Lùm xùm thi Genius Olympiad: "Không thể lấy kết quả của việc làm sai để lấp liếm lý do cho hành vi gian dối"

Tào Nga Thứ tư, ngày 12/07/2023 11:34 AM (GMT+7)
Vụ nữ sinh TP.HCM tố bị đánh cắp bài thi Genius Olympiad trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội mấy ngày vừa qua. Với nhiều kinh nghiệm về giáo dục Mỹ, chuyên gia đã đưa ra ý kiến.
Bình luận 0

Chỉ cần có 25% giống bài viết của người khác đã bị gọi là đạo văn

Vụ của nữ sinh lớp 9 TP.HCM Lý Khánh Mai Chi tố bị đánh cắp bài thi trong cuộc thi Genius Olympiad cho người khác gây xôn xao dư luận hiện đã được Sở GDĐT TP.HCM chỉ đạo báo cáo sự việc liên quan đến viên chức và học sinh tham gia cuộc thi. Nhân vật chính trong câu chuyện là em Mai Chi tiết lộ, chiều 10/7 nhận được email từ ban tổ chức thông báo sẽ tiến hành các bước để thu hồi giải thưởng, đồng thời không cho phép thầy giáo hướng dẫn nộp bất cứ đề án nào trong cuộc thi Genius Olympiad 2024.

Liên quan đến lùm xùm vụ việc, Tiến sĩ Y học Phạm Đức Hùng (hiện sinh sống tại TP. Cincinnati, Ohio, Mỹ và làm việc ở Bệnh viện Nhi Cincinnati) cho hay: "Kinh nghiệm của tôi là cần dữ liệu gốc. Với các đề tài cấp độ cấp 2 và cấp 3 là những đề tài phổ biến thì hầu như ai cũng có thể nghĩ ra được. Tuy nhiên lúc tiến hành ý tưởng mỗi người mỗi khác. Sẽ không thể có chuyện 2 bài viết của 2 người khác nhau mà trùng nhau hoàn toàn. Lúc này, chính những bài viết từ sơ khai (draft), chỉnh sửa ý tứ, câu chữ - những bài viết từ gốc đến phát triển thêm, khác nhau hoàn toàn. Đây là cơ sở để chứng minh ai thực sự là chủ nhân bài viết".

img
img

Bài thi của Mai Chi ở vòng loại đã được thầy giáo thay thế người khác đi thi. Ảnh: NVCC

Nêu quan điểm về việc "làm lại" từ đề tài của bạn khác ở vòng loại, Tiến sĩ Hùng cho rằng bài viết/công trình của bạn phải có tính mới, nổi bật, cải thiện rõ ràng hơn bài viết của bạn trước đó, và bạn cũng cần phải ghi chú/trích dẫn là phần việc nào mình làm, phần việc/kết quả nào là của bạn trước đã làm. Như vậy mới tránh bị gọi là đạo văn. Và việc ghi chú/trích dẫn đó sẽ cho người đánh giá biết mức độ mới/nổi bật/cải thiện công việc của bạn.

Tuy nhiên phải nhấn mạnh, về nguyên tắc đạo văn, chỉ cần câu chữ của mình có 25% giống với bài viết của người khác đã bị gọi là đạo văn (cho dù mình có trích dẫn rõ ràng).

Vụ nữ sinh TP.HCM tố bị đánh cắp bài thi Genius Olympiad: Chuyên gia nêu những điều quan trọng - Ảnh 2.

Tiến sĩ Hùng là người hướng dẫn cho rất nhiều sinh viên nhận học bổng du học Mỹ. Ảnh: NVCC

Đánh giá về cuộc thi Genius Olympiad sau khi xảy ra sự cố gian lận này, Tiến sĩ Hùng nhận xét, đây là cuộc thi khá có uy tín cho học sinh phổ thông. Chủ đề của họ là cung cấp thông tin và giải pháp về các vấn đề môi trường. Góc tiếp cận có thể là 1 trong những chủ đề: Khoa học, âm nhạc, nghệ thuật, bài viết, chủ đề kinh doanh, robot và phim ngắn.

"Qua vụ việc này, tôi có lời khuyên với các bạn trẻ rằng hãy làm việc bằng văn bản từ trao đổi ý tưởng, sửa bài, điều chỉnh... Như vậy tất cả sẽ có bằng chứng, ngày tháng năm rõ ràng. Các cuộc thi ở Mỹ nói chung đều chú trọng công bằng, rõ ràng. Tuy nhiên, khi có sự việc xảy ra, chính văn bản là bằng chứng bảo vệ bạn", Tiến sĩ Hùng cho hay.

"Lĩnh vực nào cũng cần chính trực nhưng giáo dục thì càng cần hơn"

Liên quan đến vụ nữ sinh Mai Chi tố bị đánh cắp bài thi Genius Olympiad năm 2023, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu, top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn cho hay: "Tôi rất hiểu tâm lý và ủng hộ Mai Chi dù mới học lớp 9 nhưng sẵn sàng đứng lên để bảo vệ và đòi lại công bằng, công lý cho mình.

Tôi khẳng định, đã làm trong ngành giáo dục, nếu không có yếu tố chính trực thì không nên làm. Lĩnh vực nào cũng cần chính trực nhưng giáo dục càng cần hơn. Người lớn nên đứng ở giữa để tìm ra sự thật chứ không phải đè bẹp một đứa trẻ đứng lên tố cáo vụ việc như thế".

Vụ nữ sinh TP.HCM tố bị đánh cắp bài thi Genius Olympiad: Chuyên gia nêu những điều quan trọng - Ảnh 3.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên. Ảnh: NVCC

Là người có nhiều thông tin về giáo dục ở Mỹ, chuyên gia giáo dục Diễm Quyên đánh giá: "Các cuộc thi ở Mỹ có rất nhiều. Có thể là của trường, địa phương, tổ chức nào đó và đều là của tư nhân. Genius Olympiad không phải là cuộc thi quốc tế lớn nhưng cũng là cuộc thi để học sinh Việt Nam có cơ hội và tự tin khẳng định mình ngang bằng với các bạn quốc tế".

Tuy nhiên, theo bà Quyên, việc sử dụng đề án của người khác theo cách thay thế này không chấp nhận được. Bản thân học sinh dù có đạt giải cũng không thể tự hào về thành tích của mình. Lỗi này là của người lớn.

Đây cũng là một bài học để cho các em học sinh thận trọng hơn trước mọi lời đề nghị. Các em phải tự tìm hiểu thông tin và cha mẹ cũng không nên tham gia vào quá trình lựa chọn, tham gia cuộc thi của con. Khi có sự việc xảy ra cũng nên để các em giải quyết. Như trong vụ việc này, Mai Chi đã tự viết bài tố cáo và từ đó cho em sự vững vàng, cứng cáp hơn. Đồng thời, cũng truyền cảm hứng cho các bạn học sinh khác cần bảo vệ lẽ phải bằng mọi giá. Năm nay không đỗ thì năm sau tiếp tục đi bằng chính đôi chân của mình. 

Bên cạnh đó, bà Quyên chia sẻ, học sinh ở Mỹ tham dự cuộc thi theo tư cách cá nhân nên rất minh bạch, đàng hoàng. Ban tổ chức có lỗi khi thấy thí sinh bị thay tên mà không phát hiện ra. Tên trùng nhau giữa hai người còn có thể hiểu lầm, đằng này hai tên hoàn toàn khác nhau. Có thể ở Mỹ không có chuyện đổi tên đổi người, chỉ chú ý đến số thứ tự nên họ cũng lơ là, lỏng lẻo quản lý.

Trước câu hỏi so sánh giữa 2 vòng thi là chuẩn bị đề án và phỏng vấn, theo bà Quyên: "Vòng 2 quan trọng hơn. Vòng 1, ban giám khảo chỉ loại những bài kém. Vòng 2 phỏng vấn trước ban giám khảo mới tìm ra người xuất sắc. Nhưng nếu như để Mai Chi dự thi biết đâu còn đạt cao hơn thì sao? Ở đây người lớn đã đưa bạn học sinh vào tình huống gian dối nên không thể lấy kết quả của việc làm sai để lấp liếm lý do cho hành vi gian dối. Không thể nói cách làm tôi sai nhưng mục đích tôi đúng được.

Một lần nữa tôi cho rằng, những cuộc thi như thế này là phản động lực. Cuộc thi đi theo nguyên lý cây gậy và củ cà rốt. Nếu không có cây gậy và củ cà rốt, các em sẽ không muốn thi. Đây chỉ nên là diễn đàn để các em chia sẻ kiến thức thì tốt hơn".

Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao với bài viết tố cáo của nữ sinh Lý Khánh Mai Chi (học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Văn Tám). Chi cho biết em tham gia cuộc thi Genius Olympiad 2023 với 2 đề án ở 2 hạng mục là Âm nhạc (Music) và Viết sáng tạo (Creative Writing). Thầy N.M.T. (giáo viên Trường THPT Gia Định, TP.HCM) là người gợi ý đề tài và nộp đề án của Mai Chi cho Ban tổ chức. Sau đó, thầy T. thông báo, Mai Chi đỗ lĩnh vực Âm nhạc, bị loại phần Viết sáng tạo. Tuy nhiên, gia đình Mai Chi phát hiện, có một đề án tương tự mang tên "Chi Ly" được đăng ký trên hệ thống cuộc thi. Khi hỏi thầy T., thầy giáo cho rằng đây là sự trùng hợp.

Thời điểm tháng 6/2023, khi đi thi vòng chung kết ở Mỹ, Mai Chi phát hiện, đề án của mình bị nam sinh tên N.Q.U. đưa vào poster để thuyết trình và đoạt huy chương đồng. Q.U cũng chính là học sinh thầy T. phụ trách. Quá bức xúc vì cho rằng bị "đánh cắp" chất xám, gia đình Mai Chi yêu cầu nhà trường, thầy T. và gia đình Q.U giải quyết, nêu rõ sự việc nhưng không được phản hồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem