Kiến nghị nhập vụ án bà Nguyễn Phương Hằng theo quy định nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 07/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Công an tỉnh Bình Dương vừa kiến nghị nhập vụ án bà Nguyễn Phương Hằng cho Công an TPHCM điều tra. Vậy việc nhập vụ án được tiến hành theo quy định nào?
Bình luận 0

Kiến nghị nhập vụ án bà Nguyễn Phương Hằng

Ngày 6/5, đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đã kiến nghị Bộ Công an chấp thuận cho nhập vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) cho Công an TPHCM điều tra.

Kiến nghị nhập vụ án bà Nguyễn Phương Hằng theo quy định nào? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị bắt. Ảnh: Công an TPHCM

Theo ông Chính, Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận đơn của 7 người tố cáo bà Hằng đăng các thông tin không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm đến danh dự, uy tín của họ. Khi xác minh, cơ quan điều tra đã thu thập 53 buổi livestream của bà này.

Các hành vi của bà Hằng có dấu hiệu cấu thành tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự.

Hồi tháng 4, Công an Bình Dương đã khởi tố vụ án để điều tra. Tuy nhiên, trước đó Công an TPHCM cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Hằng về cùng tội danh.

"Do đó, Công an Bình Dương gửi văn bản trao đổi với Công an TPHCM theo hướng báo cáo Bộ Công an nhập vụ án để Công an TPHCM điều tra", đại tá Chính cho biết.

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, Công an Bình Dương kiến nghị chuyển vụ án bà Nguyễn Phương Hằng cho Công an TPHCM theo quy định nào?

Có thể nhập vụ án bà Nguyễn Phương Hằng nhưng không bắt buộc

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, nguyên tắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm là hành vi phạm tội xảy ra ở địa phương nào, cơ quan tố tụng ở địa phương đó có thẩm quyền giải quyết.

Từ nguyên tắc này, có thể hiểu được vì sao Công an tỉnh Bình Dương và Công an TPHCM đều khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng về cùng một tội danh.

Tuy nhiên, sau đó cơ quan tố tụng có thể nhập vụ án hình sự để một cơ quan điều tra xử lý theo quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.

Ông Cường phân tích, Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: Bị can phạm nhiều tội; bị can phạm tội nhiều lần; nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm…

Như vậy, trong trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TPHCM và Công an tỉnh Bình Dương cùng khởi tố về một tội danh theo Điều 331 mà không bị xử lý thêm về tội danh nào khác, cơ quan tiến hành tố tụng có thể sẽ nhập vụ án hình sự để cùng điều tra theo quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự.

"Trường hợp bị can thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật ở nhiều địa phương khác nhau, việc nhiều cơ quan điều tra cùng khởi tố về một tội danh là có thể xảy ra và cơ quan điều tra cũng có thể nhập vụ án hình sự để một nơi tiến hành điều tra nếu như việc nhập vụ án hình sự đó khiến việc điều tra thuận lợi hơn, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự" - ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo ông Cường, việc nhập vụ án hình sự có thể được thực hiện theo quy định của pháp luật nhưng không bắt buộc. Chính vì thế, Công an Bình Dương có quyền kiến nghị nhập bà Nguyễn Phương Hằng nhưng Công an TPHCM có thể đồng ý hoặc không đồng ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem