Luồng gió mới nơi xã đảo Thạnh An

Bạch Dương Thứ hai, ngày 30/01/2023 16:20 PM (GMT+7)
Trạm y tế xã đảo Thạnh An (Cần Giờ), xã đảo duy nhất của TP.HCM không chỉ được đầu tư máy móc thiết bị hiện đại mà còn có cả một lực lượng bác sĩ trẻ tình nguyện, tạo nên luồng gió mới trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây.
Bình luận 0
Luồng gió mới nơi xã đảo Thạnh An - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Thị Phượng đang khám cho người dân Thạnh An. Ảnh: N.N

Đón Tết Nnguyên đán xa nhà tại xã đảo, bác sĩ tình nguyện Hoàng Thị Phượng (Bệnh viện Nhân Ái) chia sẻ, dù đã từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện nhưng đợt "đi đảo" này đã mang đến chị những cảm xúc khó quên.

Chị tâm sự: "Năm trước đi chống dịch cả năm, trước đó cũng đón tết xa nhà nên Tết này không được sum họp gia đình, dù hơi buồn nhưng tôi cũng đã quen. Mặc dù không được về gia đình ăn Tết nhưng tôi vẫn có được cảm giác ấm cúng, thân quen như ở nhà, bởi bà con xã đảo rất tình cảm, rất quan tâm đến các bác sĩ ở trạm, coi như người thân trong gia đình vậy".

Bác sĩ Phượng kể, môi trường làm việc ở bệnh viện và trạm y tế có sự khác nhau. Ở đây, bác sĩ tiếp cận người dân nhiều hơn, thậm chí bác sĩ còn chủ động đến tận nhà khám cho những người không tự tới trạm được.

Cùng tham gia đợt tình nguyện này còn có bác sĩ Nguyễn Văn Chiến (Bệnh viện Nhân Ái). Là bác sĩ đa khoa, công việc hàng ngày của anh là khám, chữa bệnh, thay băng, rửa vết thương, chụp X-quang, siêu âm nếu cần thiết. Ca nào khó sẽ được hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ tuyến trên. Mỗi ngày trung bình có khoảng 30 người dân đến trạm khám bệnh.

Chia sẻ về quyết định tình nguyện xã đảo Thạnh An hỗ trợ cho trạm y tế, bác sĩ Chiến bộc bạch: "Tôi muốn trải nghiệm nơi làm việc mới; muốn đóng góp tuổi trẻ của mình chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi xã đảo. Đây là lần đầu tiên tôi ra làm việc tại xã đảo và thời gian tình nguyện vào dịp Tết. Tôi chưa bao giờ đón Tết xa gia đình nên không khí mùa xuân đến gần làm tôi có chút xao xuyến. Nhưng tôi cũng thấy rất vui vì được ở lại chăm sóc sức khỏe cho bà con trong dịp này".

Còn với người dân xã đảo, các bác sĩ đã thân quen như người trong gia đình. Bà V.T.N (64 tuổi) đã bị bệnh thận hơn 10 năm vui vẻ kể: "Các bác sĩ tốt lắm, cần gì kêu một tiếng là có mặt liền. Người dân ở đây ai cũng thích bác sĩ của trạm y tế".

Bắt đầu từ giữa tháng 11/2022, đây là đợt tình nguyện thứ hai của các bác sĩ trẻ đến xã đảo, cùng với lực lượng cán bộ nhân viên y tế của trạm y tế Thạnh An đã luân phiên hỗ trợ, giúp nâng cao năng lực cho trạm y tế nơi đây.

Bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng trạm y tế Thạnh An cho biết, để đến được xã đảo Thạnh An, phải mất hơn 40 phút đi đò từ thị trấn Cần Thạnh. Còn muốn đến ấp Thiềng Liềng, ấp xa nhất của xã đảo phải đi thêm một lần đò nữa. Một ngày chỉ có một chuyến đò sáng - chiều giữa Thạnh An và Thiềng Liềng.

Vì vậy, khi có việc cấp thiết, nhiều người dân phải thuê phương tiện đi về với giá 300.000 đồng, bằng cả một ngày công thu nhập của họ. Thấy được khó khăn của người dân Thiềng Liềng, trạm y tế Thạnh An đã tổ chức cho các bác sĩ trẻ tới ấp thăm khám. Sắp tới theo chương trình, trạm có chương trình khám định kỳ mỗi tuần 1 lần cho người dân ấp Thiềng Liềng.

Luồng gió mới nơi xã đảo Thạnh An - Ảnh 3.

Chụp X-quang tại Trạm y tế Thạnh An. Ảnh: N.N

Bác sĩ Trường không giấu được niềm vui chia sẻ, những năm gần đây trạm y tế Thạnh An được đầu tư rất nhiều. Đến nay, trạm đã có máy đo điện tim, máy siêu âm, máy huyết học, máy X-quang kỹ thuật số có tích hợp trí tuệ nhân tạo giúp việc chẩn đoán, tiên lượng bệnh tốt hơn. Mới đây nhất, cụ bà 94 tuổi phát hiện phổi không ổn, nhờ máy X-quang thế hệ mới đã phát hiện phổi trái tràn dịch, phổi phải tổn thương. Cụ đã được chuyển lên tuyến trên kịp thời.

"Trước đây, những ca như thế này là trạm không xử lý được", bác sĩ Trường bộc bạch và cho biết thêm, từ khi có máy X-quang, những người bị bệnh phổi đã được khám ngay tại trạm, không cần phải đi đò, đi phà, đi 2 tuyến xe bus lên bệnh viện thành phố để tái khám như trước.

Cùng với đó, các bác sĩ trẻ luân phiên tình nguyện ra công tác tại đảo đã mang đến một luồng sinh khí mới, sức trẻ, nhiệt huyết, kỹ năng, mang lại niềm động viên cho người dân nơi xã đảo. "Không phải vô cớ mà người dân rất quý mến bác sĩ trẻ. Bởi các em mang theo không chỉ kiến thức mà cả sự nhiệt tình, lăn xả và hết lòng vì người bệnh", bác sĩ Trường tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem