Huyện nghèo trở mình ngoạn mục nhờ chương trình này

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 21/11/2021 09:12 AM (GMT+7)
Là một huyện nghèo, có xuất phát điểm làm nông thôn mới thấp, thế nhưng với sự quyết tâm cả hệ thống chính trị và người dân, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã "trở mình ngoạn mục".
Bình luận 0

Huyện nghèo lột xác nhờ nông thôn mới - Ảnh 1.

Nhân công đang chăm sóc vườn mai của ông Nguyễn Văn Hoàn (xã Bình Chánh, Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng

Triển khai đồng bộ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Theo UBND huyện Bình Chánh, hiện hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Huyện Bình Chánh đã đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Cấp xã, có 14/14 xã thực hiện đạt 19/19 tiêu chí, 14 xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2016 - 2020.

Đạt được kết quả trên là nhờ hơn 10 năm qua, hệ thống chính trị huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển sản xuất trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ. 

Đặc biệt, huyện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, công nghệ cao, hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác), hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng tăng dần tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Năm 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp 2,4%; công nghiệp - xây dựng 79,9% và thương mại - dịch vụ 17,7%.


Huyện nghèo "trở mình ngoạn mục" nhờ chương trình này - Ảnh 3.

Trường THCS Phong Phú (huyện Bình Chánh) đạt chuẩn quốc gia. Tiêu chí giáo dục trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của Bình Chánh qua các năm đều đạt 100%. Ảnh: Đức Hạnh

 Nhân rộng các mô hình

Huyện cũng tập trung nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân, như: Mô hình hoa mai vàng, bưởi da xanh, trồng rau an toàn, hoa lan, nuôi cá cảnh, trồng rau thủy canh...

Ông Nguyễn Văn Hoàn - Chủ trại hoa lan tại xã Bình Chánh chia sẻ, từ khi có chương trình NTM, đường sá trên địa bàn được đầu tư khang trang, trường học được xây mới đảm bảo nhu cầu học tập của trẻ em địa phương. Đời sống của người dân được cải thiện trông thấy. 

Hiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của huyện Bình Chánh đạt 69,5 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 4 lần so với lúc khởi điểm xây dựng đề án NTM năm 2010. Trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm.


Huyện nghèo "trở mình ngoạn mục" nhờ chương trình này - Ảnh 4.

Sản xuất dưa lưới công nghệ cao ở huyện Bình Chánh.

UBND huyện Bình Chánh cho biết, trong giai đoạn 2021 -2025, huyện sẽ triển khai thực hiện lồng ghép chương trình nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM với chương trình giảm nghèo bền vững. 

Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giúp các hộ nghèo ổn định đời sống. Triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phát triển các ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động… 

Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu năm 2020 của huyện Bình Chánh đạt hơn 67,236 tỷ đồng. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 1.144 tỷ đồng; ngành công nghiệp - xây dựng đạt hơn 54.897 tỷ đồng; ngành dịch vụ đạt hơn 11.194 tỷ đồng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem