Giữa dịch Covid-19: ghép gan thành công cho 2 bệnh nhi bé “tí tẹo teo”

Diệu Linh Thứ tư, ngày 18/03/2020 19:15 PM (GMT+7)
Giữa mùa dịch Covid-19, trong khi bệnh viện phải căng mình chống dịch, phòng ngừa nguy cơ từ mọi nơi, Bệnh viện Nhi T.Ư đã làm nên kỳ tích khi ghép gan thành công cho 2 bệnh nhi ít tháng, cân nặng chỉ 7,5 và 9,5kg.
Bình luận 0

 Nhỏ tuổi, bệnh nặng

Chiều 18/3, TS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trong 2 ngày liên tục (ngày 24 và 26/2), bệnh viện vừa ghép thành công cho 2 bệnh nhi nhỏ tuổi, sức yếu, rất nhỏ, cân nặng chỉ dưới 10kg.

Ở trường hợp thứ nhất, bệnh nhân ghép ngày 24/2 là bé T.H.A. (nữ, 20 tháng tuổi, 9.5kg, quê quán: Phú Thọ) và trường hợp thứ 2 là bệnh nhân ghép ngày 26/2 là bé T.G.B (nam, 9 tháng, 7.5kg, quê quán: Quảng Ngãi).

img

Bác sĩ Phạm Anh Mai Hoa khám sức khỏe cho bé T.G.B 9 tháng tuổi sau ghép gan (ảnh chụp chiều 18/3).

img

Bé T.H.A 20 tháng tuổi (giường trong) rất hiếu động sau 24 ngày được ghép gan

Cả hai bệnh nhân đều mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh. Đây là dị tật bẩm sinh nặng của hệ thống đường mật, gây tổn thương đường mật trong và ngoài gan, khiến sự dẫn mật bị ứ trệ và gây hậu quả xơ gan mật và các biến chứng nặng nề, bệnh nhi có thể tử vong do xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc hôn mê gan.

Sau hơn 20 ngày được ghép gan, hiện nay, hai cháu bé đều có sức khỏe ổn định. Các cháu đang tiếp tục được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Gan Mật (Trung tâm Tiêu hóa, Gan Mật và Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi T.Ư).

Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa –Trưởng khoa Gan Mật (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, cả hai bệnh nhân đều có tình trạng xơ gan nặng mất bù và có nhiều các biến chứng nặng đe dọa tử vong như: xuất huyết tiêu hóa do ăng áp lực tĩnh mạch cửa, nhiễm trùng đường mật tái diễn, suy chức năng gan… Các bác sĩ bệnh viện Nhi T.Ư đã hội chẩn và đưa ra quyết định ghép gan là biện pháp duy nhất có thể cứu sống bệnh nhân.

img

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư và ekip của bác sĩ Chin-su Liu đã phải hội chẩn rất kỹ về ca bệnh

Tuy nhiên, đây là quyết định rất khó khăn trong hoàn cảnh bệnh viện đang cùng cả nước phải dồn nhân lực cho cuộc chiến chống dịch Covid-19, luôn căng thẳng vì nguy cơ Covid-19 thâm nhập bệnh viện bất cứ lúc nào. Cùng đó, chuyên gia Đài Loan mà bệnh viện mời sang để hỗ trợ ghép gan có nguy cơ không nhập cảnh được vào Việt Nam vì lúc đó dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội ở Trung Quốc, Đài Loan cũng có không ít ca.

Nhưng tiên đoán sức khỏe của cả 2 bệnh nhân đã quá nguy kịch, nếu không ghép gan ngay thì khó lòng qua nổi.

“Tôi cảm thấy áy náy vì đã đặt đồng nghiệp của mình vào những tình huống khó khăn. Bệnh nhi quá nhỏ, cân nặng ít, sức khỏe kém, ở Việt Nam cũng chưa có ca ghép gan nào nhỏ tuổi như vậy. Nhưng sinh mệnh của hai em bé cứ đang ngày càng yếu ớt, tôi và các đồng nghiệp, bố mẹ cháu bé đều không thể chần chừ. Vì thế, hai ca ghép gan đã diễn ra liên tục với một quyết tâm rất lớn” – bác sĩ Hoa tâm sự.

img

50 nhân viên y tế đã thay nhau làm việc suốt 10 tiếng cho mỗi ca ghép gan

Theo PGS.TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư: “Ghép gan là phẫu thuật khó, ghép gan cho trẻ em là phẫu thuật đặc biệt khó khăn do cấu trúc giải phẫu phức tạp, tình trạng bệnh nền nặng, yêu cầu trình độ cao về phẫu thuật, gây mê hồi sức và chăm sóc trước trong và sau mổ.

Mặc dù có nhiều trung tâm ghép gan cho người lớn, nhưng cả nước chỉ có ba bệnh viện: Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Nhi T.Ư là nơi đã thực hiện thành công những ca ghép gan trên trẻ em. Đặc biệt Bệnh viện Nhi T.Ư cũng là nơi đã ghép gan thành công nhiều ca nhất, đặc biệt là các ca ghép khó như ghép gan ở trẻ em ít tháng tuổi, trẻ có cân nặng thấp, ghép gan từ người cho không phù hợp nhóm máu…”, PGS Hải chia sẻ.

Vượt mọi thách thức, các bác sĩ hồi sinh cuộc sống cho hai bệnh nhi Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành ghép gan cho hai bệnh. Cả hai trường hợp này được nhận gan từ bố mẹ đẻ của mình, trong đó bé T.H.A nhận gan từ mẹ Mai Thị Phương Dung (29 tuổi), bé T.G.B nhận gan từ bố Trần Ngọc Toàn (29 tuổi).

img

Ca phẫu thuật diễn ra khá căng thẳng

Đối mặt nhiều thách thức

TS, bác sĩ Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi T.Ư kiêm Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Nhi khoa và Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp – thay mặt ê kíp trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết, khó khăn nhất với trường hợp bệnh nhi T.H.A là ở bất thường giải phẫu gan của người mẹ cần các kỹ thuật tạo hình mạch máu.

Còn ca bệnh thứ hai, bé T.G.B, 9 tháng tuổi có khó khăn hơn do mức độ xơ gan nặng, tĩnh mạch cửa (một tĩnh mạch cấp máu quan trọng cho gan) bị xơ hẹp. Trong mổ các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa. Trong khi đó, bên phía người cho cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép.

img

“Chúng tôi phải vô cùng cẩn thận khi lấy mảnh gan ghép ra nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không gây tổn thương đến phần gan còn lại. Đây là một thách thức về mặt phẫu thuật đã được các bác sĩ vượt qua và phẫu thuật thành công”, TS Hiền nói.

Theo TS Hiền, ở trẻ nhỏ, một khó khăn khác là khẩu kính động mạch gan rất nhỏ, chỉ 2mm. Các bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để nối hai đầu động mạch.

 Ca mổ đầu tiên diễn ra trong 9 giờ và ca thứ hai kéo dài hơn, khoảng 10 giờ đồng hồ. Hai ca ghép gan có sự giúp đỡ của GS Chin-su Liu cùng các cộng sự đến từ Bệnh viện Veterans General – Đài Loan.

TS Hiền chia sẻ, ghép gan đã khó khăn mà ghép gan ở trẻ nhỏ, bệnh nặng vô cùng khó khăn. Khi ghép gan phải cắt nhiều mặt cắt, đấu nối nhiều mạch máu, nguy cơ chảy máu cao. Do đó, nhóm kỹ thuạt phải nâng nguy cơ đông máu lên nhưng nếu nâng cao quá thì lại lo tắc mạch... Mọi người đều phải cân nhắc tỉ mỉ, từng ly từng tí một giống như việc đi trên dây.

img

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đang cố gắng giảm chi phí phẫu thuật ghép gan xuống mức thấp nhất, để nhiều bệnh nhi bị các bệnh về gan giai đoạn cuối có cơ hội sống khỏe mạnh

Một ca ghép gan sẽ cần huy động một ekip từ 40-50 người, từ bác sĩ phẫu thuật, lâm sàng, cận lâm sàng, gây mê, hồi sức, chăm sóc trước, sau mổ... “Ca mổ thành công, chúng tôi còn phải “nín thở” theo dõi suốt 48 -60 giờ. Khi đó, 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng sẽ liên tục thay nhau “canh” từng phút một, mắt không rời khỏi bệnh nhi. Vì sau ghép còn rất nhiều mối lo như rối loạn điện môi, nhiễm trùng, tắc các mối nối, gan bị thải ghép... “, TS Hiền nói.

TS Hoa cũng khẳng định, với ca ghép gan nặng 7,5kg thì ở Việt Nam chưa có bệnh viện nào làm được. Đồng thời, chi phí ghép gan ở Bệnh viện Nhi T.Ư cũng có giá thành rẻ hơn các bệnh viện khác. “Nói chính xác một ca ghép gan có chi phí bao nhiêu cũng rất khó vì còn tùy thuộc vào diễn tiến bệnh của từng cháu. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm hết sức để chi phí đến mức thấp nhất, giúp cho nhiều bệnh nhi bị các bệnh lý nặng về gan có cơ hội sống khỏe mạnh hơn”, TS Hoa tâm sự.

Từ ca ghép đầu tiên năm 2005, Bệnh viện Nhi T.Ư đã ghép gan thành công cho 18 trường hợp, đa số là các trẻ nhỏ dưới 10kg. Bệnh viện là một trong những cơ sở y tế thực hiện những ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực Ngoại Nhi. 2 Ca ghép gan thành công trong đó có một trẻ chỉ mới 9 tháng tuổi một lần nữa đánh dấu các bước tiến bộ về kỹ thuật ghép tạng và các nỗ lực của bệnh viện trong điều trị các bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem