Hà Nội đề xuất đi xe đạp để giảm tắc đường

Chủ nhật, ngày 14/04/2013 09:53 AM (GMT+7)
Đề án dự kiến thực hiện trong 24 tháng với kinh phí khoảng 900 triệu đồng, mục đích đưa ra các giải pháp, khuyến khích người dân Hà Nội sử dụng xe đạp, giảm lưu lượng ô tô xe máy tham gia giao thông.
Bình luận 0

"Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường" được Sở công thương Hà Nội cho là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và quy hoạch giao thông chưa hoàn chỉnh.

Đề án này đã được gửi UBND TP. Hà Nội, mục đích đưa ra các giải pháp, khuyến khích người dân Hà Nội sử dụng xe đạp, giảm lưu lượng ô tô xe máy tham gia giao thông.

Đề án dự kiến thực hiện trong 24 tháng với kinh phí khoảng 900 triệu đồng, lấy nguồn từ Quỹ xúc tiến thương mại TP Hà Nội.

Đề xuất đi xe đạp giảm ùn tắc giao thông (Ảnh minh họa)
Đề xuất đi xe đạp giảm ùn tắc giao thông (Ảnh minh họa)

Theo Sở Công thương Hà Nội, tại Hà Nội hiện nay, sự phát triển quá nhanh các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm. Mặt khác nhiên liệu xăng dầu - nguồn năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, phát triển xe đạp trong giao thông, đô thị sẽ là giải pháp giảm ùn tắc hiệu quả.

Trả lời báo chí, bà Trịnh Thị Ngân- Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ý tưởng đề xuất này bắt nguồn từ những nhìn nhận đánh giá tình hình giao thông tại một số thành phố phát triển, đông dân cư trên thế giới.

Nhiều thành phố phát triển trên thế giới rất giàu có nhưng lại có tỷ lệ người tham gia giao thông bằng xe đạp rất nhiều. Chính quyền các thành phố này vẫn luôn tìm cách giảm bớt lưu lượng ô tô, xe máy tham gia gia thông đô thị nhằm giảm ùn tắc,

Chẳng hạn như Amsterdam (Hà Lan) là một trong mười thành phố sạch nhất trên thế giới. Rất phát triển nhưng thành phố này có tỷ lệ người dân đi xe đạp cao nhất trên thế giới.

Hay như London (Anh) đã nỗ lực chi 1,37 tỉ USD cho 24km đường dành cho xe đạp. Đài Loan (Trung Quốc) thường xuyên tổ chức những hội chợ xe đạp lớn nhất châu Á nhằm tuyên truyền ý thức đi xe đạp cho người dân, tạo một không gian trong sạch ít ô nhiễm.

Bởi vậy, Sở Công thương cho rằng, Hà Nội cũng cần học hỏi kinh nghiệm của những thành phố này.

Một cán bộ Phòng Quản lý Công nghiệp cũng cho hay, tờ trình vẫn đang được Thành phố xem xét. Nếu Thành phố đồng ý, Đề án này sẽ phải có sự tham gia của các cơ quan khác như Sở GTVT, Sở Xây dựng... Bởi lẽ, để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, cần tính toán về chất lượng đường sá, phương pháp quản lý, quy hoạch giao thông...

Ngoài việc khuyến khích, kêu gọi ý thức người dân, vẫn phải có những cần đề xuất giải pháp cụ thể. "Chẳng hạn như quy định một số tuyến đường chỉ cho phép đi xe đạp trong một thời điểm trong ngày." - Cán bộ này nói.

Do đó, "Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường" được cho là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và quy hoạch giao thông chưa hoàn chỉnh.

Mục tiêu của đề án là đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ xe đạp của TP Hà Nội; tính toán lợi ích của việc sử dụng xe đạp; tổ chức triển lãm xe đạp nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân TP sử dụng xe đạp; đề xuất các giải pháp phát triển xe đạp trong giao thông đô thị, kích cầu xe đạp, tìm hướng đi cho ngành sản xuất xe đạp nội địa.

Tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội hay TP.HCM, tắc đường diễn ra hàng ngày và rất nghiêm trọng khiến người dân cũng như các cơ quan chức năng phải rất vất vả tìm cách đối phó.

Chỉ cần một cơn mưa bất thần vào giờ tan ca, Hà Nội hay TP.HCM lại tái diễn cảnh chìm ngập, chen lấn nối dài hàng giờ dưới mưa.

Bộ GTVT cũng đưa ra đủ giải pháp nhằm giảm tắc giao thông. Từ đổi giờ học, giờ làm đến đề xuất giảm ùn tắc bằng công nghệ thông tin, hay thu phí hạn chế phương tiện cá nhân...

Ở Nga có một dịch vụ gần đây khá được ưa chuộng là "taxi xe cứu thương", với mức phí 6.000 rúp/giờ (khoảng 200 USD). Những chiếc xe cứu thương đã được thay đổi, trang bị nội thất hạng sang, sử dụng còi báo động để được hưởng quyền ưu tiên nhường đường, giúp những người thuê xe (chủ yếu là các doanh nhân giàu có) có thể đi xuyên qua chỗ tắc đường dễ dàng hơn ôtô thông thường.

Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chuyển sang sử dụng máy bay trực thăng thay vì dùng ô tô để đi làm để tránh tắc đường. Việc này được cho là để tránh gây phiền toái cho các lái xe, bởi họ phải dẹp đường mỗi lần đoàn xe hộ tống ông Medvedev đi từ dinh thự của mình ngoại ô phía tây Moscow đến trụ sở của Chính Phủ ở trung tâm thành phố.

Với đề xuất của Sở công thương Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, Sở này cũng nên nghiên cứu thêm cả hai giải pháp này để giảm tải ùn tắc giao thông một cách hữu hiệu?

Theo Đất Việt

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem