Giờ Trái đất 2021, lên tiếng vì thiên nhiên

Thứ hai, ngày 29/03/2021 13:55 PM (GMT+7)
Đại diện dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất 3,5GW tại Bình Thuận, khẳng định niềm tin vào sự phát triển của năng lượng sạch, tái tạo trong chương trình Giờ Trái đất 2021 phát sóng vào lúc 20h10 ngày 27/3 trên VTV1.
Bình luận 0

Bà Maya Malik, Giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, đã nhấn mạnh các lợi ích kinh tế và xã hội mà dự án đem lại cũng như sự đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam.

Chia sẻ trên của bà Malik xuất hiện trong chương trình Giờ Trái đất 2021 trên VTV1 ngày 27/3 – ngày mà mọi người dân trên toàn thế giới được khuyến khích tắt tất cả đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong một giờ.

img

Chương trình Giờ Trái đất 2021 diễn ra vào lúc 20h10 trực tiếp trên VTV1 ngày 27/3

Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Sydney, Australia vào năm 2007. Năm nay, tại Việt Nam, Giờ Trái đất 2021 do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam), Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Công Thương đồng tổ chức, diễn ra lúc 20h10 ngày 27/3 (giờ Việt Nam).

Chương trình dưới hình thức tọa đàm phát trên VTV1 có sự tham gia tham luận của đại diện các nhà đồng tài trợ chương trình. Trong cuộc tham luận này, các đại diện đã trao đổi về vai trò của việc nâng cao nhận thức trong khu vực công về các vấn đề môi trường và khuyến khích các cá nhân thay đổi thói quen hàng ngày, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền cảm hứng cho khối tư nhân cải tổ hoạt động và có nhiều sáng kiến thiết thực, bên cạnh việc hưởng ứng Giờ Trái Đất.

Giờ Trái đất năm 2020 đã truyền cảm hứng cho một lượng lớn người theo dõi và tham gia chương trình tại Việt Nam khi sáng kiến kêu gọi sự thay đổi trong ba lĩnh vực là năng lượng, rác thải nhựa và động vật hoang dã được nhiệt liệt hưởng ứng. Tất cả 63 tỉnh thành đã tham gia, với 44 màn hình LED tại các khu trung tâm thương mại được dựng lên để tuyên truyền ngoài cộng đồng.

Năm nay, Giờ Trái đất hướng tới nêu cao vai trò quan trọng của thiên nhiên cho cuộc sống tương lai lành mạnh và thúc đẩy các hành động bảo tồn mang tính bền vững. Chiến dịch tập trung vào các hoạt động trực tuyến nhằm tuyên truyền tới khoảng 2 triệu người trên mạng xã hội tại Việt Nam và có sự tham gia của hơn 30 đối tác truyền thông trong cả nước.

Cùng với đó, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn đã đồng hành, hỗ trợ và chung tay hợp tác với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường với mong muốn giúp Giờ Trái đất năm nay đạt nhiều thành công hơn nữa.

Bà Malik cho biết, “Việt Nam may mắn sở hữu một số nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất trên thế giới. Trong dự thảo mới nhất của Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia, Chính phủ cho thấy rõ quan điểm sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Copenhagen Infrastructure Partners, Asiapetro và Novasia, phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch, cam kết hợp tác xây dựng một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.”

img

Bà Maya Malik chia sẻ những đóng góp của Dự án La Gàn cho nền kinh tế Việt Nam tại chương trình Giờ Trái đất 2021

Dự án La Gàn được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho Việt Nam. Theo một nghiên cứu chuyên sâu do BVG Associates – công ty tư vấn độc lập về năng lượng tái tạo thực hiện, dự án La Gàn dự kiến sẽ tạo ra hơn 45.000 việc làm tương đương toàn thời gian (Full-time Equivalent - FTE), trong đó 1 FTE được tính là 1 công việc trong 1 năm. Ngoài ra, dự án có thể đóng góp hơn 4,4 tỷ đô la cho nền kinh tế Việt Nam.

Với khoảng 250 TWh năng lượng sạch được tạo ra, dự án dự kiến sẽ cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt mỗi năm, và có thể giảm thiểu lượng khí thải lên đến 130 triệu tấn CO2 trong suốt thời gian vận hành.

Dự án La Gàn đã được tỉnh chấp thuận để thực hiện khảo sát và nghiên cứu giai đoạn tiền khả thi, hiện đang chờ trung ương phê duyệt. Theo bà Malik, bốn hợp đồng khảo sát với các nhà cung ứng trị giá 10 triệu đô la Mỹ đã được ký để tiến hành khảo sát ngay khi dự án được cấp phép khảo sát, cùng một số Biên bản ghi nhớ với các công ty Việt Nam về việc cung cấp móng trụ và cảng hậu cần.

Bà Malik bày tỏ rằng: “Tôi thực sự đam mê việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh trong ngành năng lượng và đảm bảo rằng chúng tôi sẽ chuyển giao kiến ​​thức cũng như hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam nhiều nhất có thể. Chúng tôi có một đội ngũ tuyệt vời và làm việc rất chăm chỉ. Chúng tôi mong chờ được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành điện ​​gió ngoài khơi tại Việt Nam."

Một báo cáo năm 2019 của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế ước tính rằng số lượng việc làm của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể tăng từ 10,3 triệu việc từ năm 2017 lên gần 29 triệu việc vào năm 2050. Do đó, quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu mang đến cơ hội tạo ra những công việc mới, có tay nghề cao và thay đổi cách mà năng lượng được sản xuất và phân phối. Chiến dịch Giờ Trái đất sẽ ngày càng phát triển qua mỗi năm, thể hiện mong muốn và kỳ vọng của người dân đối với chính phủ và các ngành công nghiệp trong việc đóng vai trò tích cực hơn để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem