Khóa Facebook, nam sinh Việt trở thành sinh viên xuất sắc nhất của trường đại học danh tiếng toàn thế giới

Tào Nga Thứ hai, ngày 22/05/2023 12:28 PM (GMT+7)
TS Trung cho biết, gần như khóa tài khoản Facebook trong phần lớn thời gian học ở New Zealand và chỉ dùng Zalo để liên lạc với gia đình bạn bè. Đổi lại, anh đạt được nhiều thành tích ấn tượng.
Bình luận 0

Sinh viên xuất sắc nhất trường Kinh doanh của Đại học Otago

Nhận học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ Đại học Otago; sinh viên xuất sắc nhất trường Kinh doanh của Đại học Otago năm 2021; một trong 2 sinh viên nhận giải thưởng nghiên cứu sau đại học của Hiệp hội các nhà Kinh tế học New Zealand năm 2021; giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc trường Kinh doanh, Đại học Otago 2022 và công bố 9 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín theo xếp hạng ABDC (A/A*) hoặc CABS (3/4)... là những thành tích xuất sắc của TS Vũ Văn Trung, sinh năm 1993, khi theo học tiến sĩ Kinh tế học tại khoa Kinh tế học, Đại học Otago, New Zealand.

TS Trung chia sẻ mình được cấp học bổng tại một số trường đại học của New Zealand và Australia. Tuy nhiên, anh quyết định chọn Đại học Otago vì là trường đại học đầu tiên và lâu đời nhất ở New Zealand, nằm trong top 1% trường đại học tốt nhất thế giới. Trước khi học tập tại đây, anh là cử nhân Kinh tế học quốc tế tại trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thạc sĩ Kinh tế học tại trường Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản.

Khóa Facebook, nam sinh trở thành sinh viên xuất sắc nhất trường top 1 đại học tốt nhất thế giới - Ảnh 1.

TS Vũ Văn Trung khi theo học Kinh tế học tại Đại học Otago, New Zealand. Ảnh: NVCC

Được biết, anh đã hoàn thành bằng tiến sĩ chỉ trong gần 3 năm do trường chỉ tài trợ học bổng trong vòng 36 tháng nên phần lớn sinh viên tại khoa đều phải cố gắng hoàn thành khi hết học bổng. Vì vậy, điều TS Trung luôn tự hào trong quá trình học tiến sĩ là rất tập trung và chăm chỉ. Anh gần như khóa tài khoản Facebook trong phần lớn thời gian đây và chỉ dùng Zalo để liên lạc với gia đình bạn bè. Đổi lại, anh đạt được nhiều thành tích ấn tượng với rất nhiều bài nghiên cứu được đăng tại các tạp chí lớn.

Lĩnh vực TS Trung tập trung đào sâu vào nghiên cứu là về nguồn gốc căn nguyên của tăng trưởng và phát triển. Anh cũng có nhiều kỷ niệm khi theo học tại đất nước này.

"Mình vẫn nhớ lúc mình bế tắc nhất khi nghiên cứu thì đã cùng thầy hướng dẫn dành cả buổi chiều ngồi thảo luận về một nghiên cứu đăng tải trên một tạp chí đầu ngành. Qua đó mình học được những điểm mạnh và điểm yếu của các nghiên cứu đi trước giúp mình có khả năng tìm ra các ý tưởng nghiên cứu mới một cách độc lập.

Mình vẫn nhớ lần đầu tiên được mời phản biện một bài báo nộp vào một tạp chí kinh tế học. Mình dành rất nhiều thời gian đọc và cố gắng đưa ra nhiều phản biện mang tính xây dựng nhất (khoảng 10 trang) giúp phát triển bài báo đó", TS Trung kể lại.

Khóa Facebook, nam sinh trở thành sinh viên xuất sắc nhất trường top 1 đại học tốt nhất thế giới - Ảnh 2.

TS Trung là sinh viên xuất sắc nhất trường Kinh doanh của Đại học Otago năm 2021. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ có phải là một hành trình cô đơn?

Trước quan điểm cho rằng "tiến sĩ là một hành trình cô đơn", TS Trung cho biết: "Mình thấy quan điểm này vừa đúng và vừa không đúng. Theo hiểu biết của mình, mục tiêu đào tạo tiến sĩ là cung cấp cho xã hội những người có khả năng nghiên cứu độc lập (ngay cả khi có hợp tác nghiên cứu thì khả năng độc lập tư duy, tìm ý tưởng, thiết kế và thực hiện nghiên cứu cũng rất quan trọng). Như vậy thì quá trình học tiến sĩ là chúng ta đang đi học cách nghiên cứu độc lập dưới sự hướng dẫn của giảng viên thì đâu có cô đơn như sau khi chúng ta tốt nghiệp làm việc độc lập.

Mình cũng có cơ hội được trao đổi, nói chuyện với thầy hướng dẫn chính hàng ngày. Mình không cảm thấy cô đơn khi lần đầu tiên bị một tạp chí khoa học từ chối bài báo và lần đầu tiên thất bại khi phỏng vấn xin việc tại nước Anh... Thầy hướng dẫn chính của mình trả lời email của mình lúc 10h tối động viên mình rất nhiều. Tất nhiên mình nghĩ trong quá trình học tiến sĩ, chúng ta nên "cô đơn" một chút để học được cách tư duy và làm nghiên cứu độc lập, nhưng vẫn cần giao tiếp thường xuyên với giảng viên hướng dẫn để tránh lạc đường và học hỏi được kinh nghiệm của những người đi trước".

Không chỉ tập trung, chăm chỉ, học tập, TS Trung còn năng nổ tham gia nhiều công việc để thu được kinh nghiệm cho mình. Anh xin làm trợ giảng một số môn học về Kinh tế học vi mô, vĩ mô, kinh tế quốc tế và thống kê ở trường. Điều này giúp anh có được một số kinh nghiệm giảng dạy cần thiết. Ngoài ra anh còn làm thêm một công việc là đi coi thi.

"Nhìn chung ở các nước phát triển thì giảng viên không có nghĩa vụ phải đi trông thi nên hàng năm trường mình đều tuyển các công việc part-time này mỗi mùa thi. Đây phải nói là công việc tẻ nhạt nhất trong cuộc đời mình nhưng bù lại mình được trả tiền để ngồi đó cảm thấy buồn chán trong mấy tiếng đồng hồ. Có lẽ công việc này giúp mình rèn luyện tính kiên nhẫn rất nhiều. Ngoài ra thấy được sinh viên trong phòng thi căng thẳng cũng giúp mình cảm thấy luôn có trách nhiệm giúp đỡ sinh viên nhiệt tình để các bạn có sự chuẩn bị tốt nhất về cả tâm lý và kiến thức trước khi đi thi", TS Trung chia sẻ.

Tư vấn về việc xin học bổng, TS Trung cho hay: "Đại học Otago cung cấp rất nhiều học bổng như học bổng Vice-Chancellor International Scholarships (học bổng Hiệu trưởng dành cho sinh viên Quốc tế) năm 2024 với số lượng không giới hạn cho các chương trình cử nhân, thạc sĩ ứng dụng và các chương trình sau đại học theo hình thức tín chỉ. Học bổng chi trả toàn bộ học phí và cấp sinh hoạt nên sinh viên hoàn toàn có thể tập trung vào học tập và nghiên cứu trong suốt quá trình học".

Khóa Facebook, nam sinh trở thành sinh viên xuất sắc nhất trường top 1 đại học tốt nhất thế giới - Ảnh 3.

"Thứ mình thấy quý giá nhất là gặp tình đồng hương ấm áp chia sẻ lúc khó khăn nhất", TS Trung chia sẻ.

Ngoài thời thời gian học, tiến sĩ Kinh tế học Vũ Văn Trung cũng dành thời gian du lịch một số địa điểm nổi tiếng ở New Zealand khi rảnh rỗi. May mắn trong 3 năm sống ở đây, anh gặp được rất nhiều người tốt giúp đỡ chia sẻ trong công việc và cuộc sống.

"Mình vẫn nhớ một lần khi cả nước phong tỏa chống dịch Covid-19, hai vợ chồng anh chị người quen lái xe qua và đem cho mình một bát chè trôi nước. Đó là bát chè mà mình thấy ngon và nhớ nhất trong cuộc đời vì đi xa quê, xa gia đình, thứ mình thấy quý giá nhất là gặp tình đồng hương ấm áp chia sẻ lúc khó khăn nhất", anh nhớ lại.

Hiện tại, TS Trung là giảng viên dạy các môn học Kinh tế học quốc tế tại khoa Kinh tế học thuộc trường Kinh doanh, Đại học Loughborough, Vương quốc Anh. Ngoài ra, phần lớn thời gian của anh được dành cho nghiên cứu các vấn đề kinh tế học ứng dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem