Hàng loạt tình nguyện viên chưa nhận được tiền hỗ trợ chống dịch Covid-19, Sở Y tế TP.HCM nói gì?

Bạch Dương Thứ năm, ngày 14/04/2022 16:46 PM (GMT+7)
Hàng loạt tình nguyên viên tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, dù TP.HCM đã trở lại trạng thái bình thường đã 6 tháng qua.
Bình luận 0
Hàng loạt tình nguyện viên chưa nhận được tiền hỗ trợ chống dịch Covid-19, Sở Y tế TP.HCM nói gì? - Ảnh 1.

quyTình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: BVCC

V.H – sinh viên điều dưỡng của Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) tham gia hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 từ ngày 16/8/2021 đến 21/1/2022. Nửa năm qua, H và nhiều người đã trải qua những điều khốc liệt.

Khi dịch được kiểm soát, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chính thức ngưng hoạt động từ ngày 30/3, thế nhưng tình nguyện viên vẫn chưa thể nhận tiền phụ cấp theo quy định.

Theo anh V.H, trong 6 tháng chống dịch, anh nhận được hơn 6 triệu đồng là phần hỗ trợ cho tháng 8/2021. "Từ tháng 9 trở đi, chưa có bất kỳ ai nhận được khoản phụ cấp nào. Chúng tôi có thắc mắc nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy (phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19) đáp là tiếp tục chờ đợi.

Tôi hiểu hơn 1.000 tình nguyện viên ở đây đều tự nguyện tham gia, nhưng các nghị quyết của Chính phủ đã quy định có phần hỗ trợ này. Chúng tôi là người ở TP.HCM, thiệt thòi là một chuyện, nhưng còn hàng trăm y bác sĩ từ Bắc vào Nam đã giúp thành phố chống dịch mà đáp lại vẫn là sự im lặng?", anh bức xúc.

Được biết, 60 y bác sĩ Bệnh viện 74 Trung ương (Vĩnh Phúc) chia 2 đợt vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch, đến nay vẫn chưa được nhận tiền phụ cấp chống dịch 450.000 đồng/người/ngày tính từ tháng 9/2021.

Anh V.H cho biết, sau rất nhiều lần hỏi về khoản phụ cấp trên, các đoàn chi viện nhận được câu trả lời: Cuối năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy (đơn vị phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19) đã lên danh sách tình nguyện viên các đoàn để chi trả phụ cấp cho tháng 9,10/2021. Thế nhưng, bệnh viện không quyết toán được do khâu hoàn thiện hồ sơ giấy tờ gặp vướng mắc.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là "mặt trận" khốc liệt nhất của TP.HCM vì công tác hồi sức vô cùng vất vả. Giai đoạn cao điểm, khoảng 3.000 nhân viên y tế với 74 đoàn y bác sĩ từ cả nước chi viện về đây. Nơi đây đã tập hợp các y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, các bệnh viện TP và chi viện của các tỉnh thành (Thanh Hóa, Hải Phòng, Bệnh viện 71 Trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương...) .

Trả lời về vấn đề này, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay, cuối năm 2021, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã tập trung chi trả giải ngân và thanh quyết toán chi phí phòng chống dịch.

"Do thời gian cận cuối năm, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vẫn còn một số vướng mắc trong thanh quyết toán, đến nay mới chi được hơn một nửa. Bệnh viện và Sở Y tế TP đang phối hợp và trình UBND TP để tháo gỡ các vướng mắc, sẽ tiếp tiếp tục chi trả cho tình nguyện viên. Mong các anh chị tình nguyện viên thông cảm cho sự chậm trễ này", bà Quỳnh Như nói.

Hàng loạt tình nguyện viên chưa nhận được tiền hỗ trợ chống dịch Covid-19, Sở Y tế TP.HCM nói gì? - Ảnh 3.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là mặt trận khốc liệt nhất tại TP.HCM trong đại dịch vừa qua. Ảnh: BVCC

Chiều 7/4, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thảo luận, biểu quyết thông qua chính sách đặc thù hỗ trợ cho tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP với mức chi hỗ trợ là 130.000 đồng/người/ngày.

Việc này không áp dụng đối với những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước tình nguyện tham gia chống dịch hoặc được cơ quan, đơn vị nơi làm việc vận động tham gia.

Theo đó, có 13 nhóm tình nguyện viên được nhận hỗ trợ, bao gồm:

1. Trực tiếp hoặc hỗ trợ khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm Covid-19, nghi nhiễm Covid-19, hoặc thực hiện nhiệm vụ hành chính, hậu cần tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập quy định tại Nghị quyết 168/2021 về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch.

2. Làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế công lập, tại cộng đồng.

3. Làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường để phục vụ cho phòng xét nghiệm SARS-CoV-2.

4. Làm nhiệm vụ vận chuyển, bảo quản, xử lý các trường hợp tử vong nhiễm SARS-CoV-2.

5. Làm nhiệm vụ phun khử trùng, diệt khuẩn tại cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở cách ly y tế tập trung, khu vực dân cư bị khoanh vùng, phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

6. Tham gia đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bệnh Covid-19

7. Làm nhiệm vụ hành chính, hậu cần tại các Trạm cấp cứu 115.

8. Làm nhiệm vụ tiếp nhận và điều phối đường truyền cấp cứu tại Tổng đài cấp cứu 115.

9. Làm nhiệm vụ khoanh vùng, phong tỏa, tuần tra, kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cách ly y tế tập trung, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn dân cư có người nhiễm Covid-19, chốt trạm của TP, TP Thủ Đức và các quận, huyện.

10. Làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế, theo dõi điều trị người nhiễm Covid-19 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn (bao gồm trạm, tổ y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng).

11. Tham gia tổ tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong chương trình tiêm chủng miễn phí.

12. Làm nhiệm vụ tiếp nhận và phân phối hàng hóa hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19 các cấp của TP.

13. Làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm Covid-19.

Thời gian hỗ trợ từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem