"Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh" qua cái nhìn của nhà nghiên cứu 103 tuổi

Bạch Dương Thứ tư, ngày 19/04/2023 14:52 PM (GMT+7)
Sáng 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp cùng Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu và giới thiệu bộ sách "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)" của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.
Bình luận 0
"Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh" qua cái nhìn của nhà nghiên cứu 103 tuổi - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong buổi giao lưu sáng 19/4. Ảnh: B.D

Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi gần 100 hoạt động của Ngày hội sách và văn hoá đọc lần 2, hướng đến kỷ niệm 325 năm hình thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – TP.HCM (1698 - 2023) và 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023).

"Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)" được xem là công trình dày công nghiên cứu trên 20 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Với niềm đam mê sử học, ông đã tập trung thời gian, sức lực đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II ở TP.HCM để tập hợp tài liệu, cung cấp bao quát thông tin đến công chúng về lịch sử từ thời đại tiền sử cho đến TP.HCM ngày nay.

"Tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong Thành phố nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến Thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bộc bạch.

Tác phẩm "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)" gồm 6 phần chính, được chia ra 2 tập: Tập I từ 1698 - 1945 và tập II từ 1945 - 2020. Phần dẫn nhập trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của Thành phố, thời đại tiền sử, thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và Lưu dân người Việt.

Phần thứ nhất giới thiệu thời các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn, trình bày về tình hình vùng Bình Thuận - Đồng Nai - Gia Định trước khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lý miền Nam, việc đặt nền móng, các đơn vị hành chính, việc mở mang bờ cõi, tổ chức các đơn vị hành chính dưới thời các vua nhà Nguyễn, tổ chức an ninh quốc phòng, mở mang nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải - bưu chính, thương mại, thuế khóa, tiền tệ, hoạt động văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể dục, y tế, xã hội, tín ngưỡng - tôn giáo.

Phần thứ hai giới thiệu thời Pháp thuộc, trình bày về quân Pháp mở đầu cuộc xâm lược Nam Kỳ, đánh thành Gia Định, đánh đồn Phú Thọ, đánh đồn Chí Hòa; công cuộc kháng chiến của quan chức; Hòa ước Nhâm Tuất (1862); các cấp quản trị của người Pháp khi cai trị thành phố cùng tất cả các ngành nghề…

Phần thứ ba giới thiệu giai đoạn từ ngày Nhật đảo chánh Pháp (1945-1975) đến Hiệp định Genève 1954.

Phần thứ tư giới thiệu giai đoạn Việt Nam Cộng hòa (1954-1975), từ chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài đất nước dưới sự can thiệp của Chính phủ Mỹ đến chiến dịch Hồ Chí Minh cùng các hoạt động nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại - xuất nhập khẩu - bến cảng...

Phần thứ năm giới thiệu giai đoạn xây dựng Thành phố hòa bình, văn minh, hiện đại, hội nhập từ 1975-2020.

"Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh" qua cái nhìn của nhà nghiên cứu 103 tuổi - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và bộ sách “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”. Ảnh: Đ.S

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư năm nay 103 tuổi, là người đã sống ở hai thế kỷ. Ông đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử nước nhà. Lúc nào ông cũng tranh thủ từng chút một của thời gian, mỗi ngày đều dặn như thế để tỉ mẩn ghi chép những tư liệu vô giá dành cho hậu thế về các lĩnh vực như địa danh - địa chí, lịch sử - văn hóa Nam Bộ.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng nhận định, đây là công trình văn hoá – lịch sử rất có ý nghĩa đối với TP.HCM, đặc biệt là với những người nghiên cứu về lịch sử. Riêng khối tư liệu ông xử lý đã vô cùng đồ sộ, không kể sách nguyên bản tiếng Pháp, tiếng Hán Nôm, còn có đến 214 tập sách tiếng Việt tham khảo. 

"Ở tuổi 103, mỗi ngày ông vẫn dành gần 10 giờ đồng hồ để làm việc. Tinh thần lao động của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là một tấm gương rất sáng cho cán bộ, công chức, viên chức, thanh thiếu niên thành phố", ông Thắng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem