Hiệp ước Marrakesh - tăng khả năng tiếp cận tác phẩm cho người khuyết tật

Bạch Dương Thứ ba, ngày 12/09/2023 14:26 PM (GMT+7)
Gia nhập Hiệp ước Marrakesh sẽ giúp ích rất nhiều cho cộng đồng người khuyết tật trong việc tiếp cận tác phẩm với nguồn đa dạng, phong phú hơn.
Bình luận 0
Hiệp ước Marrakesh giải "cơn khát" về sách cho người khiếm thị - Ảnh 1.

Hiệp ước Marakesh tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật khác tiếp cận với sách tốt hơn. Ảnh: P.V

Ngày 12/9, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến nội dung Hiệp ước Marrakesh tại TP.HCM.

Đây là Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật khác không có khả năng đọc chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố mà Việt Nam gia nhập từ ngày 6/12/2022. Hiệp ước quốc tế này nhằm tạo ra môi trường pháp lý với mục đích cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho người khuyết tật - những người không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường - tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ quyền tác giả và lợi ích chung.

Theo thống kê của Hiệp hội Người mù thế giới, chưa đến 1% sách đã xuất bản ở các nước đang phát triển được chuyển đổi sang định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in, gồm người khiếm thị, người khuyết tật về nhận thức, người khó khăn trong việc đọc,…

Tại Việt Nam, tình trạng thiếu sách cũng đang là rào cản với người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị - nhóm yếu thế với hơn 1 triệu người, trong việc tiếp cận về giáo dục, việc làm và phát triển bản thân.

Vì thế, việc triển khai Hiệp ước Marakesh tại Việt Nam sẽ tăng cường khả năng tiếp cận ấn phẩm cho những người không có khả năng đọc chữ in thông qua việc sử dụng các ngoại lệ về bản quyền.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền và tác giả cho biết, việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh và các đơn vị trong nước cùng nhau hợp tác thực hiện sẽ giúp ích rất nhiều cho cộng đồng người khuyết tật trong việc tiếp cận tác phẩm với nguồn đa dạng, phong phú hơn.

"Việc tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như chữ braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ ký hiệu... ngày càng trở nên cần thiết, quan trọng ở Việt Nam, nhằm bảo đảm cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng", bà Phạm Thị Kim Oanh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem