Giá cà phê cao nhất trong 15 năm qua, nông dân Đắk Lắk đua nhau mua giống mới về tái canh

Ngọc Giàu Thứ hai, ngày 03/07/2023 11:09 AM (GMT+7)
Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của cả nước, mỗi năm đem về doanh thu tỷ đô, mang lại thu nhập ổn định, ấm no cho người dân. Thời gian gần đây, giá cà phê tăng kỷ lục, người dân càng phấn khởi tái canh.
Bình luận 0

Những ngày này, Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, cũng là mùa xuống giống gieo trồng của bà con nông dân. Trên khắp các nẻo nương rẫy, rất dễ bắt gặp hình ảnh nông dân bon bon trên xe máy cày, chở theo những bịch cây giống như cà phê, hồ tiêu…

Nông dân Đắk Lắk tái canh mạnh mẽ cây tỷ đô - Ảnh 1.

Tái canh giúp cà phê tăng năng suất và chất lượng. Ảnh: N.Giàu

Anh Y Thôi Niê (buôn Cư Êbông, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, mùa mưa năm nay, gia đình anh đã xuống giống trồng hơn 1 ha cà phê. Trước đó, trên diện tích này, anh cũng trồng cà phê nhưng do già cỗi, nên phải tái canh. Ngoài diện tích trên, anh Y Thôi còn có 2 sào đất trồng lúa 1 vụ để có gạo ăn. Còn tiền sinh hoạt trong gia đình, vợ chồng anh sẽ thay nhau đi làm thuê. 

"Mình chịu khó làm lụng kiếm tiền lo cho gia đình trong lúc chờ cây cà phê ra trái. Mình trồng giống cây cà phê ghép nên khoảng 2 năm bắt đầu thu bói. Mới xuống giống mà nghe giá cà phê tăng tới 66.000 đồng/kg, mình cũng phấn khởi lắm. Mong sao giá cà phê giữ mức ổn định như vậy, người nông dân như mình có nguồn thu bền vững", anh Y Thôi chia sẻ.

Cũng vừa xuống hơn 1 ha cà phê, anh Bùi Văn Bằng (thôn 14, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cho hay,  trên diện tích này, trước đó anh trồng hồ tiêu. Thời gian đầu, cây tiêu phát triển mạnh nhưng được thời gian thì chết lần, không rõ nguyên nhân. Sau khi trồng các loại cây khác nhau, anh Bằng nhận thấy cà phê vẫn là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu ra cũng khá ổn định. 

Đặc biệt, anh càng phấn khởi hơn khi thời gian gần đây, giá cà phê liên tục tăng cao, đến nay hơn 66.000 đồng/kg- mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua.

Nông dân Đắk Lắk tái canh mạnh mẽ cây tỷ đô - Ảnh 2.

Các nông hộ ở Đắk Lắk chủ động trồng tái canh cà phê già cỗi. Ảnh: N.Giàu

Ghé thăm các điểm bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi cũng ghi nhận người dân đến mua cà phê để tái canh khá nhiều. Bà Nguyễn Thị Lan (xã Ea Ning) cho biết, gia đình vừa trồng 1.000 cây cà phê. Bây giờ bà mua thêm một ít để trồng lại những cây bị chết. Bà Lan cũng tâm sự, không có cây nào phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng địa phương như cà phê. Kỹ thuật canh tác của cây này cũng không quá khó, nông dân cũng đã biết cách chăm trồng.

Chị Hoàng Nghĩa An (chủ vườn cây giống An Vân, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) thông tin, những ngày qua, nông dân đến mua giống cây cà phê rất nhiều. Nhiều hộ mua từ 500-600 cây giống với giá dao động từ 3.000-6.000 đồng/cây, tùy cây to, nhỏ. Có thời điểm, cơ sở của chị bị "cháy hàng". 

Đến thời điểm này, cơ sở của chị đã bán hàng chục nghìn cây giống cà phê và nhu cầu mua giống cà phê của người dân đang tăng do mùa vụ trồng đang chính thức bắt đầu.

Nông dân Đắk Lắk tái canh mạnh mẽ cây tỷ đô - Ảnh 3.

Từ những vườn cà phê già cỗi, sau tái canh, nhiều vườn như được "hồi sinh", năng suất vượt trội. Ảnh: N.Giàu

Tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột - nơi được xem là trung tâm cung ứng giống cây lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và cho cả vùng Tây Nguyên, nhiều người dân đến xem, mua cây giống. Đang lựa chọn giống cà phê để tái canh cho diện tích 2 ha, ông Nguyễn Văn Nam (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết, phân vân giữa giống cà phê thực sinh và giống cà phê ghép. Theo ông, mỗi loại giống có ưu, nhược điểm khác nhau, do đó, ông phải tính toán kỹ theo nhu cầu của gia đình. 

Ông Nam cho hay, diện tích trên, gia đình ông từng trồng cà phê, sau đó xen canh sầu riêng. Đến nay, cây sầu riêng đã cho trái ổn định, cà phê thì già cỗi dần. Tuy sầu riêng mang lại thu nhập cao nhưng ông không quyết định trồng thêm mà vẫn tái canh cà phê. Bởi ông Nam nhận thấy, cây sầu riêng rất "khó tính", nếu không nắm chắc kỹ thuật, sẽ dễ bị mất mùa, chưa kể, đầu ra hiện nay vẫn phần lớn bán quả tươi.

Bà Đào Thị Hoàng Nhi - đại diện Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Quốc Cường Ea Kmat, xã Hòa Thắng cho biết, mỗi ngày có rất nhiều người đến mua giống cây trồng, trong đó họ mua nhiều nhất là cà phê. Theo bà Nhi, để có cây giống phục vụ người dân, cơ sở của bà đã khảo sát, nắm bắt thị trường và chuẩn bị cây giống cách đây 1 năm. Tuy vậy, nhu cầu mua cây giống cà phê của bà con tăng cao, vượt dự đoán của cơ sở nên có thời điểm "cháy hàng".

Nông dân Đắk Lắk tái canh mạnh mẽ cây tỷ đô - Ảnh 4.

Tại các điểm bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, người dân đến mua cà phê để tái canh khá nhiều. Ảnh: N.Giàu

Theo bà Nhi, công ty chuyên cung ứng giống cho các đối tác phát triển mô hình cà phê bền vững, ngoài ra làm thêm số lượng nhất định để bán cho nông dân chứ không cung ứng sỉ. Các đối tác yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc cây giống, nhất là mắt ghép nên mỗi năm công ty sản xuất từ 10-14 vạn giống cà phê thực sinh và giống ghép. Tuy mới vào vụ nhưng cơ sở đã bán hơn 1 nửa số cây giống, còn lại là các đối tác đã đặt trước.

Ông Phạm Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ning cho biết, toàn xã có gần 1.000 ha cà phê, trong đó 30% diện tích đến thời kỳ tái canh. Từ đầu năm 2023 đến nay, nông dân toàn xã đã tái canh được 50 ha, đây là tín hiệu đáng mừng bởi  trước nhiều loại cây trồng có thu nhập cao, nông dân vẫn quyết định gắn bó với cà phê. Về phía địa phương, luôn chỉ đạo cán bộ nông nghiệp nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân để cây phát triển tốt, cho năng suất cao.

Nông dân Đắk Lắk tái canh mạnh mẽ cây tỷ đô - Ảnh 5.

Nông dân tái canh cà phê cần lựa chọn cây giống có nguồn gốc để tránh mua phải giống không chất lượng. Ảnh: N.Giàu

Ông Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, năm nay, người dân bắt đầu tái canh mạnh cà phê. Cùng với đó, giá cà phê đang tăng cao cũng là một lợi thế thúc đẩy quyết định tái canh của bà con nông dân. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Viện lưu ý, diện tích cà phê của Tây Nguyên đang vượt quy hoạch nên khuyến cáo không mở rộng diện tích. Liên minh châu Âu vừa có quy định mới, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. 

Hiện nhu cầu người dân tái canh mạnh sẽ có hiện tượng khan hiếm hàng, tuy vậy nông dân cần lựa chọn cây giống có nguồn gốc để tránh mua phải giống không chất lượng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem