Lần đầu hình thành mạng lưới nhà báo, phóng viên bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp

P.V Thứ tư, ngày 15/02/2023 19:11 PM (GMT+7)
Ngày 15/2, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên-WWF và Tổ chức TRAFFIC International đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác thực hiện các hoạt động dự án "Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp".
Bình luận 0

Ngày 15/2, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP), Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Tổ chức TRAFFIC International đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác thực hiện các hoạt động Dự án "Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp" đã được Bộ NNPTNT và USAID phê duyệt, hướng đến tăng cường sự lãnh đạo của Việt Nam nhằm giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

LẦN ĐẦU HÌNH THÀNH MẠNG LƯỚI NHÀ BÁO, PHÓNG VIÊN BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP - Ảnh 1.

Đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên-WWF và Tổ chức TRAFFIC International ký kết hợp tác thực hiện các hoạt động dự án "Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp". Ảnh: P.V

Nội dung trọng tâm của Dự án là kiện toàn, mở rộng, phát triển mạng lưới phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã, thúc đẩy nỗ lực của khối nhà nước, tư nhân trong đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã nhằm phát hiện, đưa tin về tội phạm động vật hoang dã.

Tham gia Mạng lưới phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã, các nhà báo, phóng viên sẽ được đào tạo, tập huấn, hỗ trợ từ các tổ chức, các chuyên gia các kiến thức, kinh nghiệm điều tra về hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là động vật hoang dã nguy cấp.

Từ đó, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho đội ngũ nhà báo, phóng viên ngành nông nghiệp về khung pháp lý, chính sách về bảo tồn động vật hoang dã cũng như kỹ năng điều tra, viết tin bài, tham gia phát hiện và theo sát việc xử lý các vụ vi phạm về động vật hoang dã của cơ quan chức năng nhằm vận động sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban ngành trung ương và địa phương, giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

Bên cạnh đó, Dự án cũng sẽ tiến hành tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng đối với các vụ án liên quan đến tội phạm động vật hoang dã thông qua hoạt động trao giải báo chí hàng năm.

Phối hợp xuất bản bài báo, chuyên đề hoặc ấn phẩm tương tự, cung cấp các thông tin nhằm hỗ trợ chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi của dự án và lan tỏa thông điệp "Nói không với hành buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong toàn xã hội.

Lần đầu hình thành mạng lưới nhà báo, phóng viên bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, báo Nông nghiệp Việt Nam luôn có ý thức và trách nhiệm trong việc tuyên truyền, truyền thông về ngăn chặn buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Ảnh: P.H

Ông Đỗ Quang Tùng - Quyền Trưởng ban Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Giám đốc Ban Quản lý Trung ương Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp đánh giá cao sáng kiến thành lập mạng lưới các nhà báo, phóng viên bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp.

Theo ông Tùng, bảo vệ động vật hoang dã là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, khi mà nhiều loài động vật đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng do các hoạt động săn bắt và kinh doanh của con người. Nâng cao nhận thức và hành động của người dân về bảo vệ động vật hoang dã là một chính sách cần thiết của mỗi quốc gia.

"Tôi hy vọng mạng lưới các nhà báo, phóng viên bảo vệ động vật hoang dã sẽ góp thêm tiếng nói mạnh mẽ lên án hoạt động săn bắt, buôn bán, sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật; cùng các ngành chức năng phát hiện các vụ vi phạm; đồng thời có những bài viết nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã", ông Tùng nói.

Ông Crawford Allan - Giám đốc Cao cấp Chương trình phòng chống tội phạm động vật hoang dã cho rằng, các loài động vật hoang dã ở Việt Nam đều đang bị đe dọa bởi tác động của con người. Để giải quyết những thách thức nghiêm trọng trên, cần thiết phải triển khai các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức nhắm đến nhiều đối tượng và thành phần khác nhau của cộng đồng. 

"Trong thời buổi bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, truyền thông sẽ là vũ khí lợi hại trong việc ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Từ chương trình ký kết ngày hôm nay sẽ mở ra những kế hoạch, hành động cụ thể và hiệu quả về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam trong tương lai", ông Crawford Allan nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem