Dự thảo Luật Nhà giáo nhắc lại “lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất”, nhà giáo sẽ được gì?

Anh Tuấn Thứ ba, ngày 14/05/2024 13:30 PM (GMT+7)
Bộ GDĐT vừa công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân. Dự thảo đã nhắc lại “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Bình luận 0

Dự thảo Luật Nhà giáo: Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất

Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GDĐT công bố trên trang web của Bộ, bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 13/5. Thời gian góp ý là 2 tháng (tính đến 13/7).

Chính sách tiền lương giáo viên đã được đề cập trong nhiều văn bản, nghị quyết. Cụ thể, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng có nêu, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Tuy nhiên, trong Báo cáo đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT cho biết, sau hơn 10 năm "lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất" vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn.

Dự thảo Luật Nhà giáo nhắc lại “lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất”, nhà giáo sẽ được gì?- Ảnh 1.

Giáo viên dự thi giảng dạy môn Giáo dục công dân tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS, năm học 2023-2024 quận Hà Đông. Ảnh minh họa: NT

Trong Dự thảo Luật Nhà giáo trình Chính phủ, Bộ GDĐT lần nữa nhắc lại về chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, đặc biệt là tiền lương giáo viên.

Theo Dự thảo, các chính sách về tiền lương, chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo được quy định tại dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ".

Đồng thời, giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn... Cụ thể, về chính sách tiền lương đối với nhà giáo, Dự thảo Luật Nhà giáo quy định:

Chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có).

Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách.

Nhà giáo công tác ở ngành lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng 1 chính sách có mức cao nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Giáo viên sẽ được gì?

Cũng tại buổi thảo luận các nội dung liên quan trong dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu bày tỏ sự thống nhất về sự cần thiết, cấp bách của việc ban hành luật. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về nguyên tắc, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo; đề nghị làm rõ vấn đề tôn vinh, đãi ngộ, chính sách tiền lương, chế độ làm việc, vấn đề bảo vệ nhà giáo. Các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến đối với các quy định liên quan đến việc tuyển dụng, quản lý nhà nước đối với nhà giáo; chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; kế hoạch, lộ trình, công tác truyền thông chính sách liên quan đến việc xây dựng luật…

Tại cuộc họp của Ban soạn thảo, Tổ biên soạn dự án Luật Nhà giáo mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo cần thể hiện rõ nét hơn nữa quan điểm phát triển, tôn vinh, bảo vệ nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, quá trình xây dựng dự án Luật Nhà giáo phải trả lời được câu hỏi "Nhà giáo sẽ được gì khi có luật này?", "Xây dựng Luật Nhà giáo phải để phát triển lực lượng nhà giáo", Bộ trưởng nói.

Đối với vấn đề đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc của nhà giáo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần thể chế hóa chủ trương "lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp" một cách bền vững.

"Mừng là, trong đề xuất cải cách tiền lương, lĩnh vực giáo dục và y tế được xếp ở mức phụ cấp nghề cao nhất - 30%. Tổng quỹ lương cơ bản của ngành cũng đang ở nhóm cao nhất.

Tuy nhiên, chúng ta cần thể chế hóa để bảo đảm sự bền vững, luật hóa chủ trương tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem