Lo lao động miền Tây không hẹn ngày trở lại

Chúc Ly - Hồng Cẩm Thứ hai, ngày 27/09/2021 19:00 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19, một số tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức đón công dân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…về địa phương. Vất vả lo mưu sinh lúc này, nhiều người vẫn chưa tính tới ngày trở lại TP.HCM, Bình Dương... Lệ thuộc lao động miền Tây, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ khó khăn khi mở cửa phục hồi kinh tế.
Bình luận 0

Mừng rớt nước mắt khi được đón về quê

Rất đông người lao động ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vất vả mưu sinh ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc làm ngưng trệ, nhiều nhà máy, doanh nghiệp đóng cửa để chống dịch. Vô số người lâm cảnh mất việc, nguồn thu nhập bị cắt đứt, gánh nặng tiền trọ, cơm áo, chi phí sinh hoạt... đã nặng, nay đè nặng hơn.

Trước tình hình khó khăn của người dân, thời gian qua, một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã tổ chức đón công dân về địa phương.

Ở Cà Mau, tỉnh đã đón 2 đợt công dân đang lưu trú ở các tỉnh TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương về địa phương. Những người được đón về đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể tiếp tục ở lại các tỉnh, trong đó có một số lao động bị mất việc.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Văn Phương (ngụ xã Khánh Tiến, huyện U Minh) cho biết: "Tôi may mắn được tỉnh rước về. Còn vợ làm công nhân và đứa con thì vẫn còn kẹt lại ở tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, bao nhiêu tiền dành dụm đã không còn, nên tôi dự định đi làm thuê để duy trì cuộc sống và gửi tiền cho vợ con. Khi tình hình dịch bệnh ở TP.HCM ổn hơn, tôi mới tính đến việc quay lại làm việc".

Rời Sài Gòn tránh dịch, lao động miền Tây "gánh nặng" mưu sinh - Ảnh 2.

Công dân Kiên Giang được tỉnh đón về quê ngày 10/8. Ảnh: CTV.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Chí Tâm (ngụ thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) bộc bạch: "2 vợ chồng tôi may mắn được đón về địa phương, do không thể tiếp tục cầm cự ở Long An. Tuy nhiên, hiện gia đình cũng rất khó khăn khi không có thu nhập, để tìm được việc làm trong lúc dịch bệnh này không dễ. Để duy trì cuộc sống trong những ngày này, cha mẹ tôi phải gửi gạo, còn tôi thì đi giăng lưới kiếm cá ăn sống qua ngày".

Trong khi đó, anh Trần Văn Trung (ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), chia sẻ: "Trước đó, tôi làm việc cho một cơ sở bán ốc ở chợ Bình Điền, mỗi tháng kiếm được hơn 10 triệu đồng. Vì tình hình dịch bệnh cơ sở đóng cửa, tôi bị mất việc gần 3 tháng, gia đình đã rất vất vả để cầm cự ở TP.HCM. Có những lúc vợ chồng tôi phải nhịn ăn để dành phần cho các con. Được tỉnh đón về, vợ chồng tôi mừng rớt nước mắt".

Mong có công việc để ổn định cuộc sống

Nói về dự định sắp tới, anh Trung cho hay: "Hiện nhà tôi đang có đến 11 người ở, nhiều anh chị em đi làm xa bị mất việc cũng đang ở nhà; trong đó tôi còn có người cha đang bị bệnh tiểu đường. Nếu tình hình dịch bệnh ổn định, tôi dự định sẽ tiếp tục sẽ lên TP.HCM đi làm để trang trải cuộc sống, chứ ở quê thì không biết phải làm gì".

Rời Sài Gòn tránh dịch, lao động miền Tây "gánh nặng" mưu sinh - Ảnh 3.

Công dân Cà Mau được tỉnh đón về địa phương ngày 14/8. Ảnh: HA.

Đa số người lao động mất việc ở các tỉnh, trở về địa phương, họ đều mong muốn được tỉnh hỗ trợ để ổn định cuộc sống trong lúc về quê tránh dịch không có việc làm, thu nhập. Bên cạnh đó, người lao động cũng mong được hỗ trợ để quay lại làm việc tại các tỉnh, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

"Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, người dân lao động rất mong chính quyền địa phương các nơi có hướng dẫn, quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp người dân có công ăn việc làm ổn định. Đặc biệt là tạo điều kiện để bà con được quay trở lại Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai…để tìm kế sinh nhai" – anh Sáu Bình, ở huyện Vị Thủy, Hậu Giang bộc bạch.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Thanh – Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, thông tin: "Những lao động bị mất việc ở các tỉnh về địa phương tránh dịch. Trước mắt, địa phương sẽ hỗ trợ cho số lao động này ổn định cuộc sống. Sau đó, khi tình hình ổn định hơn, chúng tôi sẽ tạo điều kiện việc làm cho lao động tại chỗ. Bên cạnh đó, khi lao động có nhu cầu về vốn vay hay học nghề; sau đó tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống".

Rời Sài Gòn tránh dịch, lao động miền Tây "gánh nặng" mưu sinh - Ảnh 4.

CSGT của tỉnh Sóc Trăng dẫn đường để hàng trăm công dân này chạy xe máy về quê và đến các khu cách ly tập trung. Ảnh: CTV.

Bà Võ Thị Mỹ Trang – Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang cho biết, công dân của tỉnh làm việc ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM khá đông. Vừa qua tỉnh có chủ trương đón công dân về quê, thì bà con đăng ký nhiều. Nhưng vì điều kiện cách ly của tỉnh còn hạn chế, nên chỉ tiếp nhận đón những đối tượng ưu tiên, như: người già, học sinh, sinh viên về quê nhập học, phụ nữ mang thai…

Về kế hoạch hỗ trợ việc làm cho người lao động sau khi hết dịch, bà Trang cho biết: "Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh cũng đã khởi động kết nối lao động với doanh nghiệp địa phương. Nếu người lao động nào có nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp tại địa phương thì có thể đăng ký để được kết nối giới thiệu cho các doanh nghiệp tuyển dụng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem