TP.HCM: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giống cây trồng để DN, HTX đẩy mạnh sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới

Mai Ánh Thứ bảy, ngày 20/08/2022 09:22 AM (GMT+7)
Với mục tiêu làm chủ thị trường cây giống trong nước, cung cấp cho bà con nông dân giống cây trồng có đặc tính vượt trội, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đã tự tạo ra các loại giống mới. Tuy nhiên, họ còn gặp khó khăn trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các giống cây trồng.
Bình luận 0

Mong muốn được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để xuất khẩu

Cây giống được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là mong muốn của nhiều nhà vườn tại TP.HCM. Năm 2019, chị Liêu Thị Kim Phượng (Giám đốc HTX Vườn lan Việt, TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã bắt đầu lai tạo và sản xuất ra các giống lan thuộc họ Dendro, cung cấp cho thị trường trong nước với mong muốn tạo ra một thương hiệu lan của Việt Nam.

Chị Phượng chọn phương pháp thụ phấn trái để tạo ra giống mới. Những trái chín, già sẽ được giao cho phòng lab lai tạo khoảng một năm. Từ đó, thành phẩm có được là các mô cây.

Chị Phượng chia sẻ, những hộ nông dân thường hỏi làm sao để tăng giá bán sản phẩm hoa lan Dendro, nếu muốn tăng giá thì phải thêm giá trị vào sản phẩm hoặc là phải hạ chi phí xuống mới có thể tăng lợi nhuận. Một trong những cách tăng giá trị là phải lai tạo giống mới. Giống lan Dendro trồng ở Việt Nam được nhập khẩu chủ yếu ở Thái Lan, giá tiền nhập cây giống khoảng 10.000 đồng/cây trong khi tự sản xuất cây giống thì giá khoảng 5.000 đồng/cây.

Chị Phượng nói thêm: “Trong khu vực, Thái Lan, Indonesia đã xuất khẩu được cây lan giống. Tôi cũng mong muốn được đem sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài, tuy nhiên vẫn còn vướng ở vấn đề sở hữu trí tuệ”.

TP.HCM: Mong muốn cây giống được bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ để xuất khẩu - Ảnh 2.

Hợp tác xã Vườn lan Việt (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã có hơn 3 năm lai tạo giống lan dendro. Ảnh: Mai Ánh

Tương tự, tổ hợp tác vườn lan Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) hiện có 15 hộ dân liên kết sản xuất, chuyên cung cấp cây giống trên địa bàn TP.HCM. Mỗi tháng tổ hợp tác thu về hơn 40 triệu đồng/hộ tham gia. Theo anh Trần Tuấn (Tổ trưởng tổ hợp tác): “Khó khăn lớn nhất của tổ hợp tác là đầu ra, giá cả không ổn định. Một cây lan giống dòng Catteya trước kia có giá 500.000 đồng, bây giờ một cây thành phẩm chỉ có giá 100.000 đồng”. Anh cũng bày tỏ mong muốn sản phẩm của mình được Nhà nước bảo hộ để ổn định được đầu ra, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con trong tổ hợp tác nói riêng và các hộ nông dân khác nói chung, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Quan niệm “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” có còn đúng trong xu thế hiện đại?

Kinh nghiệm từ xưa đã chỉ ra: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Tuy nhiên hiện nay trật tự này đã thay đổi khi hệ thống thủy lợi được xây dựng hoàn thiện, nhiều loại phân bón từ vô cơ, hữu cơ, vi sinh, sinh học ra đời hoàn toàn đáp ứng khả năng thâm canh cây trồng và cơ giới hóa với các loại máy móc từ gieo hạt đến chăm sóc, phun thuốc và thu hoạch. Vì thế, vị trí của “giống” là số một.

Đó là nhận định của ThS. Trần Xuân Định - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA).

Giống cây trồng có vai trò quan trọng trong sản xuất. Nó giúp thay đổi chất lượng, năng suất và có những đặc tính vượt trội như thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm sâu bệnh. Từ đó, sản phẩm tạo ra đem lại giá trị kinh tế cao, tăng khả năng thương mại.

TP.HCM: Mong muốn cây giống được bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ để xuất khẩu - Ảnh 3.

Gian hàng cây giống ở Hội chợ - Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM lần 8. Ảnh: Mai Ánh

Giống dưa lưới BCH231 có những đặc điểm ưu việt như thời gian sinh trưởng từ 62-65 ngày sau trồng, rất dễ đậu quả, ít bị bệnh, trọng lượng trung bình từ 1,5-2,0kg, năng suất cao. Các giống cà chua bi được tạo ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM chịu nhiệt, dễ đậu quả, năng suất cao so với các giống nhập nội hiện bán trên thị trường.

PGS.TS. Dương Hoa Xô - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Trên địa bàn thành phố có 20 đơn vị triển khai nuôi cấy mô thực vật, cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô/năm (chủ yếu là các giống lan), để phục vụ mở rộng sản xuất hoa kiểng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh”.

Riêng Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã triển khai nhân nhanh các giống hoa lan như Dendrobium, Hồ điệp, lan rừng, các giống hoa nền (hoa chuông, cúc đồng tiền, cúc pico). Sản lượng trung bình đạt 300.000 – 400.000 cây/năm, cung cấp ra thị trường khoảng 100.000 cây giống/năm, ông Xô cho biết thêm.

Việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ giống cây trồng sẽ giúp cho DN, HTX yên tâm sản xuất, tăng thương hiệu, hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp TP.HCM, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem