Hiệu trưởng trường tiểu học chi sai gần 1 tỷ: Không có chuyện "rút ruột" tiền ăn của học sinh

Mỹ Quỳnh Thứ hai, ngày 01/08/2022 16:54 PM (GMT+7)
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hanh Thông khẳng định, không có chuyện "rút ruột" tiền ăn bán trú của học sinh.
Bình luận 0

Vừa qua, thông tin Trường Tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp, TP.HCM) bị thanh tra quận Gò Vấp kết luận thực hiện không đúng quy chế chi tiêu nội bộ, quy định về quản lý sử dụng hóa đơn và Luật Kế toán với tổng số tiền hơn 990 triệu đồng.

Hiệu trưởng trường tiểu học chi sai gần 1 tỷ: Không có chuyện "rút ruột" tiền ăn học sinh - Ảnh 1.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hanh Thông khẳng định, không có chuyện "rút ruột" tiền ăn của học sinh. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Trong đó, đáng chú ý là kết luận hiệu trưởng, kế toán, bếp trưởng nhận tiền hàng tháng từ các đơn vị cung cấp thực phẩm, với tổng số tiền hơn 436 triệu đồng, vi phạm quy định tại khoản 2, điều 22 của Luật Phòng chống tham nhũng.

Dư luận bức xúc, đặt ra câu hỏi: Tại sao nhà cung ứng thực phẩm lại "lót tay" một số tiền quá lớn như vậy cho những cá nhân cốt cán trong việc thu – chi hộ bán trú. Liệu số tiền "quà tặng" này có tỷ lệ nghịch với chất lượng bữa ăn của học sinh? Bữa ăn bán trú của học sinh còn lại được gì khi trường và đơn vị cung ứng bắt tay nhau...?

Không có chuyện "rút ruột" tiền ăn học sinh

Ngày 1/8, trao đổi với Dân Việt, thầy Võ Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hanh Thông cho biết, theo kết luận thanh tra, những cá nhân để xảy ra sai sót đều phải chịu trách nhiệm. Đây là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên, ông rất muốn dư luận hiểu rõ hơn về bản chất vấn đề.

Thứ nhất, số tiền hơn 436 triệu đồng được các công ty cung ứng thực phẩm tự nguyện hỗ trợ trong 3 năm (niên độ thanh tra từ năm 2019 - 2020 – 2021) chứ không phải là số tiền 3 cá nhân nhận hằng tháng. Trong 436 triệu này, có 3 cá nhân nhận tiền là bếp trưởng (311,7 triệu), hiệu trưởng (100,4 triệu) và kế toán (24,3 triệu).

Hiệu trưởng trường tiểu học chi sai gần 1 tỷ: Không có chuyện "rút ruột" tiền ăn học sinh - Ảnh 2.

Hai nội dung lớn theo kết luận thanh tra của Trường Tiểu học Hanh Thông. Ảnh chụp màn hình

Ông Thông nhận định, cái sai của ông là nhận tiền hỗ trợ nhưng không thông qua lãnh đạo. Đồng thời, theo luật quy định thì không được chuyển vào tài khoản ngân hàng của trường, nên phải chuyển sang tài khoản cá nhân rồi rút ra để sử dụng trong các hoạt động của trường.

Trong đó, chi hỗ trợ cơm, nước, bồi dưỡng nhân viên y tế, mua nhu yếu phẩm cần thiết trong các đợt chích ngừa Covid-19 cho giáo viên, học sinh, người dân trên địa bàn; hỗ trợ chi phí khi trường làm khu thu dung điều trị F0 của phường; hỗ trợ giáo viên, nhân viên nhà trường trong và sau dịch Covid-19; hỗ trợ nhân viên phun khử khuẩn trường học; tặng tiền, quà cho giáo viên, nhân viên bị F0… Ông Thông hoàn toàn không tư lợi gì cho bản thân từ số tiền này. Dù vậy, đây vẫn là việc vi phạm quy định nên ông Thông nhận khuyết điểm và khắc phục, đền bù theo yêu cầu của Thanh tra.

Thứ hai, đối với những ý kiến dư luận về việc "rút ruột" tiền bữa ăn bán trú của học sinh, ông Thông khẳng định, các vấn đề này hoàn toàn không liên quan đến tiền ăn của học sinh. Theo đó, tiền bữa ăn bán trú của học sinh vẫn được đảm bảo như thỏa thuận giữa phụ huynh và trường. Thực đơn cho học sinh được nhà trường dán công khai ở bảng tin để phụ huynh theo dõi. Đồng thời, trong năm học, nếu phụ huynh có nhu cầu kiểm tra bữa ăn thì hội phụ huynh học sinh sẽ thay mặt để làm việc với trường và báo cáo lại cho tất cả phụ huynh.

Chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan

Theo kết luận thanh tra, trong tổng số tiền không đúng quy chế chi tiêu nội bộ (hơn 990 triệu), bà Nguyễn Thị Minh Hiếu (Hiệu trưởng giai đoạn 2019 đến tháng 8/2020) chịu trách nhiệm với hơn 883 triệu đồng. Bà Hiếu cũng bị Thanh tra xác định phải chịu trách nhiệm đối với vi phạm của kế toán, bếp trưởng việc nhận quà tặng từ đơn vị cung ứng thực phẩm.

Cùng ngày, trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Minh Hiếu cho biết, kết luận thanh tra là không sai và những gì liên quan thì bà sẽ chịu trách nhiệm. Bà cũng không đổ lỗi, không quy trách nhiệm cho người khác.

Tuy nhiên, quá trình xảy ra sự việc (năm 2019) như thanh tra nêu cũng là khoảng thời gian bà phải xử lý rất nhiều công việc tại Trường Tiểu học Hanh Thông. Theo đó, ngoài công tác chuyên môn, bà phải thực hiện việc sửa chữa, sắp xếp lại hết toàn bộ cơ sở vật chất của trường. Sau đó lại tiếp tục đón đoàn kiểm định chất lượng 5 năm… nên công việc thực sự quá tải.

Bà Hiếu thừa nhận, vì quá bận bịu công việc, bản thân có sự chủ quan, không xem lại kỹ càng giấy tờ, hóa đơn, chứng từ… Bên cạnh đó, bà Hiếu cũng rất tin tưởng kế toán nên mới có sự sai sót như thanh tra kết luận. Tuy nhiên, các lỗi sai này đều thuộc về nghiệp vụ kế toán, trường có thực hiện để phục vụ hoạt động chung, chứ hoàn toàn không có việc "rút ruột".

Về vấn đề cấp dưới nhận tiền từ đơn vị cung ứng thực phẩm, bà Hiếu cho biết, trong thời gian làm hiệu trưởng tại trường, bà không hề biết việc bếp trưởng nhận tiền "bồi dưỡng" từ nhà cung ứng. Khi làm việc với thanh tra, bếp trưởng cũng cho biết không báo cáo với hiệu trưởng về vấn đề này.

"Dù phải chịu trách nhiệm khá nhiều vấn đề liên quan như kết luận thanh tra, nhưng tôi vẫn rất cảm kích với việc làm của Đoàn thanh tra. Nhờ việc làm này, tôi mới hiểu ra nhiều vấn đề, có thêm kinh nghiệm để làm việc đúng hơn. Đặc biệt là không được chủ quan, không được tin tưởng để giao hết cho người khác… Bên cạnh đó, tôi cũng được an ủi vì anh em trong trường hiểu, chia sẻ với tôi vì những gì tôi đã làm được cho đơn vị" - bà Hiếu nói.

Theo luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật Sư TP.HCM), điểm đặc trưng cơ bản của hành vi khách quan đối với "Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là người phạm tội dựa vào chức vụ, quyền hạn được cơ quan nhà nước giao để thực hiện làm trái với công vụ được giao.

img

Luật sư Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TP.HCM). Ảnh: NVCC

Người phạm tội vẫn thực hiện công việc của cơ quan nhà nước trong phạm vi thẩm quyền, chức danh được giao nên họ không có vi phạm về mặt phạm vi của thẩm quyền, nhưng người thực hiện có vi phạm về mặt nội dung của thẩm quyền được giao khi giải quyết công việc. Về mặt chủ quan, người thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp và nhận thức rõ hành vi của mình vượt quá phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao, trái công vụ, biết rõ hành vi sẽ gây thiệt hại về tài sản hoặc lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân, nhưng vì vụ lợi cá nhân mà có ý thức mong muốn hậu quả xảy ra. Đồng thời, hành vi của người phạm tội có cấu thành vật chất, có gây hậu quả xảy ra với mức thiệt hại từ 10 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội phải là người từ 16 tuổi trở lên, có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hành vi phạm tội "Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" nếu có mức chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì sẽ đối diện với mức phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng (Điều 356 BLHS 2015).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem