Học sinh TP.HCM sẽ thoát "cửa ải" kiểm tra bài cũ?

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 15/09/2023 15:27 PM (GMT+7)
Lãnh đạo ngành giáo dục tại TP.HCM đề nghị giáo viên không gọi học sinh kiểm tra miệng vào đầu tiết học theo kiểu bất chợt, bởi vì việc này sẽ gây áp lực cho học sinh. Đồng thời, những kiến thức khi hỏi bất chợt cũng không mang lại nhiều giá trị.
Bình luận 0

Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024 của quận 3 (TP.HCM), ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, hiện nay, nhiều giáo viên vẫn còn kiểm tra bài cũ, kiểm tra miệng vào đầu tiết học theo kiểu bất chợt.

Ông Hiếu cho rằng, cách làm này sẽ gây ra nhiều áp lực cho học sinh khi tới trường. Nhiều em học sinh vì lo sợ giáo viên kiểm tra bài cũ nên phải vừa ngồi sau xe ba mẹ, vừa ăn sáng, vừa cầm sách vở để học bài.

Học sinh TP.HCM sẽ thoát "cửa ải" kiểm tra bài cũ? - Ảnh 1.

Lãnh đạo ngành giáo dục tại TP.HCM đề nghị giáo viên không gọi học sinh kiểm tra miệng vào đầu tiết học theo kiểu bất chợt. Ảnh: M.Q.

Lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM cho rằng, thành phố đang hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc cho học sinh - nơi các em đến trường với tinh thần thoải mái, tâm trạng vui vẻ. Để làm được điều này, giáo viên phải thay đổi cách giảng dạy, thay đổi cách kiểm tra kiến thức của học sinh.

"Khi thầy cô hỏi bất chợt, những kiến thức đó sẽ không mang lại giá trị gì cho học sinh mà chỉ làm cho các em căng thẳng trước giờ học. Thay vì như vậy, mở đầu giờ học, thầy cô có thể mời các em hát hoặc áp dụng các phương pháp đa dạng khác, hướng đến quyền lợi học sinh, làm cho các em thích thú khi vào học chứ không căng thẳng", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng, chất lượng giảng dạy còn nằm ở cách thầy cô tạo môi trường cho học sinh tương tác, trực tiếp tham gia vào quá trình dạy của thầy cô, tạo ra các giờ dạy nhẹ nhàng, chất lượng để mỗi sáng thức dậy các em háo hức được đến trường.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, các chỉ đạo chuyên môn của Bộ GDĐT không bắt buộc giáo viên gọi học sinh trả bài trước mỗi tiết học. Tuy nhiên, nhiều thầy cô vẫn áp dụng việc làm này do thói quen dạy học nặng về truyền thụ kiến thức.

Theo ông Quốc, giáo viên không nên thực hiện cách này vì hình thức gọi học sinh ngẫu nhiên lên trả bài vào đầu giờ sẽ khiến học sinh mang tâm lý sợ sệt, nặng nề khi đến lớp. Giáo viên được chủ động trong việc kiểm tra, đánh giá nên có thể áp dụng nhiều cách làm khác để học sinh ôn tập bài cũ mà không nhất thiết phải học thuộc lòng.

Ông Quốc gợi ý, giáo viên có thể thông qua những câu hỏi, bài tập nhỏ để đánh giá được mức độ hiểu bài, ghi nhớ của học sinh. Điều quan trọng nhất là giáo viên phải tạo được không khí lớp học sôi nổi, thoải mái để học sinh tham gia.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem