Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: "Kỷ luật" và "Đồng tâm" là một giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh

Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Thứ sáu, ngày 27/10/2023 14:05 PM (GMT+7)
Kỷ luật" và "Đồng tâm" đã trở thành phẩm cách văn hóa, con người Quảng Ninh, mà cao hơn là một giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh.
Bình luận 0

LTS: Quảng Ninh những ngày này đang tưng bừng chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 – 30/10/2023). Nhân dịp này, để hiểu hơn về vùng đất, văn hóa, con người Quảng Ninh, Báo Dân Việt xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc lược trích bài viết của ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, bàn về những giá trị phổ quát và đặc thù của hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh.

6 giá trị cơ bản

Quảng Ninh là vùng đất chứa đựng đậm đặc các trầm tích lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, cốt cách riêng có của con người được hình thành nhờ sự quyện chặt của các yếu tố địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - quân sự, địa - tự nhiên, sinh thái. 

Lịch sử hàng nghìn năm bền bỉ, kiên cường mở đất, dựng nghiệp, chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi biên cương và lao động, sản xuất góp phần hình thành và kết tinh thành hệ giá trị địa phươngcủa Quảng Ninh…

"Kỷ luật" và "Đồng tâm" là một giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày các quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: B.M

Hệ giá trị của Quảng Ninh vừa mang tính phổ quát của quốc gia - dân tộc, nhưng cũng vừa chứa đựng những đặc trưng riêng có của vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc mà không nơi nào có được, trở thành tài sản vô giá của các thế hệ người Quảng Ninh trên hành trình xây dựng và bảo vệ quê hương.

Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước đưa mục tiêu giữ vị trí nhóm đầu 4 chỉ số cải cách hành chính vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và ban hành riêng nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, nên vừa có tính truyền thống, vừa có tính đương đại, mang hơi thở của thời đại và góp phần xác lập nên mục tiêu phát triển hay nói một cách khác, đây là "hệ đường ray" để xác định, gắn kết các định hướng lớn cho quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh ở hiện tại và tương lai.

Đến nay có thể bước đầu định hình hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh gồm 6 giá trị cơ bản cấu thành: Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc".

Thiên nhiên tươi đẹp

Tỉnh Quảng Ninh thường được ví như là một "Việt Nam thu nhỏ" do bao gồm toàn bộ các dạng cấu trúc địa lý: Biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới với cảnh trí tươi đẹp, kỳ vĩ, hiền hòa, vô cùng sống động. 

Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh tươi đẹp (có trên 600 di tích lịch sử danh lam thắng cảnh được xếp hạng), nhiều cảnh quan có giá trị toàn cầu, như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, với khoảng 2.000 hòn đảo (chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước), trải dài theo đường ven biển dài hơn 250km. Quảng Ninh còn có danh thắng Yên Tử, một trung tâm của Phật giáo của Việt Nam.

Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: "Kỷ luật" và "Đồng tâm" là một giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh - Ảnh 3.

Toàn cảnh TP.Hạ Long nhìn từ trên cao cho thấy TP đang thay da đổi thịt từng ngày, có nét hiện đại kết hợp với vẻ đẹp cảnh quan do thiên nhiên ưu ái ban tặng. Ảnh: An Giang

Tạo hóa đã ưu đãi ban tặng cho vùng đất Quảng Ninh nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có một không hai về địa mạo, địa chất và những di sản văn hóa - lịch sử - tâm linh mang trong mình hồn cốt nghìn năm của mảnh đất địa đầu Đông Bắc.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 lần đầu tiên đưa "Thiên nhiên tươi đẹp" trở thành một giá trị mới của tỉnh và là giá trị đứng đầu tiên trong hệ giá trị của tỉnh. Đây chính là giá trị khác biệt, cơ hội nổi trội không nơi đâu có được, là một tài sản, nguồn lực, động lực phát triển đặc biệt của tỉnh. Quảng Ninh đã thể hiện rõ quyết tâm kiên định với mục tiêu "tăng trưởng xanh" trong phát triển bền vững, bao trùm đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới.

Văn hóa đặc sắc

Thực hiện đường lối văn hóa của Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng và sáng tạo trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh; là một trong những tỉnh chủ động và sớm có nghị quyết chuyên đề riêng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện (Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9/3/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững").

"Kỷ luật" và "Đồng tâm" là một giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với người dân khi thăm trục cảnh quan của đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Ảnh: B.M


Trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có việc cần làm sâu sắc hơn nội hàm của "văn hóa đặc sắc" với tư cách là một giá trị trong hệ giá trị địa phương, thể hiện các yếu tố: Giao thoa, hội tụ về văn hóa của nền văn minh sông Hồng với vùng biên cương Đông Bắc; văn hóa biển, đảo; văn hóa công nhân mỏ; văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Trong số này Văn hóa công nhân mỏ được coi là văn hóa riêng có và là bản sắc đặc trưng nhất của Quảng Ninh. Tinh thần "đoàn kết", "đồng tâm" hiệp lực vốn có sẵn trong truyền thống của cư dân vùng biên ải, vùng biển, bằng việc cố kết lại thành một khối bền chặt để sinh tồn. Trải qua thời gian, đoàn kết, đồng tâm càng thêm khăng khít, trở thành một lẽ tự nhiên cộng cư, cộng sinh, cộng cảm, cộng mệnh của cộng đồng cư dân vùng Đông Bắc. Tinh thần đoàn kết, đồng tâm trong văn hóa truyền thống càng được phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ cận - hiện đại, khi văn minh công nghiệp được du nhập vào vùng đất Quảng Ninh.

Xã hội văn minh

Quảng Ninh là vùng đất vừa trọng nông, trọng công và trọng thương, do đó kết giao và hội tụ cả những yếu tố của nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh dịch vụ, hình thành những thuộc tính của xã hội văn minh ở các trình độ phát triển khác nhau từ sớm.

Quảng Ninh là cái nôi của giai cấp công nhân và nền sản xuất công nghiệp hiện đại; là vùng đất phát triển giao thương, thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ biển và dịch vụ du lịch từ rất sớm, nên sớm hình thành môi trường, nếp sống, tác phong của xã hội văn minh, với việc coi trọng những chuẩn mực ứng xử trong cộng đồng, văn minh công cộng, đời sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh (Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước), tinh thần kỷ luật và ý thức thượng tôn pháp luật... 

Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: "Kỷ luật" và "Đồng tâm" là một giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh - Ảnh 6.

Toàn cảnh TP.Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh: An Giang

Do đó, từ cả trong truyền thống lẫn cuộc sống xã hội hiện đại, "xã hội văn minh" trở thành một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục được xây dựng, không chỉ là văn minh xã hội, mà mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực: Văn minh chính trị, văn minh kinh tế, văn minh sinh thái...

Đây cũng là cơ sở để tiếp tục "gạn đục khơi trong", loại bỏ những yếu tố phi văn hóa, phản văn minh vẫn còn tồn tại, kịp thời bổ sung những giá trị mới tiên tiến, để xây dựng xã hội văn minh thực sự trở thành một giá trị của tỉnh, là một điều kiện tiên quyết tạo nên sức hấp dẫn, thu hút của Quảng Ninh đối với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng là một chỉ báo quan trọng thể hiện quan điểm và tư tưởng phát triển luôn hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, lấy người dân làm trung tâm trong mọi quyết sách của Quảng Ninh, như sự định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hành chính minh bạch

Trong 10 năm trở lại đây, Quảng Ninh tập trung xây dựng chính quyền địa phương hướng tới kiến tạo phát triển, tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng đạt được các chuẩn mực quốc tế, minh bạch, nói không với tham nhũng, tiêu cực, coi trọng trách nhiệm giải trình, thường xuyên đối thoại với nhân dân...

Tính đến năm 2023, tỉnh đã có 10 năm thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính và 6 năm đánh giá chỉ số đo lường sự hài lòng. Với sự coi trọng, cách làm và sự đầu tư bài bản, xứng tầm, thực sự đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên đối thoại với nhân dân..., Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).

Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: "Kỷ luật" và "Đồng tâm" là một giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh - Ảnh 7.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh luôn lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc. Ảnh: B.M

Không những vậy, Quảng Ninh cũng có 4 năm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Đây đều là những kết quả chưa từng có tiền lệ và quan trọng hơn cả là Quảng Ninh đang đi đúng hướng để xây dựng một nền hành chính đạt các chuẩn mực quốc gia, quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả...

Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).

Có 4 năm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Tỉnh không ngừng tìm tòi, nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của nền hành chính công, tập trung vào các trụ cột chính: tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... 

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động, giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kinh tế phát triển

Hòa chung vào công cuộc "Đổi mới" của đất nước, Quảng Ninh là địa phương có nhiều đột phá sáng tạo trong phát triển kinh tế, đưa tỉnh từ một địa phương nghèo trở thành một trong những tỉnh phát triển đi đầu của cả nước.

Tỉnh đã không ngừng chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững, đúng hướng, vượt qua các khó khăn, thách thức chưa từng có; đưa kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng.

Đặc biệt, kinh tế của Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), kể cả trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lập nên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới.

Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: "Kỷ luật" và "Đồng tâm" là một giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh - Ảnh 9.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký (áo trắng, giữa) và các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh gắn biển chào mừng 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh tại công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18C (giai đoạn 2). Ảnh: Bùi My

Năm 2022, GRDP của Quảng Ninh tiếp tục đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Trong 10 năm liền (2013 - 2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước, tạo bước đột phá mới về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông chiến lược, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước được đầu tư tập trung, tạo ra lợi thế cạnh tranh mới và nguồn lực, động lực mới.

Liên kết vùng ngày càng chặt chẽ; gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn. Diện mạo, cảnh quan của các vùng miền trong tỉnh thay đổi từng ngày. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, trong điều kiện khó khăn, thử thách chưa từng có, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc của hệ thống chính trị toàn tỉnh, tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt 9,46%, cao nhất so với cùng kỳ của các năm từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đến nay, đứng thứ tư cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 28.000 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra…

Quảng Ninh cũng kiên trì phát triển chuyển từ "nâu" sang "xanh, ngày càng coi trọng chất lượng tăng trưởng và phát triển theo chiều sâu; không ngừng tìm kiếm các không gian phát triển mới, nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển bền vững.

Nhân dân hạnh phúc

Quảng Ninh định hình tiêu chí "nhân dân hạnh phúc" là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều vì đích cuối là hạnh phúc của nhân dân, với mục tiêu phấn đấu nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực sự được thụ hưởng những thành quả của đổi mới

Quảng Ninh có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước (cao nhất ở khu vực phía Bắc), ước năm 2023 đạt 9.469 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020).

Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: "Kỷ luật" và "Đồng tâm" là một giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh - Ảnh 10.

Chân dung một công nhân mỏ của Công ty than Thành Công, Hòn Gai - TKV, TP.Hạ Long. Ảnh: An Giang.

Tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. 

Tỉnh đã và đang thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Quảng Ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. 

Cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, thông tin - truyền thông chất lượng cao và chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng được mở rộng. 

Quảng Ninh phấn đấu là một "vùng đất lành" và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển... 

Khẳng định bản sắc hệ giá trị

6 giá trị của tỉnh Quảng Ninh: Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc" vừa có sự thâu thái các giá trị quốc gia - dân tộc (như kế thừa trực tiếp giá trị văn minh, hạnh phúc; kế thừa gián tiếp giá trị công bằng (hành chính minh bạch), giá trị dân giàu, nước mạnh (kinh tế phát triển)..., vừa hàm chứa những thuộc tính giá trị riêng, đặc thù (thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, nhân dân hạnh phúc), đồng thời trong nội hàm những giá trị (kể cả các giá trị kế thừa) cũng đều có những đặc tính riêng khác so với giá trị chung, khẳng định bản sắc hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem