấy BHXH một lần. 

Thứ ba, chính sách BHXH còn rào cản, chưa thu hút sự tham gia của NLĐ. Cụ thể quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu quá dài đến 20 năm đóng; Chênh lệch về tiền lương hưu với tiền lương khi còn làm việc quá lớn, chưa khuyến khích người có mức lương thấp tham gia BHXH...

Thứ tư, thiếu tính tương hỗ từ chính sách BH thất nghiệp. Người lao động mất việc khó tìm được việc làm ngay nên tài chính khó khăn, phải rút BHXH một lần để chi tiêu... 

3 giải pháp để giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần

- Thứ nhất, nhà nước cần thực hiện những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của NLĐ.

Chỉ khi NLĐ có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích lũy thì khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già.

- Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước và BHXH Việt Nam cần có chiến lược truyền thông tổng thể để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp NLĐ có được nhận thức một cách đầy đủ về chính sách...

- Thứ ba, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH. Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm;

Quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy định về tiền lương đóng để đảm bảo tiền lương đóng phải tiệm cận dần với mức tiền lương và thu nhập thực tế của NLĐ...

Hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ NSNN và huy động các nguồn lực xã hội khác,…). Qua đó góp phần tăng thêm cơ hội cho những NLĐ sau khi bị mất việc làm, không có cơ hội để trở lại với khu vực lao động chính thức, vẫn có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu.

Hoàn thiện chính sách BH nghiệp theo hướng phát huy chức năng, vai trò của một công cụ quản trị thị trường lao động trong việc tạo việc làm, phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng sa thải lao động, mất việc làm ở NLĐ; hỗ trợ NLĐ mất việc sớm tìm kiếm được việc làm mới...

Ông Trần Hải Nam

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem