Kenneth Schmidt: Hậu vệ Việt kiều 1m87, đá 10 trận ở Bundesliga và có giá 3 triệu euro

Đông Hưng Thứ năm, ngày 09/05/2024 15:10 PM (GMT+7)
Kenneth Schmidt đang chơi bóng tại Bundesliga trong màu áo CLB Freiburg và từng khoác áo U21 Đức. Anh được chuyên trang chuyển nhượng transfermarkt định giá khoảng 3 triệu euro. Có một chi tiết thú vị, Kenneth Schmidt có gốc gác Việt Nam...
Bình luận 0

Kenneth Schmidt có gì đặc biệt?

Thành công của bóng đá Indonesia thời gian qua, ở cả cấp độ U23 lẫn ĐTQG, đã khiến không ít NHM Việt Nam cho rằng, VFF nên học tập theo xứ vạn đảo, nâng cao sức mạnh cho các cấp độ đội tuyển bằng cách triệt để tận dụng các cầu thủ có gốc gác Việt Nam được đào tạo và đang thi đấu ở nước ngoài. 

Rất nhanh chóng, hàng loạt cái tên có gốc gác Việt Nam đã được tiến cử cho VFF, trong đó có Kenneth Schmidt - hậu vệ đang chơi bóng tại Bundesliga trong màu áo CLB Freiburg và từng khoác áo U21 Đức. 

Kenneth Schmidt: Hậu vệ Việt kiều 1m87, đá 10 trận ở Bundesliga và có giá 3 triệu euro- Ảnh 1.

Kenneth Schmidt trong màu áo Freiburg. Ảnh: Freiburg.

Kenneth Schmidt, hay có tên đầy đủ là Tan-Kenneth Jerico Leka-Schmidt, sinh ngày 3/6/2002, có bố là người Đức, mẹ là con lai Madagascar - Việt Nam. Hậu vệ 22 tuổi này sở hữu chiều cao 1m87 và có khả năng thi đấu ở cả vị trí trung vệ lẫn hậu vệ trái, nhờ vào việc thuận chân trái.

Sinh ra tại Freiburg, Kenneth Schmidt là sản phẩm trưởng thành từ hệ thống đào tạo trẻ của chính CLB đang xếp hạng 7 nước Đức. Trung vệ này được đôn lên biên chế đội 1 Freiburg kể từ nửa sau mùa giải 2022/2023 và tính đến nay đã sở hữu 10 lần vào sân tại Bundesliga, 2 tại UEFA Europa League và 1 tại DFB Pokal - Cúp Quốc gia Đức. Đáng tiếc cho Kenneth Schmidt là từ đầu tháng 12 năm ngoái, hậu vệ này đã dính chấn thương cơ ở vùng bụng và phải nghỉ thi đấu dài hạn từ đó.

Ở cấp độ ĐTQG, Kenneth Schmidt đã khoác áo đội tuyển Đức liên tục ở các cấp độ từ U18 tới U21 với 19 trận đấu bao gồm cả chính thức và giao hữu. Đặc biệt tại cấp độ trẻ cao nhất là U21, cầu thủ này đã có 2 lần vào sân trong khuôn khổ Vòng loại U21 Châu Âu, vốn được coi như một giải đấu chính thức vào hồi tháng 9 và 10/2023 gặp Kosovo và Bulgaria.

Nếu Kenneth Schmidt có thể khoác áo ĐT Việt Nam trong tương lai gần, chắc chắn sức mạnh của "Những chiến binh sao vàng" sẽ tăng lên đáng kể. Tuy vậy, đây là điều không dễ khi Kenneth Schmidt vốn không có nhiều liên hệ với Việt Nam, không nói được tiếng Việt và lại đang có một tương lai rộng mở trong làng bóng đá Đức...

Kenneth Schmidt: Hậu vệ Việt kiều 1m87, đá 10 trận ở Bundesliga và có giá 3 triệu euro- Ảnh 2.

ĐT Việt Nam. Ảnh: VFF.

Bóng đá Việt Nam có nên đi theo Indonesia không? 

Thực tế, việc trong danh sách ĐTQG có cầu thủ nhập tịch là rất bình thường trên thế giới. Đội bóng nào cũng muốn tăng cường sức mạnh của mình, kể cả với những đội bóng hàng đầu châu Âu. Bảo thủ như nước Đức, họ cũng vẫn không giấu giếm mong muốn nhập tịch cho cầu thủ 19 tuổi Mathys Tel, đang thi đấu như 1 siêu dự bị ở Bayern Munich. LĐBĐ Đức rất muốn nhập tịch cầu thủ này. HLV Rudi Voller nói: "Chúng ta ai cũng biết Đức đang thiếu những tiền đạo hàng đầu. Chúng tôi chắc chắn sẽ cố gắng nhập tịch cho Tel càng sớm càng tốt. Tất nhiên việc khoác áo ĐT Đức hay ĐT Pháp là quyết định của cậu ấy và gia đình. Sự thực là nguồn gốc của cậu ấy là rất Pháp".

ĐT bóng đá Việt Nam cũng đã có cầu thủ nhập tịch như thủ môn Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Philip. Nhưng sức mạnh của đội bóng dựa hẳn vào các cầu thủ nhập tịch như Indonesia lại là câu chuyện khác. Chiến lược nhập tịch ồ ạt mang lại thành tích tức thì cho bóng đá Indonesia. Nó làm thỏa mãn cơn khát thành tích kéo dài của bóng đá và NHM nước này. Ngoài ra, rõ ràng nó giúp cho các cầu thủ trẻ nội Indonesia có mặt trong đội tuyển thi đấu tự tin hơn, học tập được nhiều điều từ các cầu thủ nhập tịch, vốn được đào tạo từ những nền bóng đá tiên tiến hơn, được thi đấu ở những giải đấu lớn ở châu Âu.

Đây sẽ là cú hích tinh thần quan trọng cho quá trình phát triển bóng đá ở quốc gia này. Thành tích này giúp bóng đá có sức hút mạnh mẽ hơn cả về mối quan tâm của xã hội cũng như thu hút thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển bóng đá. Nhưng nếu chiến lược này tiếp tục được thực hiện như bây giờ, chỉ 2 năm sau, U23 Indonesia sẽ cần thêm 1 lứa cầu thủ nhập tịch mới, vì đơn giản là nền bóng đá nước này không thể sản sinh ra lứa cầu thủ đủ hay để duy trì thành tích mà các cầu thủ nhập tịch như Struick, Ivar Jenner, Nathan Tjoe-A-On hay Hubner mang lại. Nhiều ý kiến trong và ngoài Indonesia cho rằng, chính sách nhập tịch như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến việc tìm kiếm và phát triển các tài năng bóng đá nội địa...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem