Mobile Money: “Lính chì mới” trong dịch vụ tài chính điện tử

Huỳnh Dũng Thứ sáu, ngày 22/10/2021 07:51 AM (GMT+7)
Mobile Money được xem như một công cụ mạnh mẽ để mở rộng phạm vi tiếp cận tài chính ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, hay các vùng nông thôn- nơi nhiều người dân chưa có tài khoản ngân hàng vẫn thoải mái giao dịch.
Bình luận 0

Bản chất của Mobile Money là gì?

Mobile Money có thể hiểu đơn giản là "ví điện tử viễn thông", hay nói cách khác là ví điện tử mà không có tài khoản ngân hàng, nó được định danh bằng số điện thoại thuộc SIM chính chủ của các nhà mạng. Trong đó, mỗi tài khoản Mobile Money gắn liền với một thuê bao di động mà bạn đang dùng, sử dụng số điện thoại như một cách định danh tài khoản, giúp cho người dùng có thể dễ dàng thanh toán online mà không cần liên kết với tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, tài khoản Mobile Monney là tách biệt với tài khoản trong thuê bao của bạn, tức là bạn không thể sử dụng số dư trong tài khoản điện thoại để chi trả cho các dịch vụ thanh toán, mua bán trên Mobile Money. Bản chất của Mobile Money là hình thức chuyển đổi tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Hãy tưởng tượng Mobile Money như thẻ ATM của bạn, bạn nộp vào 1 đồng thì tiền điện tử của bạn cũng là 1 đồng.

Mobile Money khác gì ví điện tử?

Ví điện tử là một tài khoản điện tử thường được tích hợp vào ứng dụng điện thoại, được xem như một ví đựng tiền lẻ giúp người dùng thanh toán tại các điểm chấp nhận offline và online. Bất kỳ ai có tài khoản ngân hàng (liên kết với ví điện tử) và một chiếc điện thoại smartphone đều có thể sử dụng và giao dịch bằng ví điện tử.

Các chính phủ và ngân hàng trung ương cácquốc gia nên tìm cách thu hút các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thông qua các giao dịch tài chính và thương mại dựa trên thiết bị di động. Ảnh: @AFP.

Các chính phủ và ngân hàng trung ương cácquốc gia nên tìm cách thu hút các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thông qua các giao dịch tài chính và thương mại dựa trên thiết bị di động. Ảnh: @AFP.

Trong khi đó, Mobile Money là tài khoản điện tử được mở dựa trên thuê bao di động, cũng dành cho thanh toán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ. Tuy nhiên, người dân không cần phải có tài khoản ngân hàng cũng có thể đăng ký và dùng dịch vụ Mobile Money với điều kiện sử dụng SIM chính chủ.

Điểm khác biệt lớn nhất là dịch vụ Mobile Money không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng mới được sử dụng và thanh toán như ví điện tử. Bù lại, hạn mức giao dịch hàng tháng bằng tiền di động chỉ 10 triệu đồng trong khi hạn mức của ví điện tử gấp 10 lần con số này lên đến 100 triệu đồng một tháng. Được biết, khoảng 40% người dân Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng nên Mobile Money khi được triển khai sẽ góp phần đẩy mạnh kênh thanh toán không tiền mặt.

Sự ra đời của Mobile Money có thay đổi đáng kể bối cảnh fintech?

Bước phát triển của dịch vụ Mobile Money sẽ không thay đổi nhiều vì ví điện tử, ứng dụng ngân hàng di động hay Mobile Money đều phục vụ cho các phân khúc thị trường và đối tượng khách hàng khác nhau.

Mục tiêu của Mobile Money là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt một cách rộng rãi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa nơi các dịch vụ ngân hàng còn hạn chế. Mobile Money cũng sẽ không can thiệp vào hoạt động ngân hàng vì các nhà cung cấp dịch vụ (tức là các nhà khai thác mạng di động) không được phép cho vay, huy động vốn hoặc trả lãi trên số dư tiền di động.

Sự khác biệt cơ bản về phân khúc thị trường Mobile Money thể hiện rõ ràng trong giới hạn giao dịch do chính phủ quy định. Ví điện tử tập trung vào khách hàng ở các thành phố lớn nên có hạn mức giao dịch là 100 triệu đồng / tháng. Trong khi đó, Mobile Money hướng đến việc cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng ở vùng sâu vùng xa, do đó giá trị giao dịch tối đa chỉ là 10 triệu đồng / tháng.

Về mặt kỹ thuật, các công ty Fintech có giấy phép cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian ví điện tử cũng có thể tham gia thí điểm Mobile Money với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, trước tiên họ cần phải có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng mặt đất sử dụng tần số vô tuyến, và đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Còn lợi thế của các công ty viễn thông càng được nhiều thuận lợi bởi thực tế là họ sở hữu dữ liệu khách hàng thuê bao di động khổng lồ. Thế nên, các công ty fintech, đặc biệt là những công ty có chiến lược giao dịch tài chính điện tử phổ biến, hoặc các ứng dụng ví điện tử như Momo và ZaloPay có thể bắt tay với các công ty viễn thông để cải thiện trải nghiệm người dùng ở hạng mục dịch vụ Mobile Money.

Khi việc thí điểm Mobile Money dần trở nên phổ biến có thể làm tăng số lượng thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, nhưng nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng đến tỷ lệ bao trùm tài chính ở Việt Nam.

Mobile Money có thể hiểu đơn giản là "ví điện tử viễn thông", hay nói cách khác là ví điện tử mà không có tài khoản ngân hàng, định danh bằng số điện thoại thuộc SIM chính chủ của các nhà mạng. Ảnh: @AFP.

Mobile Money có thể hiểu đơn giản là "ví điện tử viễn thông", hay nói cách khác là ví điện tử mà không có tài khoản ngân hàng, định danh bằng số điện thoại thuộc SIM chính chủ của các nhà mạng. Ảnh: @AFP.

Ngoài ra, sự mở rộng nhanh chóng của các hệ thống Mobile Money sẽ giúp tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp siêu nhỏ (Micro Size Enterprise - MSE) - đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp mong muốn được tiếp cận đa dạng các dịch vụ tài chính. MSE được các tổ chức quốc tế, các quốc gia phân loại theo một số tiêu chí sau: Quy mô vốn, quy mô lao động, doanh thu, tài sản, chi phí, tính độc lập không phụ thuộc của doanh nghiệp. Nhóm Ngân hàng Thế giới xác định MSE là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, tổng tài sản có giá trị không quá 100.000 USD và tổng doanh thu hàng năm không quá 100.000 USD.

Để tận dụng lợi ích phát triển đầy đủ, các chính phủ cần đi tiên phong trong việc xây dựng luật và quy định mới. Cộng đồng quốc tế nên tích cực hỗ trợ việc xây dựng các khuôn khổ quy định hợp lý và các thể chế liên quan, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ Mobile Money.

Mobile Money sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các MSE, cho phép chuyển khoản trong thời gian thực và nhận các khoản tiền nhỏ với chi phí thấp. Họ có thể giảm chi phí xử lý và quản lý các khoản vay nhỏ, cho phép họ quản lý tốt hơn dòng tiền của mình và xúc tiến việc vận chuyển vật tư và hàng hóa nhanh chóng hơn.

Theo lưu ý của Tổng thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển ông Supachai Panitchpakdi: "Dịch vụ Mobile Money hứa hẹn mang lại lợi ích rộng rãi cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Với quy định phù hợp, các dịch vụ này có tiềm năng góp phần cải thiện nhiều hơn về mặt tài chính toàn cầu".

Thách thức khi triển khai Mobile Money ở các quốc gia 

Theo Báo cáo hiện trạng phát triển Mobile Money do Hiệp hội GSM (một tổ chức công nghiệp đại diện cho lợi ích của các nhà khai thác mạng di động trên toàn thế giới) công bố, việc hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money dẫn đến mức đầu tư thấp hơn và có ít sản phẩm và dịch vụ sáng tạo hơn (đặc biệt là ở Nigeria và Ai Cập). Ngoài ra, mức độ tin cậy của người tiêu dùng và mức độ hiểu biết tài chính điện tử thấp cũng đã tạo ra những rào cản nhất định đối với việc đón nhận Mobile Money (như trường hợp của Ethiopia).

Bên cạnh đó, có nhiều quốc gia đang hạn chế trong việc thiết kế chính sách và triển khai hệ thống Mobile Money Điều này có nghĩa là chính phủ ở các quốc gia giới thiệu Mobile Money phải đi tiên phong trong luật pháp và quy định mới.

Các chính phủ và ngân hàng trung ương của quốc gia đó cũng nên tìm cách thu hút các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thông qua các giao dịch tài chính và thương mại dựa trên thiết bị di động. Để phát huy hết tiềm năng, cần có nghiên cứu chuyên dụng để rút ra bài học từ những quốc gia đầu tiên áp dụng. Cộng đồng quốc tế phải đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ xây dựng các khuôn khổ quy định hợp lý và các thể chế liên quan đến Mobile Money.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem