Ở một làng cổ của Vĩnh Phúc có Quán Đơi thờ ông bà Đơi giấu ông vua hiệu Cảnh Hưng, đó là ông vua nào?

Thứ hai, ngày 19/02/2024 11:45 AM (GMT+7)
Quán Đơi thuộc địa phận thôn Đơi, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng Thượng Trưng là một làng cổ. Quán Đơi thờ ông Đơi, bà Đơi, tương truyền là đã có công nuôi giấu thái tử Duy Diêu thời gian triều đình thời Lê - Trịnh xảy ra chính biến, về sau thái tử Duy Diêu lên ngôi, hiệu là Lê Cảnh Hưng...
Bình luận 0

  Quán Đơi thuộc địa phận thôn Đơi, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng Thượng Trưng là một làng cổ - một vùng đất phì nhiêu màu mỡ được hình thành do sự bồi đắp của phù sa sông Hồng cách đây hơn nửa thiên niên kỷ, vốn có truyền thống hiếu học, khoa bảng.

Quán Đơi thờ ông Đơi, bà Đơi, tương truyền là những người đã có công nuôi giấu thái tử Duy Diêu trong thời gian triều đình thời Lê - Trịnh xảy ra chính biến, về sau thái tử Duy Diêu lên ngôi, hiệu là Lê Cảnh Hưng (tức vua Lê Hiển Tông). 

Về lịch sử hành trạng của ông Đơi, bà Đơi, dựa vào lời kể được truyền lại qua nhiều đời của các cụ cao niên trong làng, những ghi chép trong dân gian cũng như chính sử có liên quan, từ đó có thể tìm hiểu về hành trạng vị thần được thờ ở di tích như sau:

Vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, thời Lê Trung hưng, có một gia đình họ Vũ có nguồn gốc ở Đường Yên, phủ Ninh Giang (nay thuộc tỉnh Hải Dương) di cư đến xóm Cá Đới , tức thôn Đơi ngày nay. 

Họ dựng nên một quán nhỏ ở bên đường, bán nước chè cho khách bộ hành dừng chân đợi đò đi ngược về xuôi.

Ở một làng cổ của Vĩnh Phúc có Quán Đơi thờ ông bà Đơi giấu ông vua hiệu Cảnh Hưng, đó là ông vua nào?- Ảnh 2.

Quán Đơi-nơi thờ ông Đơi, bà Đơi, tương truyền là những người đã có công nuôi giấu thái tử Duy Diêu trong thời gian triều đình thời Lê - Trịnh xảy ra chính biến, về sau thái tử Duy Diêu lên ngôi, hiệu là Lê Cảnh Hưng (tức vua Lê Hiển Tông).

Thời ấy, nhà Lê không có thực quyền, triều chính do các chúa Trịnh thao túng. Việc lập vua, hoàng hậu, thái tử cũng như chỉ định cất nhắc các quan lại trong triều đều có sự can thiệt của họ Trịnh, các vua Lê đều nép mình không dám chống đối. 

Đến thời Trịnh Giang nối ngôi chúa, lộng hành bạo ngược, làm nhiều việc ác, gây mất lòng người, lại tin dùng hoạn quan, gian nịnh khiến chính sự đổ nát, rối loạn, tôn thất bất bình, xã tắc loạn lạc, nhân dân ly tán, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra. 

Lo sợ cho tương lai của thái tử Duy Diêu, thái phi họ Vũ đã ngầm giao thái tử Duy Diêu cho quan ngự sử Bùi Tuấn Vũ mật sai người đưa về lánh nạn ở nhà Bính quận công Vũ Tất Thận ở xóm Đơi, làng Thượng Trưng. Thái tử được giao cho hai ông bà bán quán nước ở xóm Đơi nuôi giấu. 

Thái tử Duy Diêu được hai ông bà đùm bọc, ngày ngày đốt lửa nấu nước pha trà, tiếp nước cho khách qua đường nghỉ chân ở quán.

Năm 1739, Trịnh Giang mắc bệnh, hoạn quan lộng hành, triều chính rối loạn. Đầu năm 1740, thái phi họ Vũ cùng một số đại thần thống nhất lập Trịnh Doanh lên ngôi thay Trịnh Giang để vỗ yên dân chúng. 

Trịnh Doanh quan tâm đến việc thu phục lòng dân. Vào mùa hạ năm 1740, Trịnh Doanh đón thái tử Duy Diêu, con trưởng của vua Lê Thuần Tông đang ẩn náu ở xóm Đơi, Thượng Trưng về cung, ép Lê Ý Tông phải truyền ngôi cho thái tử Duy Diêu. Thái tử Duy Diêu lên ngôi vua, hiệu là Lê Hiển Tông, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng.

Về sau, khi hai ông bà bán quán nước quy tiên, nhà vua nhớ ơn người đã nuôi giấu mình thủa trước liền sắc ban phúc thần cho hai cụ, cho phép dân làng lập đền thờ ngay trên nền quán cũ, vì vậy có tên là quán Đơi, ngụ ý: quán nước ở xóm Đơi. 

Từ đó đến nay hương khói không dứt, linh thiêng muôn đời tỏa khắp, dù không đặt duệ hiệu nhưng nhân dân khắp nơi trong trấn Sơn Tây về đây cầu tự đều trân trọng kính lễ với tên nôm là: ông Đơi, bà Đơi.

Theo dân gian, quán Đơi được xây dựng sau khi ông bà Đơi mất đi vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Đến năm 1748, Nguyễn Danh Phương nổi lên chống lại triều đình đã tàn phá trang trại của cựu quan ngự sử Bùi Tuấn Vũ, phá luôn cả quán Đơi. 

Năm 1764 tuần phủ Bùi Đạo Khoan đứng ra quyên góp tiền của xây dựng lại quán Đơi, khơi giếng Trường Sinh phía trước quán Đơi thành hình gương tròn và trồng cây cảnh. 

Năm 1907, quán Đơi đã là một điểm di tích có ý nghĩa tiêu biểu về mặt tâm linh, tín ngưỡng của địa phương, được nhắc đến trong tác phẩm Phong cảnh xã Thượng Trưng - thơ chữ Nôm do cụ đồ Quýnh - tục danh Bùi Tỉnh Hiên viết, như sau:

“Đầu dân thẳng lối trông ra
Anh linh lại có ông bà quán Đơi
Cây cổ thụ đứng phơi mặt gió
Giếng tràng sinh soi tỏ bóng trăng
Gần xa lễ bái nhang đăng
Cầu con con được thêm mừng lắm con”
Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp - chống Mỹ, quán Đơi là cơ sở giao liên của cán bộ cách mạng trung ương và địa phương, được coi là một địa chỉ đỏ trong lịch sử Đảng bộ của xã Thượng Trưng. 

Năm 1936, tòa soạn các báo cách mạng: Bạn Dân, Tin Tức, Đời Nay được chuyển về Thượng Trưng, quán Đơi trở thành điểm giao liên giữa các cán bộ Đảng và các gia đình cơ sở cách mạng ở Thượng Trưng, Phú Hạnh, Vũ Di. 

Trong những năm 1940-1941, đây là điểm giao liên đón đưa, đi về của các đồng chí cán bộ Trung ương và địa phương: Hoàng Quốc Việt, Khuất Thị Bưởi, Trần Tử Bình, Kim Ngọc, Lê Xoay khi hoạt động cách mạng ở cơ sở. Đến cuối năm 1951, quân Pháp đánh chiếm Thượng Trưng, phá quán Đơi, lấp đường cầu Chảy để tiến quân vào làng. 

Năm 2004, nhân dân và chính quyền địa phương phục hồi lại quán Đơi và việc thờ cúng. Năm 2017, quán đơi được tu bổ, tôn tạo có kiến trúc như hiện nay.

Quán Đơi hiện nay nằm trên một gò đất cao ráo, thoáng đãng ở giữa cánh đồng, nhìn về phía Tây Bắc. Kiến trúc đơn giản, gồm một tòa ba gian hình chữ Nhất, bốn mái có đao hình mây cuộn cách điệu, kết cấu bốn hàng chân cột tạo thành hệ thống chịu lực với 16 cột chắc chắn. 

Phía trong gian giữa được nâng sàn lên cao làm khám thờ, bên trong đặt tượng và đồ thờ. Phía trên khám thờ có ba chữ Hán lớn “Thần tại thượng”. Hai cột ở hai bên khám có câu đối chữ Hán “Tầm xuân xuân khả cảnh - kỳ phúc phúc lai thành”. 

Vì mái theo kiểu thức kẻ truyền. Mái lợp ngói mũi truyền thống. Chính giữa bờ nóc có hình “lưỡng long triều nguyệt”, hai rồng chầu vào mặt nguyệt có hình Thái cực đồ, mô tả cho thuyết âm dương, đặc tính của Đạo giáo, thể hiện sự ảnh hưởng của đạo Lão hay đạo giáo vào đời sống của nhân dân nơi đây. Trước quán có sân rộng lát gạch đỏ. Qua khoảng sân là giếng cổ Trường Sinh, nước trong vắt, mạch nước luôn dồi dào, thịnh vượng.

Di sản VHVP (Cổng TTĐT Bảo tàng Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem