Khó xử lý 34 lao động Quảng Bình bỏ trốn khi đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc?

Thùy Anh Thứ hai, ngày 19/09/2022 15:51 PM (GMT+7)
34/41 lao động tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc bỏ trốn. Cơ quan chức năng đang tìm hướng xử lý nhằm đưa lao động về nước, nhưng các biện pháp đều gặp khó.
Bình luận 0

Kêu gọi lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc về nước?

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, sáng ngày 19/9, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết cục đã nắm được thông tin về việc 34 lao động của tỉnh Quảng Bình đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc bỏ trốn. Cục đang làm việc với Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình, đề nghị Sở báo cáo cụ thể sự việc, đồng thời có biện pháp làm việc với gia đình, liên lạc với các lao động để xử lý.

Trước mắt vẫn là tiếp cận thuyết phục để lao động tự nguyện về nước. Trong trường hợp lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc bỏ trốn, làm lao động bất hợp pháp nếu bị cơ quan chức năng bắt giữ thì sẽ bị trục xuất, xử lý phạt hành chính và cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc.

"Chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan luật pháp của cả hai bên vào cuộc xử lý nếu có các sai phạm trong quản lý, tổ chức cho lao động bỏ trốn. Hướng sẽ xử lý theo luật pháp quy định", ông Liêm nói.

đi làm việc thời vụ ở Hàn QUốc

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) chia sẻ về vấn đề xử lý lao động bỏ trốn khi đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc. Ảnh: T.N

Trước đó, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình cho biết có hàng loạt lao động là người Quảng Bình sang TP Yeongju (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) lao động thời vụ hết hợp đồng vào ngày 15/9 nhưng đã bỏ trốn ra ngoài làm lao động bất hợp pháp.

Từ đầu năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã đưa được 41 người lao động (đợt 1) sang làm việc tại TP Yeongju. Sau đó, chính quyền TP Yeongju tiếp tục gửi văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ tuyển dụng đợt 2 với số lượng 60 lao động. Vì vậy Sở LĐTBXH tỉnh đã phối hợp các địa phương tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn 55 lao động đi làm việc thời vụ nông nghiệp tại Hàn Quốc đợt 2, dự kiến nhập cảnh vào nước này ngày 6/9.

Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra khi có tới 34/41 lao động đi TP Yeongju đợt 1 đã bỏ trốn. Vì thế, chính quyền Yeongju gửi thông báo cho Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình không thể làm các thủ tục nhập cảnh cho người lao động đợt 2. Điều này đồng nghĩa với việc số lao động đợt 2 sẽ phải ở nhà, gây thiệt hại nặng nề về kinh phí và tâm lý cho số người lao động này. Đồng thời, điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của lao động Việt nói chung khi tham gia các chương trình xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và chương trình xuất khẩu lao động khác.

Người lao động đi làm việc thời vụ tại Quảng Bình được tỉnh Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ một số khoản kinh phí vào khoảng 9 triệu đồng/người. Khoản tiền này được chi cho các hoạt động như: Học ngoại ngữ, học nghề, giáo dục định hướng và một số khoản kinh phí khác; ưu tiên giới thiệu việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình khác, phù hợp nếu người lao động có nhu cầu...

Thực tế, việc lao động đi làm việc tại Hàn Quốc diễn ra thường xuyên, không phải bây giờ mới có, thế nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn không tìm được hướng xử lý.

Cần xử lý hình sự với những người bỏ trốn làm lao động bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài?

Liên quan tới hướng xử lý với vụ việc 31 lao động bỏ trốn khi đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc, trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Đinh Thị Ngọc Lan - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh đã có báo cáo với cơ quan chức năng có liên quan. Đồng thời, tỉnh cũng đang đưa nhiều giải pháp để xử lý, kêu gọi, bắt giữ đưa lao động này về nước.

"Tính đến tháng 6/2022 cả nước có 40.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có 14.000 lao động đang làm việc bất hợp pháp (chiếm khoảng 35%). 10.000/14.000 lao động bất hợp pháp đi theo chương trình EPS".

Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH

Bà Lan cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc bỏ trốn. Theo đó, nguyên nhân đầu tiên là do phía Hàn Quốc quản lý lao động không chặt chẽ. Ví dụ như: Đài Loan; hay Nhật Bản... việc quản lý lao động rất chặt, vì thế tỷ lệ lao động bỏ trốn rất thấp. Lao động bỏ trốn bị phát hiện ngay, và sau đó sẽ bị trục xuất luôn về nước.

"Bản thân các chủ sử dụng của phía Hàn Quốc vẫn dung túng, muốn tuyển lao động bất hợp pháp để tiết kiệm chi phí tuyển dụng, tiện lợi", bà Lan nói.

Ngoài ra, nguyên nhân chính khiến lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc bỏ trốn chính là do sự chênh lệch thu nhập tại Hàn Quốc và Việt Nam. Mức chênh lệch hàng chục lần khiến lao động bỏ qua tất cả để bỏ trốn.

"Ý thức của lao động rất kém, họ trốn để được ở lại làm việc lâu hơn bởi vì ở Hàn Quốc mỗi tháng lao động có thể kiếm được 50-60 triệu đồng tiền lương", bà Lan nói thêm.

lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc

Lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc chủ yếu trong ngành nông nghiệp. Ảnh: N.N

Theo bà Lan, lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS và chương trình khác phải ký quỹ 100 triệu, nhưng lao động đi làm việc thời vụ chỉ phải ký quỹ 36 triệu đồng/1 người vì thời gian đi làm thấp, chỉ 3 tháng. Mức này là rất thấp, nhưng điều này đã được bàn bạc thống nhất với các bên khi thực hiện chương trình thí điểm, đưa lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc.

Bà Lan cho rằng thực tế mức ký quỹ bao nhiêu cũng không quan trọng lắm, bởi vì nếu đã có ý định bỏ trốn thì lao động vẫn sẽ bỏ trốn. Lao động chỉ cần ở lại làm việc 1-2 tháng là thừa tiền bù lại khoản tiền ký quỹ, hay đóng tiền phạt.

"Ngay từ đầu Sở cũng dự báo được các nguy cơ lao động bỏ trốn nên Sở cũng đã cố gắng làm chặt khâu tuyển chọn, tuyên truyền nâng cao ý thức cho lao động. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để hỗ trợ lao động và tin tưởng lao động sẽ làm tốt thế nhưng thực tế lao động vẫn bỏ trốn", bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho biết, phía Hàn Quốc đã thông tin nếu lao động thực hiện tốt, thì cơ hội lao động này quay lại làm việc thời vụ Hàn Quốc là rất triển vọng. Thế nhưng, nếu bỏ trốn thì không chỉ có lao động đó mà cả lao động đang chuẩn bị xuất cảnh đợt 2 cũng không còn cơ hội quay lại Hàn Quốc làm việc.

"Chúng tôi đã gửi văn bản cho phía bạn đề nghị hỗ trợ bắt giữ, trục xuất lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc bỏ trốn, tuy nhiên phía bạn nói không thể xử lý. Phía bạn cũng yêu cầu chúng ta cử người sang cùng phối hợp bắt giữ đưa lao động về nước nhưng việc này là rất khó", bà Lan nói.

Hiện tại địa phương cũng tiến hành làm việc với các gia đình để yêu cầu các gia đình phối hợp tuyên truyền, kêu gọi con em về đồng thời tìm thông tin, dữ liệu nơi cư trú của lao động. Tuy nhiên, phía gia đình không hợp tác, không cung cấp thông tin.

"Chế tài xử phạt hành chính không khả thi ngay cả với các lao động đi làm việc dài hạn, không riêng gì lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc. Theo tôi cần hình sự hóa tội phá vỡ hợp đồng lao động, làm ảnh hưởng tới hình ảnh, thể diện quốc gia. Có vậy mới mong giảm thiểu ngăn chặn tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn", bà Lan đề xuất.

Bà Lan cũng kiến nghị thêm, có thể áp dụng cấm xuất cảnh với gia đình của người bỏ trốn hoặc phạt tù treo, phạt cải tạo giam giữ với lao động bỏ trốn nếu bị bắt giữ đưa về nước.

Số liệu từ Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 -3.500 lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Các thị trường chính là: Hàn Quốc; Đài Loan; Nhật Bản; Đông Âu... trong đó, lao động đi làm việc ở Hàn Quốc chiếm 1/3 trong tổng số lao động đi xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem