Lần đầu tiên tổ chức thi ghép cà chua giỏi, nhờ tuyệt chiêu này, năng suất cà chua Lâm Đồng đạt 70 tấn/ha

Thúy Thúy Thứ năm, ngày 13/10/2022 07:00 AM (GMT+7)
Mới đây, tại huyện Đơn Dương, Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt – Viện kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tổ chức vòng thi chung kết hội thi “Kỹ thuật viên ghép cà chua giỏi tỉnh Lâm Đồng”.
Bình luận 0

Lần đầu tiên tổ chức thi ghép cà chua giỏi tại Lâm Đồng

Đây là lần đầu tiên hội thi "Kỹ thuật viên ghép cà chua giỏi tỉnh Lâm Đồng" được tổ chức, nhằm giới thiệu về công nghệ ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất cà chua. Đồng thời, qua Hội thi, các học viên cũng có thêm cơ hội nâng cao tay nghề, kiến thức về kỹ thuật ghép cà chua cho hệ thống vườn ươm tại tỉnh Lâm Đồng. 

Lần đầu tiên tổ chức thi ghép cà chua giỏi, nhờ tuyệt chiêu này, năng suất cà chua Lâm Đồng đạt 70 tấn/ha - Ảnh 1.

Hội thi đã thu hút 30 kỹ thuật viên ghép cà chua đến từ 10 vườn ươm của tỉnh Lâm Đồng.

Hội thi cũng là dịp để các kỹ thuật viên ghép cà chua tại Lâm Đồng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về các kỹ thuật mới trong sản xuất cà chua. Hội thi đã thu hút 30 kỹ thuật viên ghép cà chua đến từ 10 vườn ươm của 2 địa phương trồng cà chua trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng là Đức Trọng và Đơn Dương. 

Đây là những thí sinh đã có thành tích xuất sắc được lựa chọn từ vòng thi sơ loại năm 2021, có kết quả cao và được công nhận tham dự vòng thi chung kết.

Ban giám khảo chấm thi gồm: Ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Trưởng ban tổ chức Hội thi; ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng - Phó Trưởng ban; Ủy viên ban giám khảo là lãnh đạo: Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương, Đức Trọng, chuyên gia trồng cà chua.

Các thí sinh tham gia 2 phần thi, gồm phần thi "Thực hành ghép cà chua". Trong thời gian thi 60 phút với tiêu chí: số lượng cây ghép trong 60 phút; thao tác ghép chính xác đúng kỹ thuật; chất lượng cây sau ghép (độ chặt và khớp giữa vết ngọn ghép và gốc ghép); độ đồng đều về chiều cao của cây sau ghép và vị trí ghép.

Phần thi kiến thức chung có 10 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 15 phút. Với các nội dung thi: ưu điểm của công nghệ ghép cà chua, các kỹ thuật chăm sóc sau khi ghép, chăm sóc vườn cà chua thương phẩm sử dụng gốc ghép… 

Lần đầu tiên tổ chức thi ghép cà chua giỏi, nhờ tuyệt chiêu này, năng suất cà chua Lâm Đồng đạt 70 tấn/ha - Ảnh 3.

Các thí sinh thi phần thực hành ghép cà chua. Ảnh: lamdongtv

Sau một buổi thi gay cấn, hào hứng sôi nổi cùng sự làm việc công minh, nghiêm túc của Ban giám khảo, Hội thi đã trao giải Nhất cho thí sinh Đỗ Thị Mai Vân đến từ Vườn ươm Thiên Sinh, huyện Đơn Dương. Trao 02 giải Nhì cho thí sinh Đinh Thị Tường Vy và  Nguyễn Thị Năm đến từ Vườn ươm Phong Thúy, huyện Đức Trọng; trao 03 giải Ba cho các thí sinh Đinh Ngọc Hà - Vườn ươm Phong Thúy, Lê Thị Thu Hiền - Vườn ươm Thiên Sinh và Nguyễn Thị Thoa - Vườn ươm Đức Loan, huyện Đơn Dương.

Lần đầu tiên tổ chức thi ghép cà chua giỏi, nhờ tuyệt chiêu này, năng suất cà chua Lâm Đồng đạt 70 tấn/ha - Ảnh 4.

Ông Hoàng Văn Hồng - Trưởng ban tổ chức Hội thi - Trao giải nhất cho thí sinh Đỗ Thị Mai Vân. Ảnh: Bùi Hằng

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích sản xuất cà chua lớn nhất và chiếm khoảng 30% diện tích cả nước với hơn 7.000 ha/1năm. Địa phương lại chiếm đến ½ sản lượng cà chua của cả nước với khoảng 450.000 tấn/năm.

Hiện nay, năng suất cà chua trồng ngoài trời của Lâm Đồng đạt khoảng 70 tấn/ha, năng suất cà chua beef trong nhà kính đạt 150 tấn/ha, chất lượng đáp ứng tốt cho thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Lần đầu tiên tổ chức thi ghép cà chua giỏi, nhờ tuyệt chiêu này, năng suất cà chua Lâm Đồng đạt 70 tấn/ha - Ảnh 5.

Sản phẩm tại Hội thi đạt độ đồng đều về chiều cao của cây sau ghép và vị trí ghép.

Một trong những biện pháp kỹ thuật được áp dụng bền vững và mang lại hiệu quả cao cho ngành hàng sản xuất cà chua địa phương, đó là kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn. Với kỹ thuật này đã giúp người dân có thể sản xuất được quanh năm, rút ngắn được thời gian luân canh. 

Nếu như trước đây muốn trồng lại cà chua thì người dân phải luân canh cây trồng khác từ 2-3 năm,  thì nay, nhờ kỹ thuật ghép cà chua, chỉ cần 1 năm là nông dân có thể trồng lại cà chua, thậm chí nhiều người dân chỉ luân canh với cây trồng khác trong 1 vụ. 

Hiện nay, gần 100% diện tích trồng cà chua Lâm Đồng dùng giống ghép và đã kiểm soát trên 95% bệnh héo rũ. Từ đó giúp tăng hiệu quả sản xuất và giảm thiểu những tác động đến môi trường do hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem