Một năm TP.HCM phong toả chống dịch Covid-19 (Bài 3): Nhật ký "vùng đỏ" và trẻ mồ côi do đại dịch

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 12/07/2022 13:30 PM (GMT+7)
Cuộc sống đang bình yên thì bỗng một ngày Covid-19 ập đến. TP.HCM trở thành tâm dịch. Người dân không được ra khỏi nhà, sống trong nơm nớp lo sợ, chứng kiến những người xung quanh lần lượt nhiễm Covid-19 và ra đi, là nỗi ám ảnh vẫn còn đọng lại dai dẳng.
Bình luận 0

LTS. Cách đây vừa tròn một năm: 0 giờ ngày 9/7/2021, TP.HCM bước vào đợt giãn cách xã hội toàn diện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đợt giãn cách dài nhất trong lịch sử chống dịch của TP. Hôm nay, TP.HCM đã sống lại như chưa từng có cơn bão Covid-19 quét qua, nhưng những ngày tháng gian nan, đẫm mồ hôi và nước mắt ấy vẫn chưa nguôi trong ký ức của nhiều người…

Nhật ký "vùng đỏ"

Chị Nguyễn Kim L. (quận 3) là người đã trải qua hầu hết các cung bậc cảm xúc của một người dân trong đại dịch Covid-19: Từ giai đoạn thành phố áp dụng các chỉ thị 15, 16 rồi 19… Cảm xúc sống trong khu phong tỏa; nỗi lo lắng, sợ hãi khi hàng xóm trở thành F0, y tế quá tải… và đau đớn tột cùng khi cùng lúc mất đi cả ba mẹ trong vỏn vẹn 9 giờ đồng hồ... vẫn còn đó trong "nhật ký nước mắt" của chị.

Tháng 7/2021, TP.HCM áp dụng biện pháp giãn cách, các con đường vắng người qua lại. Thực hiện: Mỹ Quỳnh

Ngày cách ly thứ nhất (20/7/2021)

NBa Mẹ tôi nằm trong con hẻm có 6 căn hộ sinh sống ở quận Bình Tân. Hẻm này có 2 ngõ ra vào. Dịch Covid-19 bùng phát mạnh, một cổng bị căng dây niêm phong, chỉ còn lại 1 cổng để người dân ra vào. Căn nhà đầu hẻm có 3 người phụ nữ, hai cụ bà 1 người ngoài 90 tuổi, 1 người 70 tuổi sống cùng cô con gái chưa lập gia đình. Bà cụ 70 bị rối loạn tiền đình, mệt mỏi nhiều ngày, cô gái liên tục gọi cấp cứu.

Ngày 19/7, y tế thực sự quá tải. Cô gái gọi từ sáng đến tối vẫn không có xe cấp cứu đến đưa cụ đi. Quá lo lắng, cô cầu cứu các hàng xóm xung quanh. Mọi người xúm nhau lại khiêng bà từ trong nhà ra. Một chị hàng xóm lấy xe gắn máy chở 2 mẹ con vào viện. Cụ bà 90 tuổi buộc phải ở nhà một mình, không ai chăm sóc. Hàng xóm phải thay nhau qua cho bà ăn, uống...

Một năm TP.HCM phong tỏa chống dịch Covid-19 (Bài 3): Ám ảnh của người dân trong "vùng đỏ" - Ảnh 2.

Những hình ảnh được chị L ghi lại trong khoảng thời gian cách ly tại Bình Tân. Ảnh: NVCC

Ngày cách ly thứ hai (21/7/2021)

Ngày 21/7, 22h. Bệnh viện báo cụ bà (70 tuổi) dương tính với Covid-19. (Điều này đồng nghĩa với việc những người trong xóm trở thành F1, F2). Cả hẻm náo loạn. Ai cũng hoang mang, sợ hãi… Đã có ai được tiêm vaccine Covid-19 đâu? Đứa con gái nhà bên hét lớn: "Tại sao qua phụ giúp để rồi trở thành F1?". Một ông hàng xóm kề bên la ó: "Lòng tốt đặt không đúng chỗ, giờ bị cách ly phong tỏa thì làm sao đi làm, cả nhà chết đói cho coi!"...

22 giờ 30. Tin bệnh viện: Cụ bà đã qua đời.

Bây giờ, cụ bà 90 tuổi là F0 đang sống một mình trong nhà với 2 con chó, 1 con mèo. Biết cụ là F0, không có một ai dám giúp đỡ, không một ai dám lại gần ngôi nhà đó…

"Thật sự, từng phút từng giờ trôi qua đều rất nặng nề, kinh khủng. Tôi bất lực, quặn thắt ruột gan khi biết cụ bà đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Tôi đau đớn vì không thể giúp đỡ cụ. Bởi ba mẹ tôi cũng đã ngoài 80 tuổi, nếu lỡ lây nhiễm Covid-19 sẽ cực kỳ nguy hiểm. Do đó, tôi chỉ có thể gọi điện thoại cầu cứu khắp nơi…", sau này, chị L. nghẹn ngào nhớ lại.

Ngày cách ly thứ ba (22/7/2021)

Bác tổ trưởng khu phố và anh công an khu vực đến hẻm nhà chúng tôi để cùng chờ y tế xuống xử lý ca F0 và khử khuẩn. Nhưng sau hơn 3 tiếng, họ không đủ kiên nhẫn chờ và đã ra về.

Một năm TP.HCM phong tỏa chống dịch Covid-19 (Bài 3): Ám ảnh của người dân trong "vùng đỏ" - Ảnh 3.

Không thể kể hết sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau trong đại dịch của người dân cả nước đối với TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tôi lấy sả, chanh, gừng đập dập và bỏ vào nồi cơm điện nấu nước lên xông từ tầng trệt đến lầu 3. Pha loãng nước thuốc tẩy quần áo cùng xà phòng để khử khuẩn cả nhà. Không có đủ điều kiện nên chúng tôi đã làm theo cách đó để bảo vệ cho cả nhà…

Bác tổ trưởng chạy đôn chạy đáo tìm cách giải quyết F0 nhưng tất cả đều đang tắc nghẽn, nơi nào cũng lắc đầu kêu chờ đợi. Bác chỉ còn cách gọi điện thoại động viên các gia đình, gắng cố thủ trong nhà, không mở cửa, không ra ngoài, 7 ngày sau sẽ test lại. Chưa bao giờ chúng tôi thèm nghe tiếng còi xe cấp cứu đến vậy. Cảm giác thật đáng sợ!...

Ngày cách ly thứ 3 (22/7/2021)

Công an khu vực và đội tình nguyện có mặt ở con hẻm. Họ vào kiểm tra bà cụ 90 tuổi F0 và thông báo bà vẫn còn thở. Ai cũng vui mừng như biết được tin tốt của người thân, dù vẫn thắt lòng khi nghĩ cụ đang hiu quạnh chống chọi với Covid-19, không người thân thích.

Sau 4 ngày 3 đêm, y tế đã đến đưa bà đi điều trị. Cả xóm không ai dám nghĩ bà có thể qua khỏi.

Vậy mà điều kỳ diệu đó đã xảy ra, đến ngày 4/8, theo chị L, bà đã được xuất viện về nhà cùng với đứa cháu gái cũng là F0 trước đó.

Ngày cách ly thứ sáu (25/7/2021)

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn này, tri qua biết bao giai đoạn cơ cực nhưng tôi chưa từng chứng kiến cảnh Sài Gòn buồn đến thế này. Đường phố vắng lặng, không họp chợ, không hàng quán, dây đỏ giăng khắp nơi. Hàng xóm đóng cửa kín mít, ai muốn chia nhau món ăn gì thì gọi điện thoại hỏi nhau rồi lặng lẽ đặt túi đồ trước cửa. Mấy ngày rồi tôi chưa nhìn thấy mặt người kế bên nhà vì có dám mở cửa đâu

Đến khi nào thì Sài Gòn mới hết bệnh đây?...

Một năm TP.HCM phong tỏa chống dịch Covid-19 (Bài 3): Ám ảnh của người dân trong "vùng đỏ" - Ảnh 4.

Nỗi đau đớn khi mất đi người thân giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: Chinh Hoàng.

Trao đổi với Dân Việt mới đây, chị L chia sẻ, hoàn cảnh lúc đó bi đát lắm. Dù vậy, mọi người cũng bình tâm hơn, bắt đầu sống tích cực hơn. Ai cũng hiểu rằng, hàng ngàn ca phát bệnh mỗi ngày, y tế thành phố không thể nào đáp ứng nổi nên bớt trách móc, kêu than.

Nhưng với chị L, cơn ác mộng về Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Sau khi em trai chị L đi test Covid-19 trong cộng đồng về thì bị nhiễm Covid-19 và vô tình lây cho ba mẹ. Ông được đưa vào bệnh viện dã chiến điều trị, còn bà ở nhà. Chị L cũng bị dương tính, được đi cùng ba vào bệnh viện. Những tưởng gia đình sẽ cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn, nhưng không, chỉ sau gần 2 tuần khi phát hiện nhiễm Covid-19, cả ba và mẹ chị L đều đã ra đi…

Lúc đó tôi gần như hoảng loạn, tìm mọi cách để xin xuất viện về bên mẹ, nhìn mẹ một lần. Thậm chí, tôi đã chắp tay cầu xin bác sĩ nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu đầy khó khăn. Nỗi đau chồng chất, nhưng nếu không có niềm tin vào tình người, tin vào các y bác sĩ điều trị, biết đâu chính tôi cũng đã gục ngã"

Chị Nguyễn Kim L (quận Bình Tân, TP.HCM)

Bù đắp hơi ấm cho trẻ thơ

Đại dịch Covid-19 cũng cướp đi của nhiều em nhỏ vòng tay, hơi ấm và tình yêu thương của người mẹ. Thế nhưng, nhờ sự bao bọc của người thân, các em đã được nuôi nấng và lớn khôn từng ngày.

Đã 11 tháng trôi qua kể từ khi chị Chea Suy Muoy (32 tuổi, quốc tịch Campuchia), ngụ tại số 66, đường số 5, KP2, phường Linh Trung, TP.Thủ Đức bất đắc dĩ trở thành người mẹ chăm sóc, nuôi nấng bé Huỳnh Quốc Trường (11 tháng tuổi). Mẹ của Quốc Trường là chị chồng của chị Suy Muoy, khi nhập viện để sinh Quốc Trường thì không may mắc Covid-19 và qua đời.

Một năm TP.HCM phong tỏa chống dịch Covid-19 (Bài 3): Ám ảnh của người dân trong "vùng đỏ" - Ảnh 6.

Bé Quốc Trường khi vừa lọt lòng và thời điểm hiện tại. Ảnh: NVCC

Mẹ mất đột ngột, ba của Quốc Trường trở thành gà trống nuôi con. Để chăm sóc một đứa trẻ vừa lọt lòng còn đỏ hỏn với một người đàn ông thật không dễ dàng gì. Chưa kể, ngoài Quốc Trường, gia đình còn có 3 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vì thế, chị Chea Suy Muoy đã nhận nhiệm vụ chăm sóc bé từ lúc lọt lòng cho đến tận bây giờ.

"Ai nuôi con nhỏ chắc sẽ hiểu nỗi khổ, nỗi vất vả khi chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ vừa lọt lòng. Không có bầu sữa mẹ để cho con bú, nên tôi chỉ biết cố hết sức ôm ấp, vỗ về để cho con được ngủ những giấc, dù không trọn vẹn. Cũng may mắn là đến thời điểm hiện tại, bé đã cứng cáp hơn và vào nề nếp, không còn khó như trước", chị Muoy kể.

Vì bản thân cũng có con nhỏ, lại đang ở nhà trọ nên cần chi phí để trang trải, chị Muoy đã tìm một công việc bán thời gian để làm. Chị kể, buổi sáng chị đi làm giúp việc theo giờ, đến trưa thì chạy về. Buổi tối cũng làm thêm 3 tiếng. Thời gian còn lại, chị về cùng mẹ ruột của mình nấu nướng, lo cho các con và 3 đứa cháu (con chị H).

Ba của các bé cũng đã đi làm trở lại để lo chi phí sữa, tã và ăn học cho các con. Đến thời điểm hiện tại, dù nỗi đau mất người thân trong đại dịch chưa thể nguôi ngoai nhưng ai cũng cố gắng vì cuộc sống, vì tương lai, nhất là vì những đứa trẻ còn hồn nhiên, thơ dại.

"Nhìn con mỗi ngày một lớn, thêm cứng cáp, tôi thấy rất hạnh phúc. Bé cũng tưởng tôi là mẹ của bé nên quấn quít, mỗi khi tôi đi làm bé không muốn chia tay, còn thấy tôi về nhà thì bé mừng rỡ, ráng thật nhanh chạy lại ôm tôi… Tôi sẽ cố gắng chăm sóc bé để bé không chịu thêm thiệt thòi nào nữa, và cũng mong mẹ của bé sẽ yên nghỉ, không phải nặng lòng vì các con", chị Muoy nói.

Theo số liệu thống kê của UBND TP.HCM, tính đến tháng 2/2022, TP.HCM có hơn 2.200 trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong đó, có 39 em mất cả cha mẹ, 78 em mất người trực tiếp nuôi dưỡng và trên 2.000 em mất cha hoặc mẹ.

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TP, ngoài chính sách chăm lo của Trung ương, TP.HCM cũng tích cực chăm lo cho trẻ mồ côi vì Covid-19. Cụ thể, trung bình mỗi em nhận được hỗ trợ từ 5-6 triệu đồng, riêng các em mồ côi cả cha và mẹ nhận được hỗ trợ 8-9 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ thêm dụng cụ học tập, các gói an sinh thực phẩm…

Theo quy định, hiện nay mức trợ cấp với trẻ mồ côi cả cha mẹ vì Covid-18 dưới 4 tuổi là 900.000 đồng/tháng, ngoài độ tuổi này là 540.000 đồng/tháng. Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác ở trường, thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Các chính sách trợ giúp xã hội được duy trì đến 22 tuổi...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem