Khung hình phạt tội lừa đảo, tráo biển số xe cũ sang xe mới, xe đắt tiền

Phi Long Thứ sáu, ngày 05/04/2024 06:25 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về tội danh này.
Bình luận 0

Gần đây Công an Quận 12 cảnh báo đến người dân nâng cao cảnh giác về hành vi tráo biển số xe cũ sang xe mới, đắt tiền tại các bãi giữ xe công cộng. Lực lượng công an đã truy xét, bắt giữ được nhiều đối tượng, đồng thời tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

Khung hình phạt tội lừa đảo, tráo biển số xe cũ sang xe mới, xe đắt tiền- Ảnh 1.

Đối tượng Trịnh Hoài Trung. Ảnh: CA

Tuy nhiên, gần đây, lợi dụng sơ hở, một số đối tượng lại tiếp tục sử dụng thủ đoạn này để tráo biển số xe cũ qua xe đắt tiền để chiếm đoạt. Đây là những thủ đoạn không mới nhưng hiện nay nó đã tinh vi manh động, liều lĩnh, mang tính tổ chức và khó nhận diện hơn.

Cụ thể, Ngày 2/4, Công an quận 12, TP.HCM bắt Trịnh Hoài Trung (36 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn), Vũ Tô Hiệu (45 tuổi, ngụ quận Bình Tân), Võ Thị Nhỡ (51 tuổi, ngụ tỉnh Long An); Nguyễn Văn Hồ (36 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) cùng bốn người khác để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đây là băng nhóm chuyên dùng xe máy cũ, giá rẻ rồi đến trường học, bệnh viện, chung cư… để tráo biển số qua xe đắt tiền để chiếm đoạt vừa bị Công an quận 12 triệt phá.

Trung khai, năm 2021 trên địa bàn quận 12, băng nhóm đã thực hiện một vụ tráo đổi ba xe máy tại phường Thạnh Lộc; một vụ tráo đổi ba xe tại phường Tân Thới Nhất; một vụ tráo đổi một xe tại phường Trung Mỹ Tây.

Từ đầu năm 2024 đến nay, với thủ đoạn này, cả nhóm đã thực hiện tráo tổng cộng tám xe máy tại địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn và quận Gò Vấp.

Sau khi tráo biển số và xe có giá trị, nhóm này sử dụng thẻ từ lừa bảo vệ để đưa xe đi. Tang vật sau đó được bán cho các đối tượng tiêu thụ vận chuyển sang Campuchia tẩu tán.

Khung hình phạt Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, trường hợp của băng lừa đảo tráo biển số xe cũ sang xe mới, đắt tiền mới bị Công an Quận 12 triệt phá vừa qua, hành vi tráo biển số để lấy cắp xe máy là vi phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị xử phạt theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm: Cướp tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; Cướp giật tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Trộm cắp tài sản; Lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản; Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung 2: Phạt tù từ 02 - 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; cái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Khung 3: Phạt tù từ 07 - 15 năm khi phạm tội thuộc 01 trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01- 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu ý: Nếu xảy ra thiệt hại, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải đền bù cho nạn nhân theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Như vậy, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.

Hành vi trên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, và mức nặng nhất có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Các khung hình phạt đối với Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Ngoài ra, những người khác bị Công an khởi tố tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:

Khung 1: Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm: tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mức phạt hành chính của hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Trường hợp qua quá trình điều tra xác minh, Cơ quan điều tra phát hiện thêm các đối tượng khác mà có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì:

Người có hành vi mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Người nào nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Nếu người có hành vi vi phạm trên là người nước ngoài thì sẽ bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (Điểm đ, Khoản 6, Điều 12 và Điểm b, khoản 3, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ tài sản đó (Điểm a khoản 7 Điều 12 và Điểm a khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Đối với hành vi nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem