Liệu có bùng dịch Covid-19 sau kỳ nghỉ lễ?

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 29/04/2023 06:00 AM (GMT+7)
Trước tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng trong những ngày gần đây, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều biến thể phụ mới, người dân lo ngại liệu dịch có bùng phát trở lại, nhất là sau kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới.
Bình luận 0
Liệu có bùng dịch Covid-19 sau kỳ nghỉ lễ? - Ảnh 1.

TP.HCM kích hoạt trở lại Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Ảnh: B.D

Thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM và trên cả nước đang có xu hướng tăng trở lại. Đáng lưu ý, tại TP.HCM mới ghi nhận thêm 4 biến thể phụ mới của Omicron bao gồm XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1. Đây đều là các biến thể có tính lây lan nhanh.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, các biến thể phụ mới này không có đặc tính đặc biệt như không có khả năng lẩn tránh miễn dịch, lây nhiễm, độc lực hay trốn các loại thuốc điều trị… Vì vậy, nó cũng tương tự như biến thể phụ Omicron khác.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định đây là các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs). Trừ khi có biến thể đáng quan ngại thì mới lo lắng, tuy nhiên hiện chưa có biến thể đó.

Theo BS Dũng, ý thức phòng tránh của người dân đã tăng cao, cùng với đó là sự chủ động tiêm vaccine cũng như có thuốc điều trị nên khả năng bùng phát dịch như những năm trước sẽ khó xảy ra.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, dù số ca mắc có gia tăng nhưng khả năng dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay số ca tử vong tăng mạnh như đợt dịch ở TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam năm 2021 là khó xảy ra.

Bởi hiện biến thể phụ dù lây lan nhanh nhưng vẫn là biến thể của chủng Omicron, chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng. Tuy nhiên, ngành y tế cần đánh giá lại nguy cơ của Covid-19 xem liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine đang sử dụng hay không. Từ đó có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Để phòng tránh bùng phát dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn gửi các sở ban ngành, UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5.

Theo đó, các địa phương khẩn trương thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; kích hoạt trở lại Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trong hoạt động phòng chống dịch Covid-19; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17-3-2022 của Chính phủ và Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10-3-2023 của Bộ Y tế, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tuyên truyền, vận động người dân, du khách chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4, 1/5 và cao điểm du lịch hè 2023.

UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế TP.HCM tổ chức các điểm tiêm vaccine Covid-19 hoạt động xuyên suốt kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4, 1/5, trong đó đảm bảo mỗi quận huyện, TP.Thủ Đức duy trì ít nhất 2 điểm tiêm phục vụ nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 của người dân. Vận động, thuyết phục những người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine Covid-19 hoặc tiêm chưa đủ liều đến các điểm trên địa bàn để được tiêm vaccine đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức đội tiêm lưu động đến tận nhà  những người thuộc nhóm nguy cơ nhưng không di chuyển được.

Liệu có bùng dịch Covid-19 sau kỳ nghỉ lễ? - Ảnh 3.

Bệnh viện dã chiến số 13 sẵn sàng kích hoạt khi số ca mắc Covid-19 tăng cao. Ảnh: SYT

Bên cạnh đó, phối hợp Sở Thông tin Truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông về tầm quan trọng của tiêm vaccine Covid-19, thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn) của Bộ Y tế và các biện pháp phòng chống dịch hiện hành. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh thông điệp tăng cường đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người, khi tiếp xúc với người có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 và những nơi bắt buộc đeo khẩu trang theo quy định của Bộ Y tế.

Chỉ đạo các bệnh viện chủ động rà soát các nguồn lực, khôi phục hoạt động của đơn vị, khoa điều trị Covid-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 khi dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và các bệnh viện được phân công chuẩn bị phương án sẵn sàng nhân sự chuyên môn, vật tư, trang thiết bị y tế để vận hành Bệnh viện dã chiến số 13 trong vòng 24 giờ sau khi được kích hoạt theo kịch bản nếu số bệnh nhân Covid-19 nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tăng lên đến 50 trường hợp trong cùng một thời điểm, Sở Y tế sẽ kích hoạt trở lại hoạt động của Bệnh viện dã chiến số 13.

Thực hiện đánh giá cấp độ dịch định kỳ hàng tuần, xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem