Huyện Củ Chi đang làm gì để giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bò sữa?

Quang Sung Thứ ba, ngày 27/06/2023 16:43 PM (GMT+7)
Củ Chi khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa theo phương thức trang trại, công nghiệp, để tạo thuận lợi đưa tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, nhằm giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận. Đặc biệt giảm ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn năng lượng từ chất thải.
Bình luận 0

Huyện Củ Chi - TP.HCM đang thực hiện chương trình phát triển bền vững đàn bò trên địa bàn. Đây là chương trình mục tiêu của toàn huyện, trong đó chú trọng giảm tổng đàn bò, nâng cao năng suất và đặc biệt đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

Ông Lê Đình Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết mục tiêu của huyện là phát triển hoạt động chăn nuôi bò sữa trên địa bàn theo hướng trang trại, công nghiệp, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. 

Hiện nay, UBND huyện đang phối hợp với Sở NNPTNT TP.HCM xác định khu vực bố trí cơ sở chăn nuôi bò sữa tập trung đến xã, và điều tra, xây dựng lộ trình ổn định, cũng như di dời đối với các cơ sở chăn nuôi bò sữa tập trung đến khu vực chăn nuôi tập trung.

Huyện Củ Chi: Nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi - Ảnh 1.

Nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại huyện Củ Chi được triển khai. Ảnh: Quang Sung

Huyện cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa theo phương thức trang trại, công nghiệp, để tạo thuận lợi đưa tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, nhằm giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận. Đặc biệt giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn năng lượng từ chất thải.

Hiện chính quyền đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng trong chăn nuôi. Điển hình như xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas (công trình khí sinh học).

Theo ông Đức, hướng dẫn người chăn nuôi xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Qua đó, tận dụng nguồn khí sinh học thay thế chất đốt, hoặc có thể được sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại. Sử dụng phân tử phụ phẩm khí sinh học thay thế phân bón hóa học.

Huyện Củ Chi: Nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi - Ảnh 2.

Chăn nuôi bò sữa là lĩnh vực ảnh hưởng nhiều đến môi trường nếu không được xử lý tốt. Ảnh: Quang Sung

Tuy nhiên, người chăn nuôi cần chú ý đến quy mô, diện tích trang trại, để quyết định lựa chọn công nghệ hầm xây hoặc hầm nhựa hoặc hồ phủ bạt HDPE cho phù hợp. Hiện nay nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, nên việc đầu tư làm hầm biogas chưa thật sự phù hợp và đem lại hiệu quả.

Xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học cũng là phương pháp đang được huyện Củ Chi thực hiện, nhằm vận động, khuyến khích người chăn nuôi sử dụng men vi sinh để xử lý ô nhiễm môi trường. 

Men vi sinh được sử dụng để trộn vào thức ăn, nước uống làm tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn, giảm mùi hôi thối trong phân và nước tiểu. Hoặc sử dụng các loại được dùng để phun, rắc vào nền chuồng hoặc nước thái để giảm ô nhiễm môi trường.

Phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng ủ phân hữu cơ (compost) cũng được ngành chăn nuôi Củ Chi khuyến khích. Nguyên liệu ủ phân gồm phế phụ phẩm trồng trọt, phân động vật để làm phân bón cho cho cây trồng. Phân sau khi ủ háo khí trở lên tơi xốp và không có mùi hôi thối; các loại vi sinh vật có gây bệnh bị tiêu diệt bởi nhiệt độ đồng ủ.

Huyện Củ Chi: Nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi - Ảnh 4.

Người dân thu mua phân bò về phơi để bán làm phân bón. Ảnh: Quang Sung

Ngoài ra chất thải trong chăn nuôi còn được xử lý bằng công nghệ ép tách phân. Đây là công nghệ xử lý phân hiện đại dựa trên nguyên tắc “lưới lọc”. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc, thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý, còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc cho xuống bể khí sinh học để xử lý tiếp. 

Độ ẩm của phân khô có thể được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng. Tuy nhiên phương pháp này vẫn còn rào cản về công nghệ, chưa được áp dụng đại trà trên địa bàn huyện.

Huyện Củ Chi: Nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi - Ảnh 5.

Hầm chứa phế phẩm chăn nuôi được dùng để tưới cỏ, tại một hộ chăn nuôi bò sữa ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Ảnh: Quang Sung

Nhiều giải pháp về giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đang được huyện Củ Chi đưa ra. Tuy nhiên để áp dụng được trong các hộ chăn nuôi vẫn còn khó khăn. Bởi phần lớn người dân chăn nuôi quy mô hộ gia đình, nên việc áp dụng các quy trình còn hạn chế. 

Đồng thời, người dân đã quen với lối chăn nuôi truyền thống, khó tiếp cận những quy trình mới. Việc chăn nuôi lại không còn đem lại lợi nhuận cao như trước cũng là lý do khiến các hộ chăn nuôi ngại đầu tư những quy trình nêu trên.

Để đạt được kết quả tốt trong việc cải thiện môi trường trong chăn nuôi tại huyện Củ Chi, cần có sự chung tay của các hộ chăn nuôi. Hiện nay, huyện Củ Chi đang khuyến khích những hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ chuyển sang ngành nghề khác. Khuyến khích các hộ chăn nuôi đưa đàn bò ra vùng ven, nơi có tốc độ đô thị hóa chậm để đảm bảo về nguồn thức ăn và môi trường dân cư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem