Ngành dệt may giữa cơn sóng gió, ông chủ 8X ở Sài Gòn “xách ba lô lên và đi” tìm được nhiều khách hàng lớn

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 18/02/2024 13:50 PM (GMT+7)
Trở về sau chuyến “xách balo lên và đi” tìm kiếm đơn hàng ở các nước như Malaysia, Singapore và Campuchia, CEO may mặc Dony Phạm Quang Anh đã “bỏ túi” được 4 khách hàng lớn, đủ lượng công việc cho công nhân đến hết quý II/2024.
Bình luận 0

Ngay những ngày đầu năm mới, ông chủ 8X của Công ty CP Quốc tế Dony (Công ty may mặc Dony) Phạm Quang Anh hẹn chúng tôi tại nhà xưởng của doanh nghiệp (DN) nằm sát bên khu Công nghiệp Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) với lời nhắn: "Dù có hơn xa xôi nhưng anh phải đến mới thấy được không khí làm việc sôi động của công nhân ngay những ngày đầu năm mới".

Ngành dệt may giữa cơn sóng gió, ông chủ 8X ở Sài Gòn “xách ba lô lên và đi” tìm được nhiều khách hàng lớn- Ảnh 1.

CEO Phạm Quang Anh. Ảnh: Quốc Hải

Gặp mặt, Quang Anh hồ hởi, đơn hàng bên Dony đang rất khởi sắc, đặc biệt gần đây Dony phát triển thêm thị trường Đông Nam Á với một số nước như Malaysia, Campuchia, Singapore… từ đó bù đắp được phần tụt giảm đơn hàng tại Mỹ.

Riêng với thị trường Indonesia thì còn khó khăn do nhiều thủ tục nhập khẩu còn khó và thuế cao.

Chuyển hướng về thị trường Đông Nam Á và thắng lớn!

-Trong bối cảnh ngành dệt may còn khó khăn, kinh nghiệm nào để Dony vẫn tìm kiếm được đơn hàng đều đều như thế?

Yếu tố đầu tiên, Dony vẫn là DN thuộc quy mô vừa và nhỏ. Chính vì vậy, việc xoay xở trong bối cảnh khó khăn như hiện nay có phần chủ động và dễ dàng hơn. Bởi, nếu thực sự là DN lớn đến 5.000 - 10.000 công nhân thì thực sự sẽ rất khó.

Thứ 2, do bản thân Dony cũng không tập trung quá nhiều vào sản xuất các đơn hàng gia công thuần túy, tức là làm CMT. Hiện, đa số các công ty lớn đều làm CMT, có đối tác cung cấp vải và chỉ việc may nhưng sẽ phải "nuôi" lực lượng lao động nhiều, song biên lợi nhuận thấp. Hơn nữa, làm CMT thì phụ thuộc vào một số ít khách hàng mới, khi tệp khách hàng biến động thì doanh nghiệp sẽ ngợp.

Còn Dony thì chỉ làm FOB, nghĩa là chúng tôi chủ động từ nguồn vải, may, in, thêu… và xuất trực tiếp đến tay khách hàng nên chúng tôi chủ động và phục vụ được rất nhiều đối tượng khách hàng chứ không phụ thuộc vào 1,2 khách hàng.

Tôi mới xem lại tệp khách hàng, Dony đang phục vụ 5.656 khách hàng. Với lượng khách hàng này, dù có biến động đi một vài trăm khách hàng thì Dony cũng không bị tác động đến mức suy sụp mà vẫn có đường khác để xoay sở. Nhưng nếu mà doanh nghiệp chỉ có 10 khách thì nếu 2-3 khách giảm đơn hàng thì chắc chắn DN sẽ yếu đi.

Thứ 3, Dony cũng liên tục tìm, xoay chuyển phương thức để đáp ứng nhu cầu khách hàng, thích ứng trong giai đoạn khó khăn này. Ví dụ như trước dịch, doanh thu của Dony có đến 60% đến từ xuất khẩu thì trong giai đoạn khó khăn vừa qua, việc xuất khẩu gặp khó nên Dony ngay lập tức quay về khai thác thị trường nội địa và hiện nay có đến hơn 60% doanh thu đến từ thị trường nội địa, góp phần bù đắp cho phần xuất khẩu bị giảm sút.

Ngành dệt may giữa cơn sóng gió, ông chủ 8X ở Sài Gòn “xách ba lô lên và đi” tìm được nhiều khách hàng lớn- Ảnh 2.

CEO Phạm Quang Anh bàn kế hoạch xây dựng đơn hàng với bộ phận marketing của Dony.

Thêm vào đó, đối với thị trường xuất khẩu, thời gian qua khi thị trường Mỹ giảm, thị trường châu Âu thì gần như không có đơn hàng, nên Dony "xoáy" sang thị trường Trung Đông và gặt hái thành công khi đơn hàng ở thị trường này tăng. Đồng thời, Dony cũng khai phá thêm được thị trường mới là khu vực Đông Nam Á cũng góp phần bù đắp cho doanh số xuất khẩu.

-Việc chuyển qua khai thác thị trường khu vực Đông Nam Á có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Thực ra kế hoạch năm nay của tôi là tháng 10 sẽ đi Mỹ để xúc tiến thương mại, đã xin visa, làm thủ tục và sắp xếp lịch làm việc với đối tác. Trọng tâm của Dony là làm internet marketing nhưng thỉnh thoảng với một số thị trường trọng điểm, và bản thân lãnh đạo DN sẽ trực tiếp đi nửa tháng, 1 tháng để gặp gỡ, tương tác trực tiếp với đối tác, khách hàng vì dù gì khi tương tác trực tiếp với nhau thì sẽ có yếu tố đáng tin cây hơn, có tình cảm trong đó nên cũng dễ hơn.

Đồng thời, khi trực tiếp đến xem và làm việc với đối tác thì sẽ hiểu thêm về quy mô, cách kinh doanh của họ thì sẽ có phương án tốt hơn cho họ.

Tuy nhiên, từ tháng 3-4 năm nay thì tín hiệu thị trường tại Mỹ đã giảm, sau đó thì tình hình bán hàng của đối tác tiếp tục giảm nên Dony quyết định sẽ không tăng thêm mà mục tiêu chỉ là củng cố, giữ gìn khách hàng cũ mà thôi.

Ngành dệt may giữa cơn sóng gió, ông chủ 8X ở Sài Gòn “xách ba lô lên và đi” tìm được nhiều khách hàng lớn- Ảnh 3.

Ngành dệt may giữa cơn sóng gió, ông chủ 8X ở Sài Gòn “xách ba lô lên và đi” tìm được nhiều khách hàng lớn- Ảnh 4.

Theo dõi và động viên công nhân triển khai sớm các đơn hàng cho kịp giao với đối tác. Ảnh: Quốc Hải

Vấn đề đặt ra là làm sao để duy trì đà tăng trưởng của DN trong bối cảnh thị trường trọng điểm như Mỹ bị yếu đi. Sau khi đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định thử tìm con đường xuất khẩu sang thị trường lân cận mà lâu nay Dony chưa quan tâm nhiều đặc biệt là thị trường Đông Nam Á. Do thị trường này chi phí đi lại cũng rẻ nên tôi quyết định đi Singapore với Malaysia 1 tuần, đi Campuchia 3-4 ngày để gặp gỡ các đối tác và bất ngờ ký được ở Singapore 2 đối tác, Malaysia 1 đối tác, Camphuchia 1 đối tác và đây đều là những đối tác chính.

Điều khiến tôi bất ngờ là chi phí logistic sang các nước này rất rẻ và đặc biệt nhanh. Chẳng hạn như Campuchia, tôi làm sản phẩm mẫu xong lúc 5h chiều nay thì mang đi gửi chành xe và đến sáng hôm sau thì khách hàng đã nhận được rồi, còn nhanh hơn từ đây gửi hàng ra Hà Nội. Chi phí cũng rất rẻ gần như tương đương với bán trong nội địa.

-Còn việc quay về phát triển ở thị trường nội địa, Dony có gặp khó khăn gì ?

Từ sau giai đoạn dịch, Dony nhận thấy rằng thu nhập của người dân giảm và bản thân DN cũng gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, lúc này điều gì sẽ là quan trọng liên quan đến sống còn của các DN? Tất nhiên là việc tiết kiệm, nghĩa là DN sẽ cực kỳ quan tâm đến vấn đề chi phí. Nắm được điều này, Dony đã đưa ra các mức giá cực kỳ cạnh tranh nên kể cả trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thị trường nội địa của Dony đã tăng trưởng khoảng 40% doanh thu (tổng doanh thu tăng 23% nhưng riêng nội địa tăng tới 40%).

Tuy nhiên, vẫn có một khó khăn ở thị trường nội địa là nhiều khách hàng đang rất khó khăn, đặc biệt là khối ngành xây dựng và các ngành liên quan nên Dony cũng gặp khó trong thu hồi công nợ.

-Nỗ lực kéo giảm lãi suất của các ngân hàng thời gian qua có hỗ trợ nhiều cho sự hồi phục của Dony?

Thời điểm năm ngoái, trong giai đoạn lãi suất đột ngột tăng cao và "neo" trong một thời gian dài, thực sự các doanh nghiệp nói chung, Dony nói riêng rất khó khăn vì hầu như đơn hàng sụt giảm, doanh thu, lợi nhuận thu về đều mang trả lãi cho ngân hàng. Các doanh nghiệp vì thế co cụm không dám đầu tư, thậm chí đóng cửa.

Tuy nhiên, thời gian gần đây khi mặt bằng lãi suất giảm, đơn hàng cũng tăng lên nên các doanh nghiệp cũng bắt đầu triển khai đầu tư cho sản xuất.

Thực tế, với ngành may mặc, Dony nhìn nhận được rằng chu kỳ khó khăn sẽ tiếp diễn trong giai đoạn sắp tới nên chúng tôi có các chính sách tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời cũng dự kiến đầu tư thêm máy móc mới để nâng cao hiệu quả sản xuất như máy in tự động, thêu tự động… Nên vì thế cũng vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.

Lo ngành dệt may khó… "trở lại như xưa"

-Một số chuyên gia ngành may mặc dự báo ngành dệt may có thể còn khó khăn đến hết năm 2024, ông đánh giá sao về nhận định này?

Tôi cũng đồng ý quan điểm này và cũng từng nhận định từ thời điểm cuối năm ngoái rằng ngành dệt may sẽ còn khó khăn đến hết năm 2024. Thậm chí, tôi còn lo lắng rằng, đến năm 2024 khi ngành dệt may hết khó khăn và bước sang năm 2025 thì ngành dệt may Việt Nam thậm chí còn không trở lại như trước được.

Nguyên nhân là ngành dệt may Việt Nam vẫn phần lớn làm sản xuất gia công thuần túy. Khi vẫn làm theo mô hình này thì câu chuyện cạnh tranh về chi phí lao động phải tính tới. Bởi, hiện nay chi phí lao động của Việt Nam đã rất cao so với chi phí lao động của một số nước khác, tôi ví dụ ngay chính với Bangladesh, hiện các chính sách của quốc gia này đang tập trung cho ngành may mặc rất khủng khiếp.

Hiện, 80% doanh thu xuất khẩu của Bangladesh đến vì lĩnh vực may mặc, trong khi ngành dệt may Việt Nam chỉ 10%-12% nên không phải là trọng điểm nữa, còn với Bangladesh thì ngành dệt may là "nồi cơm" của họ.

Nhưng câu hỏi đặt ra là trước đây dù chi phí lao động của Việt Nam cao hơn Bangladesh nhưng Việt Nam vẫn thu hút được đơn hàng, còn hiện nay dù chi phí lao động vẫn cao hơn, nhưng vì sao Việt Nam không làm được như trước?

Câu chuyện nó nằm ở chỗ trước đây ở Bangladesh lương công nhân thấp, công nhân tay nghề chưa cao, kỹ thuật chưa cứng quy trình công nghệ cũng chưa mạnh… nhưng sau bao nhiêu năm, đặc biệt từ khoảng năm 2020-2025, những nước như Việt Nam có vẻ đứng lại vì không tái đầu tư, không nâng cấp được vì có nguồn tiền… trong khi Bangladesh trong 5 năm này vẫn tiếp tục phát triển, vẫn có đơn hàng dồi dào… từ đó có nguồn tiền, có nguồn khách hàng, vừa có 5 năm để cải tổ công nghệ và đào tạo con người thì đến năm 2025 thì Bangladesh vừa có chi phí lao động rẻ, công nhân vừa giỏi tay nghề. Còn Việt Nam con đường về dài hạn vẫn là làm gia công thuần túy với số lượng lớn thì sẽ yếu đi, và ngành dệt may Việt Nam về dài hạn triển vọng sẽ yếu đi.

-Có ý kiến cho rằng ngành may mặc Bangladesh hiện nay thành công là do hướng đến "chuyển đổi xanh", "sản xuất xanh", ông có nhận định gì về việc này?

Tôi cho rằng xu thế này hiện mới chỉ "nằm trên giấy" mà thôi, chưa thực tiễn. Kể cả Bangladesh, họ có đơn hàng không phải nhờ "chuyển đổi xanh" mà bởi bản thân giá họ rẻ. Thực tế, nhiều người nói về "sản xuất xanh" trong ngành may mặc nhưng con số thực tế có bao nhiêu người mua sản phẩm may mặc xanh?

Mới đây tôi có đọc tài liệu của Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội nghiên cứu về việc Bangladesh có đơn hàng trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế thế giới và vẫn tăng trưởng liệu có phải nhờ chuyển đổi xanh hay không? Kết quả nghiên cứu cho thấy không phải nhờ chuyển đổi xanh mà liên quan đến các yếu tố: Thứ nhất, chi phí thấp và thứ hai là do chính sách quốc gia của họ.

Ngành dệt may giữa cơn sóng gió, ông chủ 8X ở Sài Gòn “xách ba lô lên và đi” tìm được nhiều khách hàng lớn- Ảnh 5.

CEO Phạm Quang Anh (giữa) cùng các trưởng tổ công nhân kiểm tra đối chiếu các mẫu may mặc. Ảnh: Quốc Hải

Như tôi đã nói, 80% doanh thu xuất khẩu của Bangladesh đến từ lĩnh vực may mặc, thế nên toàn bộ hệ thống Chính phủ, người dân đều tập trung cho lĩnh vực may mặc. May mặc của Bangladesh được ưu tiên từ kho xuất nhập khẩu, chính sách xuất nhập khẩu, ưu đãi về thuế, lương thưởng… cực kỳ mạnh. Tôi ví dụ ở Việt Nam nhập vải về may phải làm thủ tục rất phức tạp, đủ thứ chi phí mới lấy vải về may được, còn ở Bangladesh không những được tạo điều kiện thuận lợi mà khi nhập vải về may, thậm chí Hải quan cho mượn kho để chứa hàng, không tốn tiền…

Nói thật, bản thân chính sách của Việt Nam cũng không hỗ trợ nhiều cho ngành dệt may.

-Nhận định này liệu có phiến diện, vì thực tế ngành dệt may vẫn là một trong những ngành trọng yếu của xuất khẩu?

Tôi nhận định thế là bởi thực tế các chính sách quốc gia của Việt Nam hiện nay không tạo điều kiện cho ngành may mặc phát triển, tức là không muốn ưu tiên cho các ngành thâm dụng lao động và đây là chính sách phù hợp vì ngành may mặc phải dịch chuyển từ nơi có thu nhập cao sang nơi có thu nhập thấp là hoàn toàn bình thường.

Tôi dẫn chứng, ngày xưa ngành may mặc phát triển đầu tiền ở châu Âu, sau đó dịch chuyển sang Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc; sau đó mới chuyển về Trung Quốc và Việt Nam. Hiện giờ là giai đoạn dịch chuyển ngành may mặc từ Trung Quốc, Việt Nam sang Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ… rồi sẽ có lúc ngành dệt may chuyển từ các quốc gia này sang châu Phi. Đây là chu kỳ của ngành may mặc, bắt buộc dịch chuyển theo xu thế "nước chảy chỗ trũng" như vậy, không có cách nào khác.

Do đó, ngành may mặc Việt Nam phải nhìn, 20-30 năm nữa có thể sẽ giống như Nhật Bản, Hàn Quốc bây giờ.

-Còn lĩnh vực thương mại điển tử thời gian qua rất phát triển, lĩnh vực này có hỗ trợ gì Dony trong việc tìm kiếm các đơn hàng?

Dĩ nhiên là có và cũng rất quan trọng, tuy nhiên Dony không bán trực tiếp trên các sàn mà thực hiện các hoạt động tiếp thị, digital marketing qua Google, Facebook, TikTok, Alibaba… chứ ít tham gia các sự kiện truyền thống lâu nay như hội nghị, triển lãm.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem