Doanh nghiệp ngành giống cây trồng kiến nghị "nới" quy định khảo nghiệm, công nhận giống mới, giống chỉnh sửa gen

Trần Hòe Thứ bảy, ngày 23/03/2024 12:31 PM (GMT+7)
Tại hội thảo “Giống cây trồng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam”, các đại biểu, chuyên gia khẳng định quy định pháp luật về lĩnh vực giống cây trồng còn bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành.
Bình luận 0

Khâu yếu nhất của Việt Nam đối với ngành hàng hạt giống là giống rau, hoa

Ngày 23/3, tại TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) phối hợp với Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) tổ chức hội thảo "Giống cây trồng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam".

Theo số liệu tại hội nghị, hiện VSTA có 150 hội viên, bao gồm các công ty cây trồng, trung tâm giống cây trồng, doanh nghiệp FDI, các viện nghiên cứu và các cá nhân, nhà khoa học. Các thành viên VSTA hàng năm sản xuất, nhập khẩu khoảng 500.0000-550.000 tấn hạt giống lúa; 20-22.000 tấn hạt giống ngô; vài trăm ngàn tấn giống khoai tây; trăm ngàn tấn giống rau, củ các loại; hàng triệu cây giống cây công nghiệp, cây lâm nghiệp và cây ăn quả.

Doanh nghiệp ngành giống cây trồng kiến nghị "nới" quy định khảo nghiệm, công nhận giống mới, giống chỉnh sửa gen- Ảnh 1.

Đại diện Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) phát biểu khai mạc hội thảo "Giống cây trồng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam". Ảnh: Trần Hòe.

Việc sản xuất, nhập khẩu giống cây trồng của các thành viên CSTA đã đảm bảo tốt nhu cầu của thị trường trong nước. Nhờ đó, trong các năm qua không có tình trạng thiếu giống, sốt giống, nhất là với cây trồng chính; giá giống cây nông nghiệp chính như lúa, ngô khá ổn định, biến động không nhiều.

Tính đến năm 2021, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng- Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã nhận 2015 đơn đăn ký bảo hộ giống cây trồng, nông lâm nghiệp và dược liệu; đã cấp 920 bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Các thành viên của VSTA đã mua, chuyển nhượng bản quyền 47 giống cây trồng các loại. Số giống được các thành viên VSTA bảo hộ bản quyền là 87 giống, chủ yếu là lúa, ngô, ngô nếp, ngô đường.

Tại hội thảo, đại diện VSTA đã chỉ ra những những hạn chế và thách thức trong lĩnh vực giống cây trồng ở nước ta. Đó là: Hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu. Khâu yếu nhất của Việt Nam đối với ngành hàng hạt giống là giống rau, hoa. Các chương trình, đề tài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa hài hòa, hợp lý; một số cây trồng có mức đầu tư cho nghiên cứu thấp.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về lĩnh vực giống cây trồng còn bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành. Các kết quả nghiên cứu về giống rau, hoa còn ít, và nhất là công nghệ sản xuất hạt giống ưu thế lai với việc tạo ra các dòng thuần bố, mẹ và kỹ thuật sản xuất còn yếu kém lợi thế cạnh tranh thấp.

Đang có sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng giống trong thời gian qua mặc dù đã được Bộ NNPTNT chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu...

Trình bày tham luận về thực trạng công tác giống cây trồng ở nước ta, ông Nguyễn Thanh Minh (Trung tâm hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng (VSC), thuộc VSTA cũng đã chỉ rõ những bất cập trong công tác này.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Thanh Minh đề nghị, trong tương lai, khi luật mới được sửa đổi, nên bỏ danh mục cây trồng chính, bỏ việc công nhận cho lưu hành và tự công bố lưu hành. Nhà nước chỉ thực hiện bảo hộ giống cây trồng, việc lưu hành giống do tác giả tự đưa ra sản xuất và chịu trách nhiệm với xã hội. 

Tác giả sẽ tự quyết định việc đưa giống sản xuất ở vùng nào vì trước khi giới thiệu giống cho sản xuất họ đã phải làm các thí nghiệm khảo nghiệm – trình diễn. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng giống trên thị trường theo các thông tin trên bao bì nhãn mác mà doanh nghiệp công bố và có hình thức phạt nghiêm khắc để hạn chế các vi phạm.

Doanh nghiệp ngành giống cây trồng kiến nghị "nới" quy định khảo nghiệm, công nhận giống mới, giống chỉnh sửa gen- Ảnh 2.

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo "Giống cây trồng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam". Ảnh: Trần Hòe.

Về công tác khảo nghiệm giống cây trồng, đây là loại hình dịch vụ nên cần để tác giả tự quyết định lựa chọn ký kết với cơ quan khảo nghiệm hoặc tự làm, tự chịu trách nhiệm với sản xuất. Nhà nước nên đầu tư một hệ thống khảo nghiệm tập trung cho cơ quan khảo kiểm nghiệm quốc gia hướng tới nhiệm vụ chính là làm khảo nghiệm các giống có tranh chấp, khiếu kiện, mang tính chất như trọng tài để quyết định giúp cơ quan thực thi pháp luật khi có kiện cáo… Việc cấp quyết định lưu hành cho giống cây trồng theo vùng cần được xem xét, về lâu dài nên bỏ quy định này.

"Hiên nay Luật Trồng trọt có quy định: "Giống cây trồng khảo nghiệm ở vùng nào thì được cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng ở vùng đó", song khi vận dụng cần phải có sự tham gia của tác giả mới có thể áp dụng. Không nên vì quy định này mà yêu cầu khảo nghiệm với số điểm tràn lan gây tốn kém, làm giá thành giống cao. Vùng ở đây có thể hiểu "miền Bắc" và "miền Nam".

Tiêu chuẩn khảo nghiệm cần phải xem xét cách sử dụng tiêu chuẩn khảo nghiệm cho phù hợp và có sự tham gia của tác giả, chẳng hạn có thể có phần để tác giả gửi số liệu. Cơ quan nhà nước chỉ quản lý những điểm khảo nghiệm của trung tâm khảo nghiệm. Có như vậy mới giảm được chi phí khảo nghiệm và góp phần giảm chi phí để giá giống phù hợp với người sản xuất", ông Nguyễn Thanh Minh kiến nghị.

Cần xây dựng khung pháp lý về cây trồng chỉnh sửa gen để áp dụng cho sản xuất

Đối với giống cây trồng công nghệ sinh học, ông Nguyễn Thanh Minh cho rằng, nước ta đã cho phép áp dụng cây trồng chuyển gen đối với một số loài từ nhiều năm trước và thực tế đã có nhiều giống chuyển gen được công nhận. Vì vậy cần hoàn thiện văn bản pháp lý cũng như kỹ thuật để tạo điều kiện công nhận các giống thuộc đối tượng này cho sản xuất.

Doanh nghiệp ngành giống cây trồng kiến nghị "nới" quy định khảo nghiệm, công nhận giống mới, giống chỉnh sửa gen- Ảnh 3.

Đông đảo các đại biểu, chuyên gia dự hội thảo "Giống cây trồng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam". Ảnh: Trần Hòe.

Về cây trồng chỉnh sửa gen, đề nghị Bộ NNPTNT xây dựng khung pháp lý về cây trồng chỉnh sửa gen để có điều kiện áp dụng cho sản xuất. Hiện nay trên thế giới nhiều nước đã áp dụng và coi cây trồng chỉnh sửa gen như cây thông thường, như một số nước và khu vực Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Singappore, Thái Lan...

Tại hội thảo, TS.Đặng Ngọc Chi- Chủ tịch Tổ công tác Công nghệ sinh học, Giống cây trồng CropLife Việt Nam Biotech đã trình bày tham luận về xu hướng và bước tiến pháp lý trên toàn cầu đối với cây trồng chỉnh sửa gen.

Theo TS.Đặng Ngọc Chi, chỉnh sửa gen là công cụ quan trọng và là một bước tiến trong chọn tạo giống cây trồng. Chỉnh sửa gen cho phép đưa vào cây trồng những biến đổi di truyền một cách có định hướng nhất; phát triển các giống cây trồng mới một cách có hiệu quả và chính xác hơn. Cây trồng biến đổi gen giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe và hỗ trợ thúc đẩy bảo tồn môi trường bền vững.

Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines là quốc gia đầu tiên đưa ra quy định về chỉnh sửa gen và đã phê duyệt cho 1 sản phẩm chỉnh sửa gen. Singapore đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc quản lý sản phẩm có nguồn gốc từ chỉnh sửa gen. Thái Lan đã thông qua chủ trương cho việc quản lý chỉnh sửa gen vào tháng 1/2024.

Doanh nghiệp ngành giống cây trồng kiến nghị "nới" quy định khảo nghiệm, công nhận giống mới, giống chỉnh sửa gen- Ảnh 4.

Các gian hàng trưng bày của doanh nghiệp tại hội thảo "Giống cây trồng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam". Ảnh: Trần Hòe.

Từ đó, TS.Đặng Ngọc Chi đề nghị thúc đẩy quy định pháp lý khoa học và kịp thời để đảm bảo hiệu quả tiềm năng của cây trồng chỉnh sửa gen ở Việt Nam. 

"Khoa học cây trồng ngày càng phát triển nhanh chóng nhằm hỗ trợ nông dân ứng phó với những thách thức trên toàn cầu, ứng dụng chỉnh sửa gen trên cây trồng được xem là một trong những công nghệ phát triển nổi bật hiện nay. Chính sách pháp lý và những quy định quản lý đối với những công nghệ cây trồng mới này cần được xây dựng kịp thời, khoa học để giúp tận dụng tối đa tiềm năng lợi ích mà những công nghệ này mang lại, đồng thời giúp những ứng dụng trong thực tế có thể được triển khai hiệu quả và hợp lý.

Những quy định đối với cây trồng chỉnh sửa gen cần có tính định hướng và đủ mở để đảm bảo việc ứng dụng hiệu quả trong tương lai, cần xem xét và so sánh với toàn bộ các khả năng mà biến đổi di truyền có thể có trong tự nhiên hay thông qua lai tạo truyền thống...", TS.Đặng Ngọc Chi cho hay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem