Làm kiệt sức cả ngày lẫn đêm, nhưng vì sao tài xế công nghệ không được hưởng chế độ phúc lợi?

Doãn Nhàn - Thùy Anh Thứ bảy, ngày 04/12/2021 06:03 AM (GMT+7)
Với mác là "đối tác doanh nghiệp", nhưng những tài xế xe công nghệ mỗi ngày phải làm việc từ 8-13 tiếng. Dù vậy, họ vẫn không được hưởng thêm bất kì khoản nào khác như làm thêm giờ, chế độ bảo hiểm, hưu trí...
Bình luận 0

Kiệt sức vì chạy xe cả ngày lẫn đêm

Trở thành "đối tác" tài xế công nghệ cho các ứng dụng xe, thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng, công việc tự chủ về thời gian,... là những lời mời hấp dẫn khiến chị Nguyễn Thị Mai (35 tuổi, Nam Định) quyết định chạy xe công nghệ.

Ngày nào cũng vậy, công việc của chị bắt đầu từ 6h sáng, tới 8-9h tối. Bất kể trời mưa hay nắng, chị vẫn ngồi trên con xe "cà tàng" chạy xe len lỏi qua khắp phố phường.

tài xế xe công nghệ

Theo khảo sát, một tài xế công nghệ phải làm việc từ 8-13 tiếng mỗi ngày.

Hơn 3 năm chạy xe, nhưng tổng kết lại chị không có tài sản gì đáng kể. Chị kể: "Làm nghề này tháng ngon thì kiếm được 10-15 triệu, tháng vắng khách thì nhịn. Công việc tự do nên làm thì ăn, không làm thì không có trợ cấp, không có bảo hiểm. Đó là chưa kể tới sự cạnh tranh khốc liệt trong nghề".

Thực tế dưới cái mác "đối tác" làm ăn, công việc lái xe công nghệ buộc những tài xế như chị phải đánh đổi rất nhiều: sức khỏe, dãi nắng dầm mưa, nguy cơ tai nạn, quấy rối tình dục, cưỡng đoạt tài sản. 

Theo khảo sát, một tài xế công nghệ phải làm việc từ 8-13 tiếng mỗi ngày. Do tính linh hoạt, chủ động về thời gian, tình trạng làm việc nhiều giờ/ngày, vượt quá quy định về số giờ làm việc trong tháng theo Bộ Luật Lao động là khá phổ biến.

Trung bình các tài xế công nghệ làm thêm mỗi ngày là 3 giờ/ngày nhưng không được trả lương theo chế độ ngoài giờ luật định. Đáng chú ý, trong số đó có đến gần 23% tài xế chạy xe ban đêm, khung giờ 10h khuya đến 6h sáng.

Theo một báo cáo khảo sát tại Hà Nội và TP.HCM (2020): thu nhập của một tài xế xe ôm khoảng 9,6 triệu/tháng và tài xế xe taxi là 14,7 triệu/tháng nếu chạy toàn thời gian. Khái niệm "toàn thời gian" không phải là khoảng thời gian theo như luật lao động quy định là 8 tiếng/ngày.  

Công việc vất vả, nhiều rủi ro nhưng hiện nay chưa có một khung pháp lý nào quy định chế độ phúc lợi xã hội cho tài xế công nghệ. Trên thị trường hiện nay có khoảng 11 ứng dụng xe công nghệ, song chỉ có duy nhất một hãng "tự nguyện" trang bị bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho tài xế.

Theo PGS TS Lê Thị Hoài Thu (Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội): "Hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các hãng xe công nghệ và tài xế là Hợp đồng dân sự song vụ (Điều 504 Bộ luật dân sự năm 2015). Các bên sẽ bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ.

Nhưng thực tế khi thỏa thuận hợp đồng dù dưới tên gọi là Hợp đồng thỏa thuận hay Biên bản thỏa thuận với các hãng xe Grab, Gojek, Be hay Uber thì họ luôn là bên đơn phương đưa ra "luật chơi" và xác định các điều khoản và điều kiện của riêng mình trước".

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết cũng nhận định: "Tài xế vẫn là bên yếu thế trong quan hệ 3 bên: Công ty, khách hàng và tài xế". Đây chính là "khoảng trống" lớn về chính sách pháp luật khi tài xế công nghệ chưa được công nhận là một nghề nghiệp chính thức. Do đó, lái xe công nghệ không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội cho lao động như chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ nghỉ phép, hưu trí,...

Giải pháp giúp tài xế công nghệ tiếp cận với chính sách an sinh

Nhằm tăng cường và mở rộng độ bao phủ An sinh xã hội toàn dân, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền lợi an sinh xã hội (ASXH) cho người lao động, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng với Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng (CHD) tiến hành tổ chức "Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm". Khảo sát được tiến hành với đội ngũ lái xe công nghệ Grab đang hoạt động tại Hà Nội.

Tài xế công nghệ vẫn chưa được xem là một nghề chính thức

Hiện nay vẫn còn nhiều "Khoảng trống chính sách" đối với lực lượng lao động tài xế công nghệ.

"Hợp đồng giữa các tài xế Grabbike và Grab là đối tác tài xế, không phải là hợp đồng lao động chính thức giữa doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, khi số lượng tài xế công nghệ tham gia vào loại hình này rất lớn, tới hàng trăm nghìn người, thì các cơ quan quản lý cần xem xét lại các quy định về Hợp đồng lao động giữa Doanh nghiệp – Tài xế. Điều này nhằm bảo vệ quyền của chính doanh nghiệp, của hành khách, đặc biệt là của tài xế khi phát sinh các tranh chấp với doanh nghiệp".

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Kết quả hoạt động nghiên cứu, khảo sát đã chỉ ra những "Khoảng trống chính sách" đối với lực lượng lao động tài xế công nghệ.

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đại diện nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị: "Cần có nghiên cứu sâu và rộng để tìm hiểu rõ về điều kiện việc làm, nhu cầu, trở ngại để tăng cường sự tham gia vào các chương trình an sinh xã hội của lái xe công nghệ".

Nhóm nghiên cứu cho rằng việc các tài xế công nghệ tham gia các nhóm/tổ chức/đoàn thể là một trong những lợi thế giúp họ thuận tiện tham gia vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực cũng như đưa ra "tiếng nói" chung để tăng thêm khả năng tham gia vào các Chương trình ASXH, đặc biệt là BHXH và các quyền lợi khác.

Với Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam: tổ chức nghiên cứu và ban hành hướng dẫn cụ thể về BHXH, BHYT nói riêng, các chế độ ASXH nói chung và cho đối tượng đặc thù như tài xế công nghệ nói riêng trong thời gian tới góp phần thực hiện chủ trương tiến tới BHXH, BHYT toàn dân.

Nhóm này cũng cho rằng cần tiếp tục sửa đổi nhằm tăng sự hấp dẫn, công bằng hơn giữa các loại hình bảo hiểm. Trong đó, BHXH tự nguyện nên cân nhắc tính khả thi giữa việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp hay gia tăng quyền lợi hưởng (tổng phần đóng góp không đổi); Có quy định khuyến khích đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối hỗ trợ các lái xe tham gia các chế độ ASXH của Nhà nước, đặc biệt là BHXH, BHYT. Song song với đó, truyền thông có hiệu quả giúp lao động nắm thông tin về bảo hiểm xã hội.

"Đặc biệt trên cơ sở thống nhất với lái xe, Công ty Grab hỗ trợ phần mềm trích nộp tiền tham gia BHXH nhằm hỗ trợ lái xe Grab tham gia đóng góp BHXH khi điều kiện thực tế cho phép", nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem