Hơn 300 y sĩ, bác sĩ nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Bạch Dương Thứ năm, ngày 23/12/2021 14:54 PM (GMT+7)
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) tổ chức ngày 23/12.
Bình luận 0
Hơn 300 y bác sĩ nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Ảnh 1.

Điều dưỡng đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Ảnh: BVCC

Theo TS.BS Lê Cao Phương Duy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trong năm 2020 - 2021, dù dịch bệnh Covid-19 diễn ra, tập thể y bác sĩ của các khoa, phòng bệnh viện vẫn thực hiện nghiên cứu với 7 đề tài nghiên cứu nội khoa, 8 đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực ngoại khoa, và 7 đề tài nghiên cứu của cận lâm sàng và điều dưỡng. 

Trong đại dịch Covid-19, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có hơn 300 nhân viên y tế tuyến đầu bị nhiễm Covid-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân viên bị nhiễm SARS-CoV-2 tại bệnh viện phân bố ở nữ giới cao gấp gần 2,5 lần so với nam giới, dưới 35 tuổi, 50,6% người mắc là điều dưỡng. 

 Đa số người mắc không có bệnh lý nền đi kèm (80,2%) và đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 (96,5%), nguy cơ cao tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm (67,3%). Các nhân viên này khi mắc bệnh mức độ nhẹ (viêm đường hô hấp trên cấp tính) hoặc không có triệu chứng và sớm khỏi bệnh, không ghi nhận trường hợp tử vong. 

BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, thách thức hệ thống y tế nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Đến nay, đại dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp với biến chủng Delta, Omicron rất nguy hiểm. 

 Điều này đã gây ra nhiều quan ngại cho mọi người, bởi lẽ, không chỉ tốc độ lây lan của biến chủng mới SARS-CoV-2 mà còn nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong và tăng khả năng đề kháng với các loại vaccine ngừa Covid-19 đang được sử dụng. Chính vì vậy, thực hành và quản trị lâm sàng cần được tuân thủ. 

Các quy trình chuẩn sẽ giúp tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho chính bản thân nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện cũng như hạn chế thấp nhất số ca nhiễm Covid-19 cho lực lượng nhân viên y tế làm công tác tuyến đầu và chăm sóc, điều trị bệnh nhân. 

 Theo BSCKII Võ Đức Chiến, môi trường an toàn cho chăm sóc sức khỏe luôn đóng một vai trò quan trọng, liên quan tới việc tạo ra môi trường phù hợp để có thể cung cấp dịch vụ an toàn và chất lượng cho bệnh nhân. 

Theo một nghiên cứu vào năm 2020, năm đầu tiên với đại dịch Covid-19 được thực hiện tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tỷ lệ rối loạn trầm cảm là 17,08%. Nhóm có nguy cơ trầm cảm chiếm 44%. Bên cạnh đó, một nghiên cứu quan sát qua đường dây trợ giúp 24/24 với 380 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, có đo lường tâm lý nỗi sợ Covid-19 và đánh giá trầm cảm. 

Kết quả, mức độ sợ hãi với Covid-19 đạt ở ngưỡng tối đa đối với nhóm bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 bị trầm cảm trung bình. Đặc biệt, trong giai đoạn đó, nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường rất có thể do sợ Covid-19 đã không đến bệnh viện tái khám và thăm khám các chuyên khoa liên quan. 

Hơn 300 y bác sĩ nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Ảnh 3.

Chăm sóc bệnh nhân hậu Covid-19. Ảnh: BVCC

Sự thắc thỏm bất an của những người bệnh mạn tính dường như càng tăng lên gấp nhiều lần trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Cụ thể, khoảng 10-15% người trưởng thành trong dân số chung có ít nhất 1 cơn trầm cảm nặng trong giai đoạn nào đó của cuộc sống. Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Ước tính, người bệnh đái tháo đường bị rối loạn trầm cảm gấp 2 lần dân số chung. 

Theo TS Ngô Tích Linh, trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường làm tăng nguy cơ tử vong gấp 1,5 lần so với bệnh nhân chỉ bị đái tháo đường. Trầm cảm xuất hiện ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ dẫn đến kết cục bất lợi bao gồm giảm chất lượng cuộc sống và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem