Khuyến khích sinh đủ 2 con: Nơi khổ đông con, chỗ sướng lười đẻ

Diệu Linh Thứ hai, ngày 21/12/2020 19:06 PM (GMT+7)
Khuyến khích thanh niên lập gia đình trước 30 tuổi, sinh đủ 2 con là những điều dư luận chú ý về “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" mà Thủ tướng vừa ký Quyết định phê duyệt. Hiện nay, trong khi vùng núi khó khăn nhưng đẻ nhiều thì ở các thành phố lớn, thanh niên lại lười sinh con.
Bình luận 0

Để thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Trong đó, thí điểm hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình như phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...

Nhận định về việc khuyến khích sinh đủ 2 con ở các vùng có tỷ suất sinh thấp, vận động sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh cao, GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em) cho rằng, đây là việc cần phải linh hoạt trong chính sách dân số hiện nay.

hn1-1588674469-width2000height1332-1609350991612

hn1-1588674469-width2000height1332-1609350991612

Áp lực cuộc sống khiến nhiều gia đình lựa chọn sinh 1 con để nuôi dạy cho tốt, cha mẹ cũng đỡ vất vả. Ảnh minh họa.

Theo GS Cử, hiện nay, xu thế “lười đẻ” là tất yếu và đang lan rộng. Không ít thanh niên không thích sinh nhiều con vì muốn có thời gian để lao động, thăng tiến, hưởng thụ. Họ không thích dành quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để sinh con, nuôi con nên không sinh con hoặc chỉ sinh 1 con. Một số người ở thành phố có cuộc sống mưu sinh vất vả, họ thấy chi phí nuôi con, cho con ăn học “bằng bạn bằng bè” quá lớn nên chỉ sinh 1 con để nuôi dạy cho tốt.

Theo GS Cử, thanh niên dưới 35 tuổi, nhất là những người ở thành phố có lẽ không cần vận động họ cũng chỉ đẻ 1-2 con, thậm chí có người không thích đẻ. 

GS Cử cũng ví dụ ở Trung Quốc, sau khi áp dụng chính sách một con hàng chục năm, nước này đã nới lỏng chính sách sinh hai con đối với một số vùng miền, nhưng khi tiến hành khảo sát chỉ có hơn 10% các cặp vợ chồng muốn sinh con thứ hai. Điều đó chứng tỏ chính sách một con đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Người ta thấy rằng chi phí cho một đứa trẻ vô cùng đắt đỏ và mô hình một con khiến các bậc làm cha, làm mẹ thấy nhẹ nhàng.

Ở Việt Nam, không ít người dân cũng cho rằng việc đẻ 2 con, thậm chí chỉ 1 con sẽ khiến cuộc sống “dễ thở” hơn, nuôi dạy con tốt hơn và cha mẹ đỡ áp lực hơn.

Do đó, theo GS Cử, việc điều chỉnh mức sinh cho phù hợp từng vùng miền là hợp lý. Nơi nào có mức sinh thấp cần khuyến khích để họ sinh đủ 2 con, còn vùng nào có số con đông thì lại phải vận động để họ giảm mức sinh xuống.

img

Một gia đình đông con, cuộc sống khó khăn ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Ảnh ANTĐ.

Báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, thời gian qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác dân số, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch hóa gia đình. Tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam liên tục giảm từ 6,39 con/phụ nữ năm 1960 xuống còn 2,09 con/phụ nữ năm 2006. Từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt và duy trì được mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).

Tuy nhiên, xu thế hiện nay, ở nhiều thành phố lớn, người dân lại ngại đẻ, dẫn tới tỷ suất sinh ở thành phố giảm, còn một số vùng sâu vùng xa, gia đình nghèo lại vẫn đẻ nhiều. 

Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, TFR của cả nước năm 2019 là 2,09 con. Đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh dưới mức sinh thay thế (năm 2017 là 2,04 con, năm 2018 là 2,05 con).

 "Bức tranh" chung về mức sinh còn rất nhiều "mảng màu" khác biệt giữa các vùng miền.

Theo thống kê, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (dưới 1,6 con), một số tỉnh cũng đang trong tình trạng mức sinh rất thấp như TP.HCM (1,36 con). Đồng Tháp (1,34 con), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con), Hậu Giang (1,53 con)... Tổng tỷ suất sinh như các tỉnh này hiện tương đương với Hàn Quốc, Singapore - những nước đang có các chính sách nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con do thiếu nguồn nhân lực và dân số già hóa nhanh chóng.

Trong khi đó, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên mức sinh khá cao: Hà Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Đắk Lắk… có tỷ suất sinh ở mức trên dưới 3 con. Thậm chí có những nơi, người dân sinh tới 6 – 7 người con.

Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), để giải quyết bài toán mức sinh, trong những năm qua, ngành Dân số đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực và được vận dụng linh hoạt vào thực tiễn như: Đối với những nơi mức sinh đang xuống thấp, vận động người dân "sinh đủ 2 con"; đối với những nơi mức sinh cao và điều kiện kinh tế khó khăn, tiếp tục vận động giảm sinh để đưa về mức sinh thay thế.

Mục tiêu “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”: Phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2- 2,2 con).
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem