Hành trình 2000km tiến về giải phóng Sài Gòn qua lời kể người trong cuộc (bài 1)

Chiến Thắng Thứ bảy, ngày 30/04/2022 13:01 PM (GMT+7)
"Đầu tháng 3/1975, từ Cao điểm 54 Đông Hà, Quảng Trị, chúng tôi nhận lệnh hành quân thần tốc vào giải phóng Sài Gòn với quãng đường hơn 2000km. Chiếc quần Gabadin chắc bền là thế mà đít quần thủng lúc nào cũng không hay," ông Hà Văn Bình, cựu lính tăng thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 512, Lữ đoàn 203 Tăng Thiết giáp nhớ lại.
Bình luận 0

Đã như một phản xạ, cứ gần đến ngày 30/4, ông Hà Văn Bình, cựu lính tăng thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 512, Lữ đoàn 203 Tăng Thiết giáp lại bồi hồi nhớ đồng đội cùng những ngày lái xe tăng như “lên đồng” để kịp chiến dịch Giải phóng miền Nam.

Ông kể: "Từ Cao điểm 54 Đông Hà, Quảng Trị, chúng tôi nhận lệnh hành quân, ra đường 9, gần đến Khe Sanh thì ngược lên đường 14 Trường Sơn. Lúc bấy giờ Huế chưa giải phóng, Cửa Việt, Đông Hà khi đó đã giải phóng xong rồi.

Khi chúng tôi lên đến A Sầu, A Lưới thì dừng lại để chuẩn bị đánh xuống Thừa Thiên Huế, tuy nhiên sau đó nhận tin Huế đã giải phóng. Chúng tôi nhận lệnh tiếp tục hành quân.

Nếu là một lính pháo thủ hay trưởng xe thì nhớ rất rõ địa danh, nhưng tôi là lái xe. Mà lái xe tăng hạng nặng, điều khiển cả khối thép 36 tấn, những đoạn dốc ngồi ở ghế không nhìn thấy mặt đường còn phải đứng lên để lái, do đó tôi không nhớ được địa danh vì tập trung lái.

Mỗi xe chỉ có một người lái, tôi đi từ 5 giờ sáng đến sẩm tối mới nghỉ nấu cơm. Càng vào sâu càng đông, càng vui. Hành quân như trẩy hội.

Cứ 2 ngày một lần lại nhận điện chạy bứt tốc, về sau chúng tôi chạy từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Mệt đến nỗi cứ buông cần lái là ngủ.

Hành trình 2000km tiến về giải phóng Sài Gòn qua lời kể người trong cuộc (bài 1) - Ảnh 1.

Ông Hà Văn Bình, cựu lính tăng thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 512, Lữ đoàn 203 Tăng Thiết giáp nhớ lại hành trình 2000km tiến về giải phóng Sài Gòn. Ảnh: Gia Tưởng

Khi rẽ xuống Đà Nẵng, qua Đà Rằng rồi qua Ngã Ba Đại Lộc, đường 1 đẹp, chúng tôi chạy 50-55km/giờ. Chính ủy Bùi Tùng bảo, bằng mọi giá phải chạy thật nhanh chứ không vào đến chỉ có nhặt ống bơ rỉ thôi.

Là những người lính huấn luyện bao năm mà cuối cùng phải nhặt ống bơ rỉ, chúng tôi không cam tâm nên quyết chạy ngày, chạy đêm, ấy vậy mà vẫn không kịp chiến dịch.

Đi trên đường 14 Trường Sơn, lâu ngày, xe tôi đi bị đứt xích. Về nguyên tắc phải thay 2 mắt xích mà cả đại đội không còn nổi cái mắt xích xe tăng dự phòng nào.

Đồng chí Đại đội trưởng bảo, Trung đội trưởng Trung đội 1 sang xe khác của trung đội để chỉ huy đội hình, pháo thủ số 1 với pháo thủ số 2 ở lại cùng lái xe tìm cách khắc phục.

Đại đội trưởng lệnh chúng tôi ở lại đợi, có đơn vị xe tăng nào hành quân qua thì quay pháo chặn đường xin mắt xích. Ngày thứ nhất chặn hai lần không xe nào có, sang ngày thứ 3 mới có đơn vị xe còn rất mới đi vào.

Chúng tôi xin được 2 mắt xích T54 để thay. Khi nối xong, chúng tôi chạy đuổi theo đơn vị trên đường 14 Trường Sơn ròng rã cả ngày đêm, sang ngày thứ 3 chúng tôi gặp được Đại đội đang dừng ăn cơm.

Tôi đói quá lả đi vì dọc đường không mấy khi gặp được thanh niên xung phong để xin ăn, có khi gặp thì họ ăn xong ngâm nồi mất rồi, xin được lương khô thì không có nước uống…

Khi đó, chúng tôi như những đứa con xa nhà gặp lại người thân, Đại đội trưởng vỗ vai:

- Chúng mày được, tao tưởng sau chiến dịch phải cử người tìm chúng mày cơ đấy!

Lái xe tăng, mỗi xe chỉ có một lái mà tôi chạy hơn 2000km nên khi vào gần đến điểm tập kết tôi không còn sức để lái nữa.

Tôi bảo Trung đội trưởng Nguyễn Văn Tốn:

- Em cố định xe chạy số 2, nếu xe lệch quá anh nhắc em.

Khi đó, tôi cố banh mắt ra mà không mở nổi.

Ròng rã một tháng trời chạy xe, đến mức không còn đủ sức ăn cơm, dọc đường đồng đội pha sữa, gạo rang, bột đậu cho uống. Phải nói là chạy xe đến kiệt sức.

Tôi khi đó mặc chiếc quần Gabadin của Trung Quốc, vải chắc bền vậy mà mòn rách hai lỗ bên mông, mỗi lỗ hơn bàn tay nhưng không hề hay biết gì.

Tầm 2 giờ chiều 26/4, chúng tôi đến được rừng Cao Su phía ngoài căn cứ Nước Trong của địch. Ông Toàn Tiểu đoàn trưởng khi đó trêu tôi:

- Xe của thằng Bình vào đánh nhau một là xanh cỏ đầu tiên, hai là đỏ ngực. Nói thế thôi, cố lên, xe mày nhất định đỏ ngực (có huân chương).

Vì tôi lái xe cho Trung đội trưởng, nên xe tôi luôn đi đầu.

Ông Tốn khi đó bảo:

- Nếu chúng mày nhanh thì sống còn chậm thì chết. Phải cố gắng lên.

Tôi nhớ lúc đó ông Nguyễn Văn Hiền, pháo thủ số 1 có trình độ pháo thủ cấp 2 (đủ trình độ bắn hành tiến dù xe đang chạy số 2 vẫn đảm bảo trúng mục tiêu) kêu:

- Các quê ạ, đằng nào cũng chết, thằng nào có quần áo mới thì mặc vào.

Tôi mặc bộ quần áo mới nhất, đôi giày cao cổ bền nhất để chuẩn bị cho trận đánh vào căn cứ Nước Trong, Trường Sĩ quan Thiết giáp, căn cứ nổi tiếng do Lữ đoàn dù 4 của địch trấn giữ, có hỏa lực rất mạnh. Vậy nhưng chính bộ quần áo mới đó đã suýt khiến tôi bỏ mạng trong trận đánh đầu tiên này.

Tại địa điểm tập kết, Lữ đoàn đưa chiến sĩ trinh sát biệt động nội thành ra, lên sa bàn để hướng dẫn chi tiết cụ thể hướng đánh, các ký hiệu nhận diện. Đồng thời, phổ biến mệnh lệnh nhiệm vụ của Lữ đoàn xuống.

17 giờ 30, chúng tôi lên xe tiến đánh vào căn cứ Nước Trong, chỉ kịp dặn nhau, còn sống thì về quê tao thông báo cho bố mẹ, người thân biết nhé.

Chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh vào căn cứ Nước Trong theo đội hình Đại đội. Cái chết với chúng tôi lúc ấy thực sự nhẹ bẫng," ông Bình nhớ lại.

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem