Giáo viên đang phải gồng sức để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 17/03/2023 07:41 AM (GMT+7)
Khảo sát tại một số cơ sở giáo dục ở quận 12 (TP.HCM), bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định, giáo viên đang phải gồng 200% sức lực để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bình luận 0

Chiều 16/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa và ông Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND quận 12 về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cần chính sách cho giáo viên dạy chương trình GDPT 2018

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GDĐT quận 12, TP.HCM, cho biết quận có tổng 28.183 trẻ mầm non, 48.565 học sinh tiểu học và 30.326 học sinh THCS.

Đoàn giám sát Quốc hội: Giáo viên đang phải gồng 200% để thực hiện chương trình GDPT 2018 - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại quận 12, TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dù chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) ở các cấp học được thiết kế dành cho 2 buổi/ngày, nhưng quận 12 có sự gia tăng dân số cơ học hàng năm tăng cao, chỉ có thể đảm bảo đủ chỗ học, không đảm bảo tổ chức dạy học 2 buổi/ngày như yêu cầu. 

Hiện tỷ lệ học sinh học tiểu học được học 2 buổi/ngày là 28,3%, tỷ lệ học sinh THCS được học 2 buổi/ngày là 28,7%.

Bên cạnh đó, nhiều trường trên địa bàn quận hiện thiếu giáo viên các môn chuyên như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Công nghệ, và hầu như không tuyển dụng được, do không có giáo viên đăng ký tuyển dụng những vị trí trên.

Ông Hùng cho biết, hầu hết các giáo viên nhiều môn (cấp tiểu học) phải dạy các tiết kiêm nhiệm. Đặc biệt, giáo viên dạy 2 buổi/ngày để thực hiện Chương trình GDPT 2018 không nhận được khoản hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày so với các khối lớp khác, cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý, đời sống của giáo viên.

Lãnh đạo Phòng GDĐT quận 12 đề xuất thành phố sớm phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xây dựng mới trường học trên địa bàn quận; ưu tiên ghi vốn các công trình giáo dục, để đáp ứng nhu cầu của học sinh, giảm sĩ số trên lớp và tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày của quận, bởi nhu cầu xây dựng trường lớp của quận 12 là rất lớn.

Bên cạnh đó, thành phố có thêm nhiều chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thủ tục hành chính để huy động thêm nguồi lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Có như vậy mới phát triển mạng lưới trường học theo các phương thức hợp tác công – tư, kích cầu, xã hội hoá.

Đoàn giám sát Quốc hội: Giáo viên đang phải gồng 200% để thực hiện chương trình GDPT 2018 - Ảnh 3.

Quận 12 đề xuất chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy học 2 buổi/ngày thực hiện Chương trình GDPT 2018 nhất là bậc tiểu học. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đặc biệt, ông Hùng đề xuất cần có thêm các chính sách đối với giáo viên dạy học 2 buổi/ngày thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là giáo viên tiểu học, nhằm khắc phụ tình trạng thiết giáo viên hiện nay. Ngành giáo dục quận này cũng kiến nghị các trường sư phạm nâng chỉ tiêu đào tạo giáo viên dạy các môn học đang bị thiếu cục bộ, như Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Tiếng Anh (tiểu học),… để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Gồng 200% sức lực để thực hiện chương trình GDPT 2018

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhìn nhận, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT 2018. Đội ngũ giáo viên đang phải "vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm"; gồng 200% thời gian, công sức để thực hiện chương trình GDPT 2018. 

Đoàn giám sát Quốc hội: Giáo viên đang phải gồng 200% để thực hiện chương trình GDPT 2018 - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại buổi làm việc. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Trong 16 năm làm giáo viên của mình, bà Hoa đã 2 lần chứng kiến việc cải cách giáo dục (năm 1982 và 2000). Tuy nhiên, chương trình GDPT 2018  hoàn toàn khác biệt, không đơn thuần là thay sách, mà  còn  là một cuộc đại cách mạng về thay đổi cách tiếp cận, cũng như mục tiêu chương trình.

"Lần đầu tiên chương trình được xây dựng theo hướng xây dựng chương trình tổng thể trước, sau đó mới xây dựng chương trình bộ môn và sách giáo khoa. Lần đầu tiên thay đổi cách tiếp cận từ truyền thụ kiến thức sang tiếp cận năng lực học sinh, thay đổi lớn trong phương thức, mục tiêu giáo dục, làm thay đổi phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá'', bà Hoa nói.

Cũng theo bà Hoa, vì là "cuộc đại cách mạng" nên chắc chắn có nhiều thách thức. Tuy nhiên, sau khi khảo sát trực tiếp tại vài cơ sở giáo dục ở quận 12, bà Hoa nhận định công tác triển khai chương trình GDPT 2018 rất bài bản từ chỉ đạo cho đến thực hiện. Qua đó đã có tác động mạnh mẽ đến các cơ sở giáo dục. Dù áp lực lớn, khối lượng công việc cao... nhưng đội ngũ giáo viên vẫn rất tâm huyết, có tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo...

"Lần giám sát các địa phương này sẽ giúp Quốc hội có cái nhìn tổng thể để rút kinh nghiệm, sửa đổi những vấn đề cần thiết", bà Hoa cho biết.

Phó chủ tịch UBND quận 12 Vũ Thị Chính kỳ vọng đoàn giám sát sẽ góp tiếng nói để có thêm chính sách dành cho giáo viên khi dạy chương trình mới; kiến nghị các trường sư phạm tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên; thành phố sớm phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xây dựng mới trường học trên địa bàn quận… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem