Làng nghề mới 27 tuổi ở Cần Thơ làm thứ đồ gì mà số hộ theo đuổi cứ rơi rớt dần?

Thúy Vy Thứ năm, ngày 09/11/2023 10:00 AM (GMT+7)
Tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ tồn tại một làng nghề đồ chơi dân gian truyền thống đã hơn 27 năm. Chỉ bằng những vật liệu đơn giản như mút xốp, đất sét và mực đen, những người nghệ nhân tại đây đã sáng tạo ra những món đồ chơi vô cùng đẹp mắt, đáng yêu.
Bình luận 0

Nghệ nhân giữ hồn cho đồ chơi dân gian truyền thống

Bước vào cổng căn nhà nhỏ tại ấp Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ có thể bắt gặp ngay hình ảnh hàng trăm món đồ chơi dân gian muôn màu muôn vẻ được chị Đặng Thị Ly bày ra khắp sân.

"Cơ sở sản xuất đồ chơi dân gian Út Truyền được đặt từ tên chồng chị, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Truyền. Anh ấy chính là người truyền nghề, cùng chị làm những món đồ chơi thủ công này đã hơn 27 năm qua" – Chị Ly chia sẻ.

Tìm về tuổi thơ tại làng nghề đồ chơi dân gian Út Truyền - Ảnh 1.

Đồ chơi dân gian tại làng nghề Long Tuyền được làm từ các nguyên liệu xốp an toàn, không gây ô nhiễm môi trường, không gây hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Chúng mang trong mình hình ảnh thân thiện và gần gũi với cuộc sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thúy Vy

Những món đồ chơi dân gian được mô phỏng các con vật quen thuộc trong đời sống của người miền Tây như: con rùa, chuột, heo, chim, cá sấu... 

Không chỉ đẹp vì màu sắc rực rỡ, những con vật làm ra bằng xốp, đất sét khô, mực đen, dây kẽm... được đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân còn có thể cho chúng di chuyển rất sinh động. Tất cả những tác phẩm thủ công này được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân nơi đây.

Chia sẻ về nghề nghiệp của gia đình mình, chị Ly nói: "Nhìn các món đồ chơi trông có vẻ đơn giản, nhưng thực tế quy trình làm ra được món đồ chơi dân gian này đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ từng công đoạn. 

Từ việc cắt và dán, cho đến việc luồn từng cọng kẽm một, làm sao cho mình con vật khi uốn lại đạt được sự cân đối. Đồng thời, việc luồn chỉ cũng phải thực hiện sao cho khi con vật chạy, cọng chỉ không bị rối".

Tìm về tuổi thơ tại làng nghề đồ chơi dân gian Út Truyền - Ảnh 2.

Để làm ra món đồ chơi tinh xảo này, người thợ phải luyện đôi bàn tay khéo léo. Đặc biệt phải có niềm đam mê, sức sáng tạo và tính thẩm mỹ cao. Ảnh: Thúy Vy

Khi nói về quá trình khởi nghiệp của hai vợ chồng, chị Ly tâm sự: "Hồi đó, anh Truyền đi học thấy đồ chơi người ta bán trước cổng trường học nên thích lắm, về nhà tự mài mò làm theo để chơi. Ban đầu làm con rùa, rồi tới con chuột, con heo, rồi từ từ đến mấy con khó hơn như cá sấu, bồ câu.

Anh Truyền khéo tay, tự sáng tạo ra hết, rồi anh chỉ lại cho tôi, hai vợ chồng cùng làm, cùng bán với nhau đến giờ ngót nghét cũng mấy chục năm rồi. Mỗi lần đem đến trước cổng trường học bán đều được nhiều trẻ em thích mê, phụ huynh cũng thích mua vì nguyên liệu an toàn, không gây độc hại khi sử dụng".

Mỗi ngày, gia đình chị Ly làm ra được hơn 100 con vật các loại, bán với giá bình dân, dao động từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng/con, ước tính mỗi tháng gia đình chị thu về lợi nhuận hơn 20 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí nguyên vật liệu.

Giá trị văn hóa xưa cần được giữ gìn và lan tỏa

Tìm về tuổi thơ tại làng nghề đồ chơi dân gian Út Truyền - Ảnh 3.

Những món đồ chơi thành phẩm được chị Ly đóng gói chuẩn bị đem đi bán ở các chợ, các điểm trường học. Ảnh: Thúy Vy

Chỉ tay về phía chiếc xe máy cũ đồng hành cùng vợ chồng mình từ những ngày đầu buôn bán, anh Truyền kể: Món đồ chơi thủ công được anh và người trong làng nghề tự tay làm, đem đến đâu là bán hết đến đó, bán đắt nhất là ở các cổng trường học cấp 1, cấp 2 vì học sinh thích vô cùng.

Giữa thời đại 4.0 đồ chơi điện tử lên ngôi nhưng những món đồ chơi thủ công vẫn còn rất nhiều trẻ em thích. Chính vì vậy mà nhu cầu mua hàng tăng cao theo thời gian, họ quyết định cùng nhau đi bán thêm ở các tỉnh thành khác. Những anh em làng nghề rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe máy, mang theo thùng hàng đồ chơi phía sau và dừng bán ở các điểm trường học.

"Ban đầu, chúng tôi chỉ bán ở vòng quanh các quận và huyện trong Cần Thơ, một ngày làm ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Bán được rất nhiều nên chúng tôi làm cả ngày lẫn đêm, mọi người trong nhà đều cùng nhau làm, yêu nghề nên làm không biết mệt là gì.

Tôi cũng ham bán lắm, cứ chở thùng đồ chơi đi bán suốt, đi từ Hậu Giang, Long Xuyên, Đồng Tháp, có khi đi dài xuống tận Cà Mau, rồi lên cả TP.Hồ Chí Minh, rồi còn chạy 500-700km đi ra tận Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk để bán. Xa cách mấy chúng tôi cũng đi, miễn sao là bán được hết hàng"- anh Truyền phấn khởi chia sẻ.

Tìm về tuổi thơ tại làng nghề đồ chơi dân gian Long Tuyền - Ảnh 4.

Chị Đặng Thị Ly tỉ mỉ làm từng con vật xốp, sau đó đóng gói để vào thùng hàng cho anh Truyền chở đi bán. Ảnh: Thúy Vy

Nhớ về ngày tháng rong ruổi trên chiếc xe máy, anh Truyền tâm sự: Hồi xưa anh em làng nghề thường đi theo nhóm để hỗ trợ lẫn nhau. Việc buôn bán như vầy lấy công làm lãi, cho nên lúc đi xa có mệt thì ăn ở nghỉ ngơi cũng phải rất tiết kiệm. Khi ấy đường sá chưa đẹp như bây giờ, gồ ghề khó đi, người dân thưa thớt, vắng vẻ nên chạy xe rất lâu mới tìm được chỗ nghỉ ngơi.

Thời xưa, cuộc sống buôn bán tại làng Long Tuyền đúng là khó khăn và đầy vất vả, tuy nhiên, theo vợ chồng anh Truyền, thu nhập của họ vẫn rất ổn định. Họ chịu khó, làm việc mệt mỏi và dành dụm, nhưng nhờ đó đã có khả năng xây dựng một ngôi nhà đẹp, đảm bảo con cái được ăn học đủ đầy.

Hiện nay, tại làng nghề đồ chơi dân gian Long Tuyền có khoảng 3 hộ gia đình cùng nhau duy trì và bảo tồn nghề làm thủ công đồ chơi truyền thống này.

Chị Đặng Thị Ly cũng chia sẻ: Hiện tại còn rất ít hộ gia đình tiếp tục theo nghề làm đồ chơi truyền thống, có thể đếm trên đầu ngón tay. Thời đại 4.0 phát triển không ngừng, đồ chơi dân gian buộc phải đối mặt với sự cạnh tranh từ đồ chơi điện tử và điện thoại di động. Điều này đã buộc nhiều người phải bỏ nghề, tìm nghề khác sinh nhai.

Tuy nhiên, đồ chơi truyền thống vẫn được ưa chuộng, đặc biệt trong các dịp lễ và Tết lượng tiêu thụ tăng đáng kể. Đây là động lực khích lệ gia đình chị và những họ làm nghề tiếp tục bám nghề vừa gìn giữ nghề truyền thống dân gian, vừa phát triển kinh tế gia đình.

Tìm về tuổi thơ tại làng nghề đồ chơi dân gian Út Truyền - Ảnh 4.

Với hơn 27 năm trong nghề chế tác đồ chơi dân gian truyền thống, chị Ly luôn tâm huyết trên từng sản phẩm mình làm ra. Hiện nay chị còn tìm tòi, nghiên cứu cho ra nhiều mẫu mã độc lạ, góp phần phục vụ nhu cầu vui chơi trải nghiệm của du khách. Ảnh: Thúy Vy

Thời gian gần đây đã có nhiều chương trình du lịch cho du khách đến trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống tại làng nghề. Làng nghề đồ chơi dân gian Long Tuyền đã mở cửa cho khách đến tham quan, trải nghiệm và đã thu hút một số lượng du khách đáng kể.

Du khách nước ngoài ưa thích trải nghiệm du lịch miệt vườn đã đến đây tham quan, tìm hiểu các công đoạn làm ra các món đồ chơi và tự tay thực hiện với sự hướng dẫn của chị Ly. Hơn nữa, các trường học lân cận thường tổ chức các chuyến tham quan đến làng nghề. Tại đây, các em học sinh được thử tài làm thợ chế tác đồ chơi dân gian.

Nhờ có những nghệ nhân như vợ chồng chị Đặng Thị Ly và Nguyễn Văn Truyền mà đồ chơi dân gian truyền thống không bị mai một qua năm tháng, từ đó trẻ em có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về đồ chơi ngày xưa của ông bà ta.

Việc duy trì và phát triển những món đồ chơi dân gian không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về nguồn gốc và truyền thống dân tộc, mà còn giúp bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam.

"Hy vọng rằng trong tương lai, những con vật ngộ nghĩnh được tạo ra tại làng nghề sẽ vẫn là một phần không thể thiếu của văn hóa truyền thống của miền Tây Nam Bộ"- chị Đặng Thị Ly bày tỏ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem