Được trao "cần câu", nông dân nuôi cá cảnh ở TP.HCM thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Quang Sung Thứ hai, ngày 07/08/2023 14:14 PM (GMT+7)
Nhiều hộ nuôi cá cảnh ở TP.HCM, nhờ được chính quyền đào tạo nghề đã có cơ hội vươn lên làm giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

 TP.HCM hiện nay có khoảng 300 hộ làm nghề nuôi, sản xuất cá cảnh. Các hộ nuôi cá cảnh này tập trung nhiều ở các quận 8, 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và rải rác ở TP.Thủ Đức.

Ông Nguyễn Tấn Phong (ngụ ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh), cho biết gia đình ông trước đây chỉ chuyên sản xuất cá thịt như cá tra, trê, lóc, điêu hồng… nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Được trao "cần câu", nông dân nuôi cá cảnh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Nuôi cá koi đem lại giá trị kinh tế cao vượt trội. Ảnh: M.H

"Năm 2003, nhận thấy phong trào nuôi cá kiểng ở quận 8 đang "ăn nên làm ra", nên mấy anh em ở địa phương rủ nhau đi tham quan, học tập. Chúng tôi đến nhà chú Mười (quận 8) chuyên gia sản xuất cá chép Nhật để học hỏi kinh nghiệm và mua giống về nhà nuôi thử 2.000m2", ông Phong chia sẻ.

Đến năm 2012, được Trạm Khuyến nông Bình Chánh hỗ trợ cho đi tập huấn, tham quan về mô hình nuôi cá Koi, ông Phong bắt đầu tìm hiểu và nuôi thêm loại cá này.

"Đây là con cá được đánh giá là có giá trị kinh tế rất cao. Đến nay, gia đình tôi đã mở rộng được 2ha, các anh em trong gia đình thêm 3ha nữa, tổng cộng 5ha. Hiện nay, gia đình chúng tôi nuôi 4 loại cá, như cá Koi, chép Nhật, Nam Dương và Ông Tiên", ông Phong cho biết.

Theo ông Phong, nuôi cá kiểng có kinh tế hay không, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Với 2ha, trung bình mỗi tháng ông Phong thu lời được khoảng 30 - 40 triệu đồng.

Vào thời điểm Tết (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau), ông Phong thu hơn 100 triệu đồng/tháng. Tính trung bình mỗi năm thu được 700 – 800 triệu đồng. 

Ngoài ra, ông Phong còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 nhân công, với tiền công là 200.000 đồng/ngày.

Được trao "cần câu", nông dân nuôi cá cảnh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

 TP.HCM có nhiều nông dân nuôi cá cảnh đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hồng Phúc

Mô hình của ông Phong là một trong nhiều mô hình thành công nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền. Trong đó, quan trọng nhất là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn năm 2023. Kế hoạch đặt ra mục tiêu đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 4.100 lao động nông thôn. Trong đó, gồm 1.800 người học nghề nông nghiệp và 2.300 người học nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 85% trở lên.

Kế hoạch ưu tiên tổ chức đào tạo nghề  với lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, như người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc diện hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ cận nghèo, lao động nữ.

Cùng với đó, kế hoạch này cũng yêu cầu rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đảm bảo đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, người học có việc làm và thu nhập ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem