Lại nói về Tình yêu

Đỗ Trí Hùng Chủ nhật, ngày 12/02/2023 20:49 PM (GMT+7)
Dù tình yêu đến với ta do thần linh, do chúa ban tặng hay do Duyên, thì cách mà ta yêu như thế nào, lại do ta. Tương tự việc ta đến cuộc đời này là do Duyên, do thần linh hay do thiên chúa, thì cách ta sống thế nào, lại do chính ta quết định.
Bình luận 0

1 -  Luận về bản chất tình yêu, ta không thể bỏ qua áng văn bất hủ của Plato – triết gia Hy Lạp – qua thiên đối thoại " Bữa Tiệc", trong đó các nhân vật nổi tiếng của thành Athen lần lượt trình bày những hiểu biết của mình về nguồn gốc tình yêu. Đầu tiên là Phaedrus khẳng định rằng ái tình là một vị thần hùng mạnh và kỳ diệu giữa các thần và loài người. Vị thần này đặc biệt vì được sinh ra trước mọi thần khác. Phaedrus kể:

"Lúc đầu xuất hiện cảnh Hỗn Mang, rồi Trái Đất như một tử cung to lớn, là bệ ngai vĩnh cửu cho mọi sự, và Tình Yêu"

Nói cách khác, sau cảnh Hỗn mang, Trái đất và Tình yêu đã cùng xuất hiện.

2 – Không chỉ xuất hiện đầu tiên, thần Tình yêu còn là ngọn nguồn của mọi phúc lành lớn lao nhất cho chúng ta.

Một thanh niên mới bước vào đời, không có hạnh phúc nào lớn hơn việc có được một người yêu đức hạnh, trẻ trung và nồng nhiệt... 

Bởi vì, nguồn gốc mọi động cơ hướng dẫn cho một người muốn sống cuộc đời cao thượng và tốt đẹp không phải là tình họ hàng ruột thịt, hay danh dự, hay của cải, hay bất cứ động cơ nào khác có thể đem lại một cách chắc chắn bằng Tình yêu.

Chẳng hạn, ý thức về danh dự hay phẩm giá là những thứ mà nếu không có nó, dù quốc gia hay cá nhân cũng không thể làm được điều gì tốt đẹp hay vĩ đại.

Giả sử ta là người đang yêu, bị phát hiện đang làm một hành vi đáng xấu hổ nào đó, hay có hành động hèn nhát khi có ai đó xúc phạm ta, thì ta sẽ cảm thấy đau khổ vì bị phát hiện bởi người mình yêu hơn là bởi cha mẹ mình, bạn bè anh chị mình hay bất kỳ ai khác...

Và người được ta yêu cũng có cùng cảm giác ấy về ta, khi họ bị phát hiện ra ta đang làm một điều gì đáng xấu hổ.

Từ đó, Phaedrus kết luận, nếu có cách nào tạo lập được một nhà nước mà chính quyền gồm toàn những người biết yêu dân chúng và... yêu nhau thì họ sẽ là những nhà cai trị tốt nhất của đất nước họ, vì họ sẽ không làm những điều đáng xấu hổ và họ sẽ chỉ ganh đua nhau về những hành vi danh giá.

Tương tự như vậy, với quân đội. Nếu một đội quân chỉ gồm những người yêu nhân dân và yêu lẫn nhau thì họ sẽ sát cánh với nhau trong một trận chiến, và dù chỉ là một nhóm ít người họ cũng sẽ chiến thắng nhiều người.

Bởi lẽ, có người yêu nào mà lại muốn người mình yêu chứng kiến cảnh mình trốn tránh chức vụ hay vứt bỏ vũ khí của mình? Họ thà chịu chết ngàn lần còn hơn chịu cảnh ô nhục này.

Hoặc liệu có ai muốn chạy trốn người mình yêu hay từ chối cứu người mình yêu trong lúc gặp nguy khốn? Vào những dịp hiểm nguy như thế, những kẻ hèn nhát nhất cũng sẽ trở thành những người hùng dũng cảm mạnh mẽ nhất.

Nếu lòng can đảm được thần linh hun đúc trong tâm hồn các anh hùng, thì tình yêu cũng tuôn đổ lòng can đảm ấy vào tâm hồn kẻ đang yêu.

Như vậy, Phaedrus kết luận, Tình yêu là vị thần đầu tiên, cao thượng nhất và hùng mạnh nhất trong các vị thần, và là tác giả chính, ban hạnh phúc cũng như nhân đức ở đời này...

3 – Câu chuyện tiếp theo của Aristophanes cũng vô cùng hấp dẫn:

Thuở ban đầu, loài người không giống như bây giờ. Họ có những ba giới tính: Nam, nữ và bán nam bán nữ. Đàn ông thì do mặt trời mà ra, đàn bà do dất, và người lưỡng tính do mặt trăng. Những người thủa ban đầu đó đều có hai đầu và bốn tay, bốn chân.

Chính vì vậy, loài người khi ấy có sức mạnh ghê gớm và họ muốn vượt lên tận đỉnh Olimpia tấn công các thần.

Chúa tể thần linh - thần Zeus - giận lắm, muốn dùng những tia sét khủng khiếp của mình giết sạch họ, nhưng nếu giết họ thì lấy ai để phụng thờ mình bằng ca tụng và nghi tiết đây? 

Được sự tư vấn của thần trí tuệ - tức thần Athena - rằng thần Zeus nên làm họ suy yếu đi, chứ đừng giết. Thế là thần Zeus dùng tia sét cắt đôi thân thể họ làm hai nửa và xoay mặt chúng về phía cắt – đó cũng là phía bụng – để nhìn thấy hình phạt cũ, họ trở nên khiêm tốn hơn. Từ đó, loài người chỉ có hai chân, hai tay và một đầu và với tư cách cá nhân, họ vô cùng cô đơn và yếu ớt.

Vì bị chia đôi như thế nên hai nửa của họ cả đời cứ tìm kiếm nhau và khi tìm được sẽ dính chặt lấy nhau. Như vậy, bản chất tình yêu là việc tìm ra một nửa của mình.Và khi đã tìm ra một nửa của mình, ta sẽ trở nên mạnh mẽ, không còn sợ hãi nữa.

Osho cũng nói đại ý rằng, trong tình yêu không có chỗ cho sợ hãi. Sợ hãi chỉ xuất hiện khi người ta sống cho cô đơn, để mất kết nối với người khác.

Từ đó, Aristophanes kể tiếp, những người bán nam bán nữ bị cắt đôi, sau này tìm nhau chính là tình yêu nam nữ, như thông thường ta thấy. Những người nữ bị cắt đôi, sau này tìm nhau, ta gọi là đồng tính nữ. Và những người đàn ông bị cắt đôi tìm nhau, ta gọi là đồng tính nam...

4 – Như vậy, theo các triết gia cổ đại thì tình yêu là sản phẩm của thần linh, sau này đạo Thiên chúa cũng nói, tình yêu là quà tặng của chúa trời, hoặc sâu sắc như nhà Phật, yêu là do Duyên!

Thời hiện đại, khoa học phát hiện ra tình yêu là một loạt những phản ứng lý hóa trong cơ thể trước đối tượng yêu. Nhưng, cách giải thích của khoa học chỉ cấp cho ta lý do khiến người ta yêu, nhưng không thể giải thích tại sao tất yếu ta phải yêu người này mà không thể yêu người kia... 

Ngay cả khi họ đã đi đến những phát hiện như những người yêu nhau là những người có cùng năng lượng, cùng tần số sóng vật chất.v.v..

Thì câu hỏi về nguồn gốc của những hiện tượng đó, vẫn còn bỏ ngỏ.

Câu hỏi về nguồn gốc tình yêu cũng y hệt câu hỏi về cuộc sống, chẳng hạn "ta sinh ra từ đâu và ta sẽ đi về đâu", nghĩa là, hoặc ta bằng lòng với câu trả lời của triết gia cổ đại, hoặc bằng lòng với câu trả lời của tôn giáo, còn nếu muốn theo khoa học thì phải tiếp tục chờ, vì khoa học còn... khám phá!

Nhưng, dù tình yêu đến với ta do thần linh, do chúa ban tặng hay do Duyên, thì cách mà ta yêu như thế nào, lại do ta.

Tương tự việc ta đến cuộc đời này là do Duyên, do thần linh hay do thiên chúa, thì cách ta sống thế nào, lại do chính ta quết định.

Bởi vậy, ta không thể có một tình yêu hạnh phúc nếu ta không học cách yêu, cũng như ta không thể có một cuộc đời thành công nếu ta không học cách sống vậy. Xét ở khía cạnh này, yêu chính là mộtnghệ thuật...

Và, không có nghệ thuật nào đạt được thành tựu nếu không học hỏi, thậm chí là sự học hỏi kiên nhẫn, tập trung và hết mình cho việc học.

Nhưng, việc học yêu gồm những việc gì, lại phải nói vào lúc khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem