Tín ngưỡng thờ cúng ngày Giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa như thế nào trong tâm thức người dân Việt Nam?

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 09/04/2022 09:20 AM (GMT+7)
Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTD) cho biết, truyền thống thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện nhận thức về lịch sử và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, truyền cảm mãnh liệt sự tôn kính của người dân với quá khứ, với tổ tiên...
Bình luận 0

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Biểu tượng của tinh thần dân tộc

Chỉ còn ít giờ nữa, chính thức đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch). Năm nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa đặc biệt, bởi tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có thể nói, hiếm có quốc gia nào trên thế giới có được hình thức thờ Tổ độc đáo như vậy, một tín ngưỡng mang bản sắc riêng của Việt Nam; góp phần tạo ra hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng ngày giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa như thế nào trong tâm thức người dân Việt Nam? - Ảnh 1.

Người dân tấp nập đi dâng hương sớm tại Đền Hùng. Ảnh: Ngọc Hải

Để chuẩn bị đón người dân cả nước đến đền Hùng dâng hương, khu di tích lịch sử đền Hùng đã hoàn tất công tác sửa chữa, cải tạo, bổ sung các phương án an toàn, phòng chống dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy… từ nhiều ngày trước.

Ghi nhận của PV Dân Việt tại đền Hùng trước ngày chính Giỗ, có khá đông người dân đến dân hương lên Quốc Tổ Vua Hùng. Tất cả người dân đều tuân thủ biện pháp 5K của Bộ Y tế, ở các lối vào đền Hùng đều có lực lượng của BQL túc trực, xịt khuẩn tay và nhắc nhở du khách nếu không đeo khẩu trang.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng cho biết, BQL đã lên kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để xây dựng phương án chuẩn bị đón khách, kể cả khi lượng khách tăng cao đột biến.

"Trong trường hợp lượng khách quá đông, BQL tổ chức sẽ vận động bà con dành thời gian tham quan triển lãm, xem múa rối nước, trải nghiệm trò chơi dân gian trong khuôn viên Đền Hùng. Cùng với đó sẽ cũng bố trí thêm các dịch vụ cắm trại, dã ngoại, vui chơi giải trí cho trẻ em để phục vụ du khách", Giám đốc khu di tích lịch sử Đền Hùng thông tin.

Tín ngưỡng thờ cúng ngày giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa như thế nào trong tâm thức người dân Việt Nam? - Ảnh 2.

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) sẽ trùng vào ngày 10/4 dương lịch và được tổ chức quy mô cấp tỉnh gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Ngọc Hải

Ngoài ra, khung giờ từ 7 giờ - 9 giờ sáng ngày 10/3 Âm lịch là thời điểm lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi lễ dâng hương. Nên nếu đến đền Hùng vào thời điểm này thì người dân có thể dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ để tránh tình trạng đông đúc, chen lấn xô đẩy.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóah (Bộ VHTTDL) cho biết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam do cộng đồng tôn vinh Vua Hùng là ông tổ khai sinh của dân tộc - đất nước và trở thành vị thần ban linh khí cho đất đai, vạn vật, con người sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

"Thực hành di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương diễn ra thường xuyên trong cả năm, nhưng tập trung nhất vào mùa Xuân, trong đó, nghi lễ lớn nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 Âm lịch tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ. Tại Phú Thọ có gần 300 đình, đền, miếu tại các làng xã thờ cúng Hùng Vương, sau khi được UNESCO đưa vào Danh sách đại diện, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa ra cả nước.

Vào dịp lễ hội, hàng chục triệu đồng bào cùng tham gia thực hành tín ngưỡng ở các đình, đền, miếu trong cả nước, riêng ngày chính hội ở lễ hội Đền Hùng hàng đã thu hút hàng triệu người tham gia. Nghi thức thờ cúng, lễ vật, diễn xướng và các hoạt động văn hóa theo truyền thống được cộng đồng duy trì, bảo tồn, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bao gồm lễ, cúng, hành hương và các trò diễn ở hơn một trăm làng ở tỉnh Phú Thọ và các nơi khác trong cả nước; thực hành này mang lại sự tôn kính đối với tổ tiên từ đó nâng cao ý thức về sự tự hào và gắn kết xã hội", bà Hiền chia sẻ.

Những cuộc "hành hương" đặc biệt về quá khứ

Theo bà Hiền, vai trò tổ chức, thực hành nghi lễ của cộng đồng ngày càng được phát huy. Ý thức bảo tồn và duy trì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các cộng đồng tự nguyện tham gia, thể hiện qua các hành động đóng góp công sức và vật lực cụ thể vào hoạt động thực hành nghi lễ và tu bổ, tôn tạo không gian văn hóa của di sản.

Tín ngưỡng thờ cúng ngày giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa như thế nào trong tâm thức người dân Việt Nam? - Ảnh 3.

Cuộc hành hương về đất Tổ dâng hương của những người con Việt. Ảnh: Ngọc Hải

"Các cụ cao tuổi nắm giữ kỹ năng thực hành di sản là những người đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức, hướng dẫn cộng đồng thực hành tín ngưỡng và trao truyền các tập tục cho thế hệ kế tiếp. Ở một số địa phương, các cụ sưu tầm truyền thuyết, dịch tư liệu chữ Hán ra chữ quốc ngữ, ghi chép các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để khôi phục, lưu giữ, truyền dạy cho lớp trẻ, giới thiệu cho du khách", bà Hiền nói.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho hay, thành phần tham gia thực hành tín ngưỡng đã không dừng ở những người cao tuổi, nay lớp trẻ trong cộng đồng với nghề nghiệp và vị trí công tác khác nhau cũng hào hứng tham gia. Cộng đồng ý thức sâu sắc việc trao truyền các tri thức và kĩ năng thực hành các nghi lễ cho các thế hệ kế cận nên họ tự truyền dạy cho nhau vào dịp tổ chức lễ hội. Cơ quan quản lý và chuyên môn tư liệu hóa di sản để lưu giữ và hỗ trợ cộng đồng trong việc truyền dạy.

Tín ngưỡng thờ cúng ngày giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa như thế nào trong tâm thức người dân Việt Nam? - Ảnh 4.

Trong trạng thái bình thường mới, nhiều người dân tỏ ra khá hào hứng khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nên dịp lễ năm nay đã có điều kiện trở về cội nguồn dâng hương trong những ngày gần lễ. Ảnh: Ngọc Hải

"Quốc hội đã quyết định chọn ngày 10/3 Âm lịch là ngày Quốc lễ (Ngày Giỗ tổ), ngày nghỉ của nhân dân cả nước. Giáo dục về di sản cho học sinh trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Giới thiệu, quảng bá di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa, giá trị di sản và ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản", bà Hiền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, truyền thống tôn thờ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện mạnh mẽ nhận thức về lịch sử và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, truyền cảm mãnh liệt sự tôn kính của người dân với quá khứ, với tổ tiên.

Hàng năm, những cuộc hành hương về quá khứ, giao tiếp với tổ tiên của dân tộc và gia đình là những hình thức kết nối, phương thức gặp gỡ có tác dụng tiếp thêm sức mạnh để mọi người vượt qua thách thức của cuộc sống hiện tại. Những ý nghĩa sâu sắc này vẫn còn đậm nét và đang được phát huy trong đời sống cộng đồng hôm nay.

"Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng nắm giữ di sản, nâng cao tâm thức người Việt về cội nguồn dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Cộng đồng ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của di sản đối với đời sống văn hóa của con người, mong muốn sự gắn kết giữa các cá nhân trong cộng đồng làng xã thực hành di sản, giữa các vùng miền, các quốc gia với nhau về một cuộc sống hòa bình, no ấm.

Việc UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ cúng các Hùng Vương vào danh sách đại diện góp phần ghi nhận tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nhiều quốc gia khác, do đó khuyến khích cộng đồng nhận ra những điểm chung đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đóng góp vào sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại", bà Hiền thông tin.

Tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương ở Đền Hùng và các làng xã một cách trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, với sự tham gia đông đảo của nhân dân, để tri ân tổ tiên, gắn kết các cộng đồng, cầu mong cho sự an lành và phồn vinh của đất nước.

"Tín ngưỡng này là sợi dây tình cảm, tinh thần gắn kết gia đình, dòng họ, làng xóm, quốc gia, dân tộc; là biểu tượng quốc gia, kết nối giữa quá khứ và hiện tại và sự đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc, trở thành đạo lý "uống nước nhớ nguồn" ở mọi miền đất nước", bà Hiền chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem