Đường vành đai nghìn tỷ ở Cần Thơ "vướng đủ thứ" sau hơn 17 tháng khởi công

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 29/04/2024 10:16 AM (GMT+7)
Sau hơn 17 tháng khởi công, dự án đường vành đai phía Tây TP.Cần Thơ gặp phải một số khó khăn. Có 3 gói thầu xây lắp chưa được triển khai, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, thiếu cát đắp nền, nền tái định cư cho các hộ dân chưa đủ điều kiện để bàn giao,...
Bình luận 0

Dự án đường vành đai phía Tây TP.Cần Thơ có điểm đầu nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, đi qua các quận, huyện Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng rồi nối vào Quốc lộ 61C. Dự án có chiều dài hơn 19km, với tổng vốn đầu tư gần 3.840 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.838 tỷ đồng).

Đường vành đai nghìn tỷ ở Cần Thơ "vướng đủ thứ" sau hơn 17 tháng khởi công- Ảnh 1.

Bản đồ dự án đường vành đai phía Tây TP.Cần Thơ. Ảnh: Sở GTVT TP.Cần Thơ

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, dự án được khởi công ngày 17/11/2022, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Đến nay, tức sau hơn 17 tháng thi công, dự án gặp phải một số khó khăn.

Cụ thể, có 3/7 gói thầu xây lắp chưa thực hiện được, do phải chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. 4 gói thầu còn lại đang được triển khai.

Hiện chỉ hơn 50% tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và đã bàn giao mặt bằng. Cũng do phải chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nên những hộ dân còn lại chưa được phê duyệt.

Một số khu tái định cư của các quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và một số khu tái định cư chưa có giá nền tái định cư nên chưa đủ điều kiện để bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Cũng như các dự án khác, hiện nay, công tác đắp nền đường bị chậm tiến độ do nguồn cát đắp nền đang khan hiếm.

Ngoài ra, tiến độ dự án đường vành đai phía Tây TP.Cần Thơ còn bị ảnh hưởng bởi một số nơi chưa di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (đường dây điện trung, hạ thế; hệ thống cấp thoát nước).

Đường vành đai nghìn tỷ ở Cần Thơ "vướng đủ thứ" sau hơn 17 tháng khởi công- Ảnh 2.

Công trường dự án đường vành đai phía Tây. Ảnh: T.L

Trước tình hình trên, Sở Giao thông Vận tải TP.Cần Thơ đã đề nghị UBND quận Ô Môn, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền và Ninh Kiều chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ xét pháp lý, phê duyệt và bàn giao mặt bằng cho các gói thầu khi việc điều chỉnh tổng mức dự án được phê duyệt.

Đồng thời, đề nghị lãnh đạo UBND thành phố làm việc với các địa phương có nguồn cung cấp cát hỗ trợ cung cấp cho dự án.

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, Sở Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương hoàn tất các thủ tục để làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ di dời theo quy định.

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải TP.Cần Thơ đang đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đảm bảo chất lượng công trình.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đã trực tiếp đi khảo sát về quá trình triển khai dự án. Trong chuyến đi, ông Hiếu đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải cố gắng hoàn thành hồ sơ điều chỉnh tổng mức dự án trong tháng 6, để trình Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét tại kỳ họp tới.

Đường vành đai nghìn tỷ ở Cần Thơ "vướng đủ thứ" sau hơn 17 tháng khởi công- Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu (đứng vị trí thứ 3, bên trái qua) đã trực tiếp đi khảo sát về quá trình triển khai dự án đường vành đai phía Tây. Ảnh: T.L

Ông Hiếu mong muốn các đơn vị có liên quan ưu tiên bố trí vốn cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và các hạng mục xây cầu (làm cầu cần nhiều thời gian), hạn chế đấu thầu các gói thầu mới trong thời gian chưa bố trí đủ vốn.

Riêng các quận, huyện, ông Hiếu chỉ đạo tập trung cho công tác xây dựng các khu tái định cư để bố trí cho người dân bị ảnh hưởng dự án. "Đây là việc cần ưu tiên làm ngay bởi nếu kéo dài sẽ có nguy cơ dự án phải tăng tổng mức đầu tư" - ông Hiếu nói.

Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, dự án đường vành đai phía Tây là dự án chiến lược của thành phố, khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Cần Thơ. Do vậy, dự án hoàn thành sớm chừng nào, sẽ giúp tốc độ đô thị hóa của thành phố nhanh chừng đó.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng đề nghị lãnh đạo UBND thành phố sớm ban hành quy hoạch 1/2000 để khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường khi dự án đi vào khai thác.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.Cần Thơ, tổng số diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án đường vành đai phía Tây là 149,53 ha. Dự kiến, bố trí tái định cư khoảng 464 trường hợp.

Đến nay, đã phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ cho 672 hộ dân với số tiền là 1.002,18 tỷ đồng (đạt 54%). Trong đó, đã tiến hành chi trả cho 653 hộ dân với số tiền 975,24 tỷ đồng (đạt 52,5%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem