Liên tiếp nhân viên y tế bị hành hung: Ai bảo vệ y bác sĩ?

Bạch Dương Thứ hai, ngày 08/08/2022 18:17 PM (GMT+7)
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, hai bác sĩ tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã bị người nhà hành hung, tấn công trực tiếp.
Bình luận 0
Liên tiếp nhân viên y tế bị hành hung: Ai bảo vệ y bác sĩ? - Ảnh 1.

Bác sĩ T. bị người nhà bệnh nhi bóp cổ trong ca trực cấp cứu tối 27/7. Ảnh từ camera bệnh viện

Khi vụ việc bác sĩ T., Bệnh viện Nhân dân Gia Định bị người nhà bệnh nhân bóp cổ ngay trong ca trực cấp cứu ngày 27/7 chưa lắng xuống thì ngày 6/8, thêm một bác sĩ của bệnh viện này bị tấn công.

Ngày 6/8, V.H.H. đưa mẹ vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng suy hô hấp nặng.

Sau khi được bác sĩ can thiệp, cho thở máy thì mẹ của H. muốn đi vệ sinh. Bác sĩ giải thích rằng bệnh nhân không thể tự đi vệ sinh vì nguy hiểm tới tính mạng. Nhân viên bệnh viện đã mang bô đến để bệnh nhân đi vệ sinh tại giường nhưng không được chấp nhận.

H. đòi đưa mẹ đi đến phòng vệ sinh và bị bác sĩ can ngăn. Sau đó, H. bỏ ra ngoài rồi quay lại, tay cầm dụng cụ cắt móng tay (có lưỡi nhọn phía trong) định đâm bác sĩ nhưng bị ngăn cản kịp thời.

Không chỉ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhân viên khoa cấp cứu của nhiều bệnh viện khác trong thành phố cũng luôn trong trạng thái bị đe doạ, tấn công bất cứ lúc nào.

Bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) cho biết, việc nhân viên khoa cấp cứu bị hành hung thường xảy ra, nhẹ thì quát tháo nặng thì dọa chém, dọa giết, cầm dao rượt xung quanh bệnh viện.

"Tôi dám khẳng định một điều là hầu hết các bệnh viện đều có tình trạng thiếu bác sĩ khoa cấp cứu, vì nhiều người chỉ làm được 1 - 2 năm là chuyển ngành hoặc nghỉ việc do khoa cấp cứu quá nhiều áp lực lại nguy hiểm, đặc biệt là các đồng nghiệp nữ.

Cách đây vài năm, tôi từng chứng kiến đồng nghiệp là một nam bác sĩ khi đang sơ cứu, cấp cứu cho bệnh nhân thì bất ngờ bị người nhà cầm dao chém thẳng vào mặt một đường, sau đó vị bác sĩ này đã xin nghỉ việc", bác sĩ Lam nhớ lại.

Theo bác sĩ Vũ Ngọc Chức, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện TP.Thủ Đức, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 160-180 trường hợp cần cấp cứu. Số trường hợp bệnh nhân to tiếng, dọa dẫm, đòi đánh bác sĩ cũng là chuyện "như cơm bữa".

Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về những vụ mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh thì đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%). Có tới 90% số vụ việc xảy ra tại khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh (chiếm 60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho người bệnh, người nhà người bệnh. Các vụ hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%).

Đối tượng gây mất an ninh và bạo hành nhân viên y tế là người nhà bệnh nhân hoặc người đi cùng người bệnh đang bị kích động do không hiểu biết quá trình thăm khám, điều trị của cơ sở y tế. Việc y, bác sĩ bị hành hung gây mất an ninh, trật tự tại cơ sở y tế, đè nặng lên tâm lý của đội ngũ y tế, khiến dư luận bức xúc và cuối cùng là làm giảm chất lượng khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho rằng để tránh chuyện hành hung y bác sĩ tại khoa cấp cứu, quan trọng nhất vẫn là khâu sàng lọc, phần luồng và giải thích rõ cho người bệnh. Tuy nhiên nếu khoa cấp cứu có thêm lực lượng công an, các bác sĩ có thể an tâm làm việc. Vấn đề này còn tùy thuộc vào các lực lượng của địa phương.

Một giải pháp đáng chú ý khác là việc các bệnh viện cần thiết lập hệ thống Code grey (hệ thống phản ứng khẩn cấp an ninh, trật tự, khi có trường hợp khẩn cấp). Với hệ thống này, khi có sự cố xảy ra ở phòng cấp cứu, nhân viên y tế chỉ cần bấm nút đỏ, lực lượng công an và bảo vệ sẽ có mặt nhanh nhất có thể để can thiệp.

Liên tiếp nhân viên y tế bị hành hung: Ai bảo vệ y bác sĩ? - Ảnh 3.

Vật dụng người nhà bệnh nhân định đâm bác sĩ cấp cứu ngày 6/8 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: CTV

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM bức xúc: "Nhân viên khoa cấp cứu tại các bệnh viện luôn trong trạng thái sẵn sàng cho hoạt động cấp cứu người bệnh, hầu hết và nhất là các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố (như Bệnh viện Nhân dân Gia Định). Thực tế cho thấy nhân viên khoa cấp cứu của các bệnh viện luôn hoạt động 24/7, không ngừng nghỉ, họ phải tập trung cao độ cả sức lực và tinh thần cho công tác cấp cứu người bệnh.

Hành động tấn công nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu người bệnh là hoàn toàn không chấp nhận được cho dù bất cứ lý do nào, nhân viên ngành y tế Thành phố mong muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm có giải pháp nghiêm khắc nhằm răn đe và chấm dứt các hành vi mang tính trấn áp cả về thể chất lẫn tinh thần của nhân viên y tế trong lúc đang làm nhiệm vụ chăm sóc người bệnh".

Theo các chuyên gia, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc chống bạo hành y tế trong xã hội cũng cần được coi trọng. Bởi vì trên thực tế vẫn có không ít ý kiến cho rằng bạo lực tại cơ sở y tế gắn liền với những tiêu cực trong đội ngũ nhân viên y tế, trong khi đó không ít trường hợp bạo lực không xuất phát từ sai sót của nhân viên y tế, thậm chí không phải sai sót từ ngành y.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, nêu rõ: Bộ Y tế hoàn toàn có thể đề xuất với Chính phủ ban hành nghị định xử phạt những hành vi bạo hành cán bộ y tế xảy ra trong khuôn viên bệnh viện.

Tuy nhiên, về lâu dài phải giáo dục, thay đổi nhận thức, thay đổi cả hệ thống y tế. Theo bác sĩ Hiếu, đã đến lúc phải nhìn nhận ngành y tế là nghề phục vụ, bác sĩ là người phục vụ người bệnh. Bác sĩ và người bệnh có quyền tương đương nhau, là mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và người hưởng dịch vụ. 

Liên tiếp nhân viên y tế bị hành hung: Ai bảo vệ y bác sĩ? - Ảnh 4.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM thăm hỏi bác sĩ trực cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC

Tâm lý của bác sĩ phải thay đổi, khi "bán hàng" thì tâm thế phải khác với việc ban phát ân huệ. Ông cho rằng điều quan trọng là phải nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên y tế, từ đó thay đổi cung cách ứng xử, tránh "xung đột" giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Bộ Y tế đã đề ra hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng cán bộ y tế bị hành hung. Đó là việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh; tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh, xử lý thích đáng các vụ việc nổi cộm để hạn chế và răn đe các đối tượng quá khích trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị bổ sung vào Luật Khám, chữa bệnh phần trách nhiệm của người bệnh, người dân đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ.

Theo khoản 3, Điều 35 Luật Khám, chữa bệnh, khi có dấu hiệu nguy hiểm đến bản thân, bác sĩ có quyền tự bảo vệ mình bằng cách từ chối khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế cần tiếp tục xây dựng đội ngũ bảo vệ an ninh bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp, có sự phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn để can thiệp kịp thời với những đối tượng quá khích, thóa mạ, hành hung nhân viên y tế.

Điều 26 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng quy định: Mọi tổ chức và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế khi họ làm nhiệm vụ. Luật nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thầy thuốc và nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem