Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á: Vẫn nóng vấn đề bản quyền sách trên không gian mạng

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 17/09/2023 16:11 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á vừa diễn ra tại TP.HCM, hầu hết các đại biểu đều lên tiếng về việc ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền sách nói chung, trên không gian mạng nói riêng.
Bình luận 0
Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á: Vẫn nóng vấn đề bản quyền sách trên không gian mạng - Ảnh 1.

Đại diện Indonesia tham dự hội nghị. Ảnh: H.T

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên cho biết, sự phát triển như vũ bão của Internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ số đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền, các đơn vị xuất bản có thể truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển này, các yếu tố quan trọng khác như năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị của doanh nghiệp, nhà xuất bản và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế khiến tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản ngày càng trở nên nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của nhiều nền xuất bản, trong đó có các quốc gia ASEAN.

Thực tế, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền cùng nhiều hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vào hỗ trợ doanh nghiệp và tác giả bảo vệ bản quyền như: Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội quyền sao chép, Trung tâm bản quyền tác giả văn học, Trung tâm bản quyền số... Dẫu vậy, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp.

Theo ông Nguyễn Nguyên, hành vi vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng hiện có 3 hình thức phổ biến, đó là: Bán các sản phẩm sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội phổ biến; sử dụng các website, ứng dụng (app) OTT được cấp phép, các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài, các app OTT lậu được chia sẻ trên internet, các mạng xã hội phổ biến... để cung cấp các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn ); lợi dụng công nghệ số, nhất là công nghệ AI để tạo ra các tác phẩm nhưng không thực hiện theo đúng quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tại hội nghị, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên án: "Theo mức độ lộng hành của nó, hiện nay sách giả, sách lậu đã có thể gọi là "quốc nạn". Nó giống một thứ virus, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng". Ông kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao ý thức chống sách giả, sách lậu, đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền.

Ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia cho biết, vi phạm bản quyền sách đã trở thành một vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia. Thế giới kỹ thuật số rất dễ dãi đối với việc vi phạm bản quyền và sao chép bất hợp pháp. Các quy định không có lợi cho các nhà xuất bản sách.

Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á: Vẫn nóng vấn đề bản quyền sách trên không gian mạng - Ảnh 3.

Vi phạm bản quyền sách luôn là chủ đề nóng. Ảnh: B.D

Hơn 75% thành viên của Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng. Các sàn thương mại thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp.

Ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines cho biết, tại Philippines, những kẻ bắt chước và sao chép tràn lan các tác phẩm của người khác bất hợp pháp đang nhắm mục tiêu vào ngành xuất bản. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ Philippines cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền, nhằm khẳng định tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền.

Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) là cộng đồng thân thiện, nơi hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của các nhà xuất bản ở khu vực Đông Nam Á và các đối tác trong ngành. Hội được thành lập vào ngày 25/8/2005 bởi 6 thành viên gồm các nước: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, là nơi hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của các nhà xuất bản ở khu vực Đông Nam Á và các đối tác trong ngành. Hội Xuất bản Việt Nam là thành viên đồng sáng lập ABPA vào năm 2005.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem