Làm sao để giải bài toán thiếu lao động trầm trọng ở các tỉnh phía Nam?

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 03/10/2021 19:01 PM (GMT+7)
19 tỉnh phía Nam có hơn 18 triệu lao động nhưng nay chỉ còn 1/3 tổng số lao động làm việc (khoảng 6 triệu lao động có việc làm). Doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất cũng là lúc phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động trầm trọng.
Bình luận 0

Dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động sản xuất bị gián đoạn, lao động bỏ về quê nhiều khiến cho các doanh nghiệp thiếu lao động khi phục hồi sản xuất. Trước thực trạng này, Bộ LĐTBXH cùng các địa phương chịu ảnh hưởng đang khẩn trương lên giải pháp tháo gỡ khó khăn này.

Chỉ có 1/3 số lao động phía Nam có việc làm

Mới đây tại tọa đàm về giải pháp tháo gỡ khó khăn lao động cho các tỉnh phía Nam, ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đã công bố những con số đáng buồn.

Trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chỉ còn chưa đến 1/3 lực lượng lao động (khoảng 6 triệu lao động) có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến".

Thời điểm từ giờ tới cuối năm là thời điểm DN phải đẩy mạnh sản xuất hoàn thành đơn hàng nhưng lại thiếu rất nhiều lao động. Ảnh: N.T (Chụp tại công ty May 10)

Thời điểm từ giờ tới cuối năm là thời điểm DN phải đẩy mạnh sản xuất hoàn thành đơn hàng nhưng lại thiếu rất nhiều lao động. Ảnh: N.T (Chụp tại Công ty May 10)

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 trên diện rộng đã khiến phần lớn công nhân lao động di chuyển về quê. Điều này khiến thị trường lao động tại TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phố phía Nam được dự báo sẽ đối diện nhiều khó khăn do thiếu lao động, nhất là khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp (DN) phục hồi, tái sản xuất trong những tháng cuối năm.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết toàn thành phố có hơn 470.000 DN đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 3,2 triệu công nhân.

5 tháng qua, dịch Covid-19 đã càn quét khiến các DN, cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện chỉ còn 700 DN (chưa đầy 20% tổng số DN) hoạt động theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến” với 600.000 lao động. Số DN còn lại cùng với hơn 2,4 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương và hơn 660.000 lao động tự do cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch.

Tương tự, Bình Dương cũng đối mặt với nguy cơ thiếu lao động trầm trọng. Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh có khoảng 50.000 DN với hơn 1,2 triệu lao động. Thời gian dịch bệnh bùng phát chỉ còn khoảng 3.500 (khoảng hơn 7%) DN sản xuất với khoảng 250.000 lao động.

Hiện tỉnh có khoảng 750.000 người phải ngừng việc và dự báo trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương có thể thiếu khoảng 40.000-50.000 lao động. Do đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các DN đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút, giữ chân người lao động khi dịch bệnh được kiểm soát.

"Hiện nay TP.HCM đang phối hợp với các địa phương để đón tiếp lao động trở lại TP làm việc. Yêu cầu lao động phải được tiêm ít nhất 1 liều vaccine hoặc có giấy chứng nhận đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh".

Sở LĐTBXH TP. HCM

Chăm lo lao động, đẩy mạnh tiêm vaccine

Trước thực trạng thiếu hụt lao động, các chuyên gia nhà quản lý thuộc Bộ LĐTBXH cho rằng cần triển khai gấp nhiều giải pháp.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, điều quan trọng nhất để đảm bảo nguồn cung lao động là thực hiện tốt chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân. Đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

“Để thu hút người lao động trở lại làm việc, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, bao gồm chính sách đưa, đón lao động trở lại nơi làm việc. Tăng chính sách hỗ trợ trực tiếp tiền mặt, nhu yếu phẩm...", ông Bình nói.

Để đối phó với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng, Sở LĐTBXH TP. HCM đang tăng cường kết nối cung -cầu việc làm. Ảnh: TTDVVL TP. HCM

Để đối phó với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng, Sở LĐTBXH TP.HCM đang tăng cường kết nối cung -cầu việc làm. Ảnh: TT Dịch vụ Việc làm TP. HCM

Song song với đó, để tháo gỡ khó khăn vì thiếu lao động, Bộ LĐTBXH cũng đang lắng nghe tâm tư của DN để tăng giờ làm thêm, giúp DN đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các đơn hàng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM thì cần phải tính nhiều giải pháp hỗ trợ bước đầu và lâu dài cho người lao động và cả doanh nghiệp. Trong đó tập trung đào tạo, tái đào tạo lại lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang ở thành phố và người lao động đang sinh sống ở các địa bàn giáp ranh thành phố như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh...

Chia sẻ thêm về giải pháp để thu hút người lao động sớm trở lại làm việc, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: "DN cần làm tốt khâu tuyên truyền. Trước mắt kết nối công đoàn, chính quyền địa phương, thông báo cho lao động biết về kế hoạch tiếp nhận lại lao động cũng như các kế hoạch chăm lo, trả lương, thưởng, phúc lợi... cho lao động, để họ yên tâm quay lại làm việc".

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho rằng, DN cần đầu tư đầy đủ trang thiết bị, cán bộ y tế, cải thiện môi trường làm việc... đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe cho lao động.

"Để làm được điều này, không chỉ cần sự nỗ lực của DN mà cần cả sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể là chính sách ưu đãi tín dụng, thuế...", ông Tiến nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem