Nâng chất hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - bài cuối: Đổi mới hoạt động giám sát

Bạch Dương Thứ năm, ngày 27/04/2023 16:00 PM (GMT+7)
Việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó có việc nâng cao vai trò của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH trong hoạt động giám sát là một trong những nội dung quan trọng góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Bình luận 0
Nâng chất hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (Bài cuối): Đổi mới hoạt động giám sát là trọng tâm - Ảnh 1.

Một buổi giám sát của đoàn ĐBQH TP.HCM tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: B.D

Chủ tịch UBND TP yêu cầu giám sát chính mình

Tại các hội nghị tổng kết, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi luôn yêu cầu các ĐBQH cần làm đúng vai, chịu trách nhiệm trước Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt cần phải giám sát, góp phần giải quyết dứt điểm các vấn đề kéo dài. Ông Phan Văn Mãi đặt ra vấn đề này bởi ông là Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, đồng thời cũng là người đứng đầu chính quyền thành phố.

Theo ông Phan Văn Mãi, hoạt động giám sát nhằm tìm ra và chỉ rõ những thiếu sót, hạn chế của các đơn vị, trong đó có UBND TP. Ông Mãi cho biết, có thể các đại biểu Quốc hội "ngại" vì ở đây là giám sát Chủ tịch UBND TP.HCM nhưng ông khẳng định "cần phải làm đúng vai".

"Có thể các đại biểu ngại vì giám sát tôi. Nhưng ở đây, chúng ta không ngại mà cần làm đúng vai. Đại biểu Quốc hội cần làm việc có trách nhiệm trước hiến pháp, pháp luật", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết, việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó có việc nâng cao vai trò của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH trong hoạt động giám sát là một trong những nội dung quan trọng góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa.

Bà Tuyết cho biết, Đoàn ĐBQH TP.HCM luôn xác định công tác giám sát là một trong những nội dung rất quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Từ thực tiễn sinh động của thành phố, qua hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội được cử tri quan tâm, Đoàn ĐBQH thành phố không chỉ đề xuất những chủ trương, giải pháp với Quốc hội cho những vấn đề chung mà còn góp phần cùng với chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện điều hành, quản lý và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố đã được Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan quan tâm giải quyết, được UBND TP nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý để ban hành các chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót và khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm pháp luật được thi hành hiệu lực, hiệu quả trong đời sống.

Làm gì để nâng cao vai trò ĐBQH trong hoạt động giám sát?

Mặc dù đã làm được nhiều việc nhưng theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP, vẫn còn rất nhiều hạn chế và tồn tại trong hoạt động giám sát như các cuộc giám sát thường tổ chức theo đoàn, ít đại biểu thực hiện chương trình giám sát riêng theo quy định của Luật hoạt động giám sát; việc đôn đốc và theo dõi kết quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát mới chỉ dừng ở việc theo dõi và phản ánh tình hình chung, chưa thực hiện thường xuyên việc xem xét tiến trình giải quyết các ngành chức năng sau giám sát…

Trước thực tế đó, theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, để góp phần tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò của ĐBQH và Đoàn ĐBQH trong hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tập trung cho công tác bồi dưỡng, tập huấn cho ĐBQH ngay từ đầu nhiệm kỳ về quy trình giám sát, cách thức tổ chức giám sát, cách lựa chọn vấn đề giám sát…

Nâng chất hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (Bài cuối): Đổi mới hoạt động giám sát là trọng tâm - Ảnh 3.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết trong một buổi giám sát. Ảnh: T.T

Cần tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương, đẩy mạnh các hình thức giám sát trực tiếp tại cơ sở; nâng cao chất lượng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đặc biệt là việc chất vấn giữa hai kỳ họp. Đây là yêu cầu bức thiết nhằm tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội, ĐBQH; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước…

Ngoài ra, việc trả lời các kiến nghị, khiếu nại của cử tri cần phải được đảm bảo về thời gian theo luật định, tránh trả lời chung chung, không giải quyết đúng yêu cầu của cử tri gây khiếu nại, kiến nghị nhiều lần, nhiều cơ quan và kéo dài; kiến nghị có quy định cụ thể về chế tài xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo được ĐBQH, Đoàn ĐBQH TP chuyển nhưng quá thời hạn quy định của pháp luật mà các cơ quan có thẩm quyền giải quyết không trả lời, không xem xét, giải quyết.

Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị giữa các cơ quan dân cử, chính quyền, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, đảm bảo việc giải quyết không chồng chéo, trùng lắp nhưng vẫn triệt để …

Để phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, cần tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Đoàn ĐBQH với Ủy ban kiểm tra, cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra tham gia cuộc giám sát do Đoàn ĐBQH tổ chức....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem